Giáo dục đại học: “Nút thắt” chưa gỡ được cốt lõi
(Dân trí) - Chính phủ trình xin sửa luật Giáo dục Đại học 2012 với lý do sau gần 5 năm thực hiện luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi đưa ra được nhận xét tuy chỉnh hơn một nửa nhưng chưa phải là cốt lõi, chưa thực sự cần thiết…
Ngày 13/3, UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, cho ý kiến về dự án luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Dự thảo luật trình sửa đổi 39/73 điều, bổ sung 2 điều so với Luật Giáo dục Đại học hiện hành.
Học phí chưa được định giá tương xứng với dịch vụ
Tờ trình dự án luật của Chính phủ nêu rõ, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục Đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Những hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục Đại học 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trên thực tiễn.
Cụ thể, luật hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học công lập để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ đại học trên cả ba phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tài sản.
Riêng quy định với tài chính, tài sản theo Chính phủ thì đã trở nên không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, luật hiện hành chưa có quy định về huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư cho giáo dục đại học theo khả năng, nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học. Các quy định về việc liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các trường đại học.
Sự kiểm soát và lệ thuộc về nguồn tài chính cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được cấp. Tiêu chí để cấp kinh phí căn cứ vào quy mô, số lượng sinh viên đầu vào của trường và mức kinh phí năm trước dẫn đến thiếu mối liên hệ với chất lượng đào tạo và các nhiệm vụ khác của trường, đặc biệt là không công bằng trong trường hợp quy mô sinh viên tăng nhanh hơn so với sự gia tăng số lượng giảng viên làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đại học công cũng tự quyết học phí
Với lần sửa đổi này, học phí của cơ sở giáo dục đại học sẽ được chuyển sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá và Luật Phí và lệ phí.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Đối với việc quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học, dự thảo quy định cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư) và cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học có sử dụng ngân sách nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét, tuy sửa đổi đến hơn một nửa nhưng có những vấn đề chưa phải là cốt lõi, chưa thực sự cần thiết sửa đổi, bổ sung.
Liên quan đến "nút thắt" về tài chính, tài sản, Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết đổi mới cơ chế tài chính đại học và đề nghị làm rõ hơn việc thể chế hóa các chủ trương về vấn đề này.
Cơ quan thẩm tra đề cập vấn đề đầu tư của ngân sách nhà nước vào việc xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, ngành đào tạo trọng điểm. Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục đại học ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, bảo đảm thực hiện chính sách ưu tiên đối với người học thuộc diện chính sách; bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học...
Về học phí, đa số ý kiến thường trực cơ quan thẩm tra tán thành việc cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo.
Trong quy định quản lý tài chính và tài sản của trường công lập, đa số ý kiến trong Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học được quyết định chủ trương đầu tư các dự án để thực hiện hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ; quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu hợp pháp của nhà trường theo quy chế chi tiêu nội bộ cũng như được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm dự án đầu tư cho hoạt động đào tạo có bao gồm dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mua sắm trang thiết bị giá trị lớn hay không.
Có ý kiến đề nghị cụ thể hóa cơ chế cho phép cơ sở giáo dục đại học được kinh doanh, cho thuê, làm dịch vụ đối với các tài sản được giao như đất đai, trang thiết bị nhằm để tái đầu tư phục vụ đào tạo trong điều kiện tăng cường tự chủ và xóa bỏ cơ chế chủ quản, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản các trường công lập nhằm tránh nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
P.Thảo