Giảng viên đại học hạng I phải có ít nhất 6 bài báo khoa học quốc tế ISSN

(Dân trí) - Giảng viên đại học hạng I phải có ít nhất 06 (sáu) bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN.

Đó là một trong những nội dung Dự thảo của Thông tư: "Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập"  mà Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến góp ý.

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy trong các đại học, học viện, trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư không áp dụng đối với viên chức giảng dạy thuộc khối ngành công an, quân đội. 

Giảng viên đại học hạng I phải có ít nhất 6 bài báo khoa học quốc tế ISSN - 1

Giảng viên đại học (ảnh minh họa)

Theo đó, giảng viên đại học được phân hạng chức danh nghề nghiệp gồm:  Giảng viên đại học (hạng I) mã số: V.07.01.01; Giảng viên đại học (hạng II) mã số: V.07.01.02; Giảng viên đại học hạng III), Mã số: V.07.01.03. Cụ thể:

Giảng viên đại học hạng III, phải có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy (trừ trợ giảng) và có nhiệm vụ: giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp.

Tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; Chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt…

Giảng viên đại học, hạng II có nhiệm vụ: Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định...

Phải chủ trì thực hiện ít nhất 01 (một) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;

Chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học hoặc cấp có thẩm quyền thành lập thẩm định, nghiệm thu và sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo và có mã số chuẩn quốc tế ISBN;

Có ít nhất 03 (ba) bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN.

Dự thảo quy định, viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng III) lên chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm đối với người có bằng thạc sĩ, đủ 06 (sáu) năm đối với người có bằng tiến sĩ;

Trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng III) hoặc giảng viên (hạng III) tối thiểu đủ 01 (một) năm.

Giảng viên đại học hạng I, phải có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy…

Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Có kiến thức chuyên sâu về các môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức vững vàng của một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;

Chủ trì thực hiện ít nhất 02 (hai) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc 01 (một) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;

Hướng dẫn ít nhất 02 (hai) học viên được cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính hoặc phụ ít nhất 01 (một) nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ;

Đối với giảng viên giảng dạy các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, hướng dẫn 01 (một) học viên bảo vệ thành công luận văn chuyên khoa hoặc bác sĩ nội trú được tính như hướng dẫn 01 (một) học viên được cấp bằng thạc sĩ.

Đối với giảng viên giảng dạy các ngành nghệ thuật có thể thay thế việc hướng dẫn chính hoặc phụ 01 (một) nghiên cứu sinh bằng 01 (một) công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng có uy tín trong và ngoài nước.

Chủ trì biên soạn ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học hoặc cấp có thẩm quyền thành lập thẩm định, nghiệm thu và sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo và có mã số chuẩn quốc tế ISBN;

Có ít nhất 06 (sáu) bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN;

Viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng II) lên chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu đủ 06 (sáu) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng II) hoặc giảng viên chính (hạng II) tối thiểu đủ 01 (một) năm.

Giảng viên có hệ số lương cao nhất nhất là 8,00

Về cách xếp lương, theo dự thảo Thông tư, chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Đối với viên chức giảng dạy được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, dự thảo quy định, trường hợp đã được bổ nhiệm và đang xếp lương ở chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I) nhưng chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I) thì được xếp lên 01 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.

 Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I) thì được cộng thêm 03 năm (36 tháng) để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Trường hợp chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I), thì được đặc cách bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I), nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Đối với viên chức giảng dạy được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư thì được đặc cách bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (hạng I), nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm