Giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng như thế nào với vấn đề thất nghiệp?

(Dân trí) - Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ biết đọc biết viết rất cao, song tình trạng thiếu hụt nhân lực lành nghề là một vấn đề dai dẳng và giáo dục trong đó có giáo dục đại học không phù hợp.

Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Lộc, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong bài phân tích: "Giáo dục đại học và Việc làm"

GS Lộc cho rằng, các vấn đề thách thức của việc làm, cụ thể là thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực là hiện tượng toàn cầu. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. So với quốc tế, mặc dù mức độ thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực của Việt Nam chưa đến mức độ báo động, song với nền giáo dục đại học còn nhiều khiếm khuyết kể cả khía cạnh quy mô và chất lượng, cần có nhiều nỗ lực vượt bậc.

Các nỗ lực này cần được triển khai đồng bộ ở ba khía cạnh lớn, đó là: Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học, Hoàn thiện quản lý các trường đại học công lập thông qua thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm và Tăng cường phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học.


Nhiều cử nhân, thạc sĩ phải cất bằng để xin làm việc công nhân

Nhiều cử nhân, thạc sĩ phải cất bằng để xin làm việc công nhân

Giáo dục đại học không phù hợp?

Nói về tình trạng thừa – thiếu nhân lực và giáo dục đại học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lộc, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, Việt Nam không là ngoại lệ trong bức tranh chung của mối quan hệ giáo dục đại học – việc làm trong khu vực và quốc tế.

Đến quý 4 năm 2017, cả nước có gần 54,1 triệu lao động có việc làm và khoảng 1,11 triệu lao động thất nghiệp.

Số lao động thất nghiệp thanh niên hiện đã chiếm tới 49,1% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Lao động thanh niên thiếu việc làm chiếm gần 20,0% tổng số lao động thiếu việc làm cả nước – 159,9 nghìn người (Tổng cục thống kê, 2017).

Và với hơn 200 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4.4%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngưỡng cần quan tâm là 5%. Tổ chức này cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

GS.TS Nguyễn Lộc phân tích, bức tranh về nhân lực của Việt Nam sẽ rất không đầy đủ và khó có định hướng tương lai nếu không đề cập tới vấn đề thiếu hụt nhân lực. Không có thống kê cấp hệ thống về vấn đề này ở Việt Nam, tuy nhiên có một số dữ liệu từ một số khảo sát doanh nghiệp xuyên quốc gia.

Các nghiên cứu dấu vết sinh viên tốt nghiệp (Graduate Tracer Study-GTS) 2011 cho thấy rằng một phần ba doanh nghiệp báo cáo là không thể tìm ra những nhân lực họ cần. Một khảo sát dành riêng cho các giám đốc điều hành tại Việt Nam cho thấy 40% trong số họ gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự trên các cấp độ, các ngành và nghề nghiệp khác nhau.

Các Khảo sát nhân lực GTS cũng tiết lộ tình trạng thiếu hụt cấp cao về chuyên môn kỹ thuật và ngành trong một số ngành công nghiệp: ví dụ, trong chế biến thực phẩm; chăm sóc sức khỏe; xây dựng; giao thông vận tải và hậu cần: hóa chất và ngành công nghiệp phân bón, và ngành dệt may.

Khoảng cách kỹ năng cũng rất phổ biến ở cấp quản lý. Việt Nam đang thiếu nhân lực trong bốn cấp độ sau - lao động, quản lý, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao. Khảo sát Tổ chức Thương mại Bên ngoài của Nhật Bản (Japan External Trade Organisation - JETRO) phát hiện ra rằng sự thiếu hụt các kỹ sư, kỹ thuật viên và người quản lý trung bình ở Việt Nam tương đối cao hơn ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ biết đọc biết viết rất cao, song tình trạng thiếu hụt nhân lực lành nghề là một vấn đề dai dẳng và giáo dục trong đó có giáo dục đại học không phù hợp. Chất lượng giáo dục do doanh nghiệp không cao, trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn giáo dục Myanmar (WEF, 2016).

Phát triển kỹ năng không theo kịp với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về lao động lành nghề. Cải thiện hệ thống giáo dục để phát triển các kỹ năng thích hợp sẽ là giải pháp bắt buộc để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện tại và tương lai. Việt Nam đã và đang buộc mở cửa để lấp đầy nhiều thiếu hụt lao động từ các nền kinh tế khác.

Tài chính đóng vai trò quan trọng

GS Lộc cho rằng, cũng như nhiều quốc gia khác, nguồn lực tài chính của nhà nước dành cho giáo dục luôn khan hiếm. Việt Nam dành cho giáo dục một tỷ trọng cao (kể cả so với GDP hoặc ngân sách), song xét dưới góc độ chi tiêu thực tế trên đầu người học nói chung và sinh viên đại học nói riêng, nước ta ở mức độ rất thấp.

Do vậy, vấn đề hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học đóng vai trò tối quan trọng, đặc biệt đối với việc tăng cường đáo ứng của nó đối với thế giới việc làm. Cụ thể, giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu nhiều phân cách trong mối quan hệ giáo dục-việc làm như thiếu ngân sách cho nghiên cứu, thiếu học bổng và các biện pháp đảm bảo công bằng giáo dục, giúp giải quyết việc kết nối giữa giáo dục đại học với giáo dục phổ thông thông qua học bổng và các khoản vay.

Theo GS Lộc, so với các nước như Trung Quốc và Thái Lan, mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều. Điều này dẫn tới việc đánh giá chung là số lượng nhân lực của trình độ đại học của Việt Nam không đủ đáp ứng sự phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà sử dụng nhân lực ở Việt Nam đều cho rằng, chính sự không đủ về số lượng này dẫn tới việc thiếu hụt về nhân lực trình độ cao.

Về chất lượng dưới góc độ tài chính, các nghiên cứu cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải huy động đáng kể nguồn lực bổ sung, chủ yếu là tăng chi thường xuyên (khoảng bốn đến năm lần đối với tiền lương, tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.

Chi phí cho đầu một sinh viên khoảng 1.500 đô la Mỹ. Học phí này, cùng với các chi phí khác như phụ phí, sinh hoạt và chi phí chỗ ở được tính toán dựa trên ước tính khoảng 70% thu nhập hộ gia đình cho nhóm nghèo nhất và 30% cho nhóm giàu nhất. Mức học phí này cần được tính lại và tăng đến khoảng 4.000 đô la Mỹ thập kỉ tiếp theo.

Thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm

Theo GS Lộc, đối với Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì, các trường này có tới hơn 80 phần trăm sinh viên theo học.

Toàn bộ các khó khăn, những phân cách đều liên quan đến quản lý. Ví dụ, ngay cả khi các trường nhận được các khoản kinh phí đầy đủ để mời được đội ngũ giảng viên trình độ cao, song nếu mức tự chủ không đủ để chọn nhân viên và quyết định về chương trình đào tạo thì các trường sẽ khó cung cấp những gì mà các doanh nghiệp cần. Sự cần thiết của tính chịu trách nhiệm cũng tương tự.

Các nghiên cứu cho rằng xu thế chung trong quản lý trường đại học hiện nay là tập trung vào hoàn thiện cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm. Tự chủ cùng với giải trình trách nhiệm của trường đại học có thể mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển nguồn nhân lực và đổi mới ở các nước thu nhập thấp như Việt Nam.

Có được điều này là bởi động lực được tạo ra mạnh hơn nhờ có cấu trúc quản trị rõ ràng và sử dụng nhiều hơn thông tin địa phương, kết hợp tốt hơn đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của địa phương và lựa chọn chất lượng.

Do vậy, tăng cường quyền tự chủ được coi là có thể hỗ trợ kết hợp tốt hơn giữa đầu ra từ các trường đại học và nhu cầu thị trường lao động. Mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm của các trường đại học của Việt Nam chưa cao.

Về các tác nhân có ảnh hưởng mạnh tới việc nâng cao sự đáp ứng của giáo dục đại học đối với thế giới việc làm, theo GS Lộc, đó là các bộ ngành có liên quan như Bộ lao động, Bộ tài chính và Bộ khoa học và công nghệ. Thứ hai đó là các trường đại học tư thục. Tiếp theo ta có các tổ chức đào tạo quốc tế. Và cuối cùng là mối quan hệ trường-doanh nghiệp.

Việc phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học được coi là một cách tiếp cận quan trọng trong việc giảm thiểu các rào cản giữa giáo dục đại học với việc làm.

Nhật Hồng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm