Giảng viên “truyền lửa” kiến thức cho giáo viên
(Dân trí) - Việc bồi dưỡng kiến thức mới, nâng cao năng lực cho giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang là quá trình dài, vất vả. Thời gian qua, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (đơn vị chuyên về đào tạo giáo viên hơn 60 năm) đã tiến hành nhiều chuyến đi truyền thụ kiến thức cho giáo viên dọc dải đất duyên hải miền Trung.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã được hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua năm 2013 và việc bồi dưỡng cho giáo viên chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua hàng ngàn lượt giáo viên (GV) trên khắp miền Trung đã được các giảng viên trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế bồi dưỡng nhiều kiến thức cho thời đại 4.0.
Theo đó, nhà trường đã tập huấn bồi dưỡng GV trung học cốt cán về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 3.000 GV Tiểu học, THCS, THPT cốt cán 10 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Các GV đã được đào tạo con người toàn diện với 5 phẩm chất, 10 năng lực cùng 3 học phần bắt buộc: Đạo đức nhà giáo, Giáo dục STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematic: giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kĩ thuật - toán), kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều này nhằm thay đổi tư duy của các thầy cô để từ đó truyền đạt lại cho học sinh xu thế của giáo dục mới hiện nay.
Được biết để đi đào tạo các GV, 150 giảng viên trường ĐH Sư phạm đã mất gần 1 năm để chuẩn bị từ tiếp cận, bồi dưỡng, tập huấn, triển khai tại trường, tổ bộ môn và giáo viên phải có sản phẩm, phải có “kịch bản” dạy học cụ thể. Giảng viên đã học bồi dưỡng thêm ở chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (ETEP) của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Huế, để bồi dưỡng giáo viên theo chương trình mới, nôm na là không phải dạy học lan man như hồi trước. Ví dụ bài học về cái cốc không chỉ là miêu tả cái cốc, mà phải dạy biết làm cái cốc đó như thế nào. Xưa dạy biết gì, nay dạy phải làm được gì. Chính điều này tác động đến tư duy của GV. Và đây đang là cuộc “Cách mạng” trong phương pháp giảng dạy.
“Chúng tôi bồi dưỡng, dạy học với mục đích cho GV thấy được sự khác nhau giữa chương trình giáo dục cũ và mới. Tính mở của chương trình giáo dục phổ thông mới là giao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên tùy thuộc vào đặc thù vùng miền và xem sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo.
Trường xây dựng nhiều chuyên đề để bồi dưỡng GV, như dạy lịch sử về đường biên giới không những là dạy về mốc thời gian mà còn dạy về địa lý và tình hình chính trị; dạy địa lý về di dân là không chỉ dạy di dân giữa miền núi và đồng bằng mà còn di dân từ quốc gia này qua quốc gia khác; dạy toán không phải chỉ định lý pytagore mà còn dạy đo đạc ngoài thực tế…” - thầy Phương giải thích.
Nội dung đổi mới trong chương trình giáo dục là chuyển căn bản từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và “định hướng nghề nghiệp”. Cũng chính việc chia giai đoạn phát triển cho học sinh sẽ rạch ròi hơn cho cách dạy học. Từ lớp 1 đến lớp 9 là giáo dục cơ bản với những kiến thức nền tảng, từ lớp 10 đến 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp; nên từ đó các GV sẽ bám theo để đưa ra các kiến thức phù hợp và linh động khi dạy học sinh.
Trong suốt thời gian bồi dưỡng, giảng viên trường ĐH Sư phạm chú trọng nhiều việc khích lệ GV trao đổi, sáng tạo. Nhiều sản phẩm của GV từ quá trình lĩnh hội kiến thức đã ra đời như các bài giảng phương pháp mới, cách tiếp cận mới theo chủ đề, thực hành sáng tạo cho học sinh…
Sau khi kết thúc những khóa học bồi dưỡng, nhiều phản hồi online tích cực từ giáo viên tham gia tập huấn - bồi dưỡng. Cô Kiều Thị Tố Nga, GV trường Tiểu học Nghĩa Hà, Quảng Ngãi cho biết bản thân đã nắm rõ được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới và rất tự tin để chia sẻ kiến thức này với cán bộ trong trường của mình.
GV trường Tiểu học Lê Nhật, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - cô Hoàng Ánh Phương chia sẻ: “Tôi thấy tất cả các kiến thức thu nhận được đều rất phù hợp. Đặc biệt, với cách tổ chức hoạt động nhóm và sử dụng trực quan giúp giáo viên nắm chắc phương pháp dạy học để giúp người học phát huy tính sáng tạo trong quá trình học; đồng thời hiểu được những điểm mới của chương trình giúp nâng cao chất lượng môn học”.
PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đánh giá cao các đợt bồi dưỡng GV vừa qua của nhà trường. Trường đã và đang phối hợp các địa phương bồi dưỡng GV cốt cán đạt chất lượng tốt, nhận được sự phản hồi tốt từ GV, Sở GD&ĐT các tỉnh. Hiện tại rất nhiều tỉnh miền Trung đã tiếp tục đặt hàng nhà trường bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên đại trà và cán bộ quản lý thời gian tới với số lượng hàng chục ngàn GV.
Giám đốc ĐH Huế - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh trao đổi, Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Ban Bí thư khẳng định tiếp tục đầu tư cho những trường Đại học Sư phạm trọng điểm ở 7 vùng miền. So với các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì trường ĐH Sư phạm Huế chuyên đào tạo giáo viên từ hơn 60 năm nay và có tính chuyên nghiệp khác hẳn. Đội ngũ nhà giáo ở đây kế thừa qua nhiều thế hệ, đặc biệt các thầy cô trước 1975 vẫn tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Mục tiêu thời gian tới ĐH Huế sẽ phát triển trở thành Đại học Quốc gia. Trên định hướng Chính phủ xây dựng một đội ngũ giáo viên có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao dù thời gian đào tạo phải lâu nhưng sẽ đóng góp văn hóa tri thức lớn cho nhân loại, Huế vốn là đất học sẽ tiếp tục cống hiến đội ngũ nhân lực về giáo dục tốt, không những là tầm quốc gia mà còn tầm khu vực, quốc tế.
Đại Dương