Ý kiến bạn đọc:
Gian lận thi cử trở thành "ung thư" giáo dục, hậu quả khó lường!
(Dân trí) - Nếu như “ung thư” gia tăng một phần không nhỏ là do kinh doanh thực phẩm bẩn thì hậu quả của gian lận thi cử là “ung thư” giáo dục.
Nhiều bài viết phản ánh tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn, người ta thu gom thịt lợn chết…bằng trò “hô biến” thành thịt lớn rừng quý hiếm bán với giá đắt. Hậu quả của lối kinh doanh này đã làm cho ung thư ngày một gia tăng.
Tưởng những chiêu trò “hô biến” này chỉ xảy ra trong ngành kinh doanh thực phẩm, thật không ngờ lại “vận” ngay trong ngành Giáo dục.
Thí sinh N.A.T ở Sơn La có môn thi 0 (không) điểm được “hô biến” thành 9. Thí sinh N.H.Q. ở Hòa Bình cả hai môn Lý và Hóa đều 0 điểm nhưng được “hô biến” thành 9 và 9,25.
Nếu như “ung thư” gia tăng một phần không nhỏ là do kinh doanh thực phẩm bẩn thì hậu quả của gian lận thi cử là “ung thư” giáo dục.
Một loạt câu hỏi lớn được đặt ra và cần được trả lời sòng phẳng: “Gian lận thi cử gây hậu quả cho xã hội như thế nào? gian lận thi cử đã biến thành ung thư giáo dục chưa? và ung thư giáo dục có phải là căn bệnh nguy hiểm vô phương cứu chữa không?”
Để làm rõ được qui mô và mức độ gian lận trong thi cử như thế nào, Bộ GD&ĐT cần phải có cuộc khảo sát tầm vĩ mô, thẩm định khoa học khách quan và công bằng.
Nếu không làm rõ, một số kẻ “đục nước béo cò”, kẻ cơ hội sẽ lợi dụng hiện tượng gian lận thi cử đó để tập trung công kích xuyên tạc, thổi phồng, phóng đại các hiện tượng tiêu cực nhằm bôi nhọ, phá hoại ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và làm mất lòng tin trong nhân dân.
Tác giả chỉ kể một câu chuyện để nói lên một phần hậu quả của gian lận thi cử, một dạng “ung thư” giáo dục đang có tốc độ lan truyền mạnh.
Một giảng viên đại học tên Tân kể cho tác giả nghe, cách đây 20 năm, đã từng dạy một sinh viên tên An có điểm thi đầu vào Đại học đạt thủ khoa. Vì là thủ khoa nên được bầu chọn làm lớp Trưởng. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như lớp Trưởng An luôn có kết quả tốt, nhưng trái lại sinh viên An này học hết sức bình thường, thường xuyên tiếp xúc với giảng viên để xin nâng điểm cho mình.
Đến lượt sinh viên thủ khoa An đến xin điểm giảng viên Tân, bằng linh cảm của người thầy nhiều năm dạy Đại học, giảng viên Tân khẳng định, đây là “thủ khoa rởm” nên “lật bài ngửa” với sinh viên An: “Tôi biết em đã gian lận trong kỳ thi Đại học nên mới được thủ khoa, chỉ cần em trả lời tôi “Yes or No”, tôi sẽ nâng điểm cho em môn tôi dạy và hứa danh dự sẽ không nói với bất cứ ai về quá khứ gian lận của em. Còn nếu em không thành thật, tôi sẽ không nâng điểm cho em”. Sinh viên An quá bất ngờ, sợ hãi, sau một phút cúi đầu im lặng rồi thừa nhận: “vậy là thầy đã biết hết cả rồi phải không, mong Thầy “sống để dạ chết mang theo”, nếu có người thứ 3 biết, em sẽ bị đuổi học mất”.
Và rồi sinh viên thủ khoa An này cũng tốt nghiệp, điểm không cao nhưng cũng không thấp (nhờ xin điểm). Và nhờ cái bóng “thủ khoa” đầu vào, lớp trưởng 4 năm liền nên sinh viên An được giữ lại Trường làm giảng viên.
Do Anh văn kém, không đạt điểm Anh văn quốc tế, nên An phải làm luận án Tiến sĩ trong nước, 10 năm mới hoàn thành (tất nhiên cũng bằng con đường đi xin). Trong khi các bạn cùng khóa ở lại Khoa lần lượt làm luận án Tiến sĩ nước ngoài rồi định cư không về.
Các Tiến sĩ già trong khoa về hưu, nên chỉ còn An là Tiến sĩ nên được đảm nhiệm lần lượt các chức vụ từ Trưởng bộ môn đến Phó Trưởng khoa.
Giảng viên Tân thờ dài ngao ngán: “chỉ vì thương và xử sự nhân văn với sinh viên, không mạnh dạn đấu tranh tố cáo những gian lận ngay từ buổi ban đầu của sinh viên mà sinh viên thủ khoa này lần lượt đạt được các danh vọng, và không biết còn leo cao đến bậc nào nữa ?
Trong y học, ung thư di căn là tình trạng tế bào ung thư đã bắt đầu lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư giáo dục cũng tương tự, có thể biến một học sinh bình thường trở thành thủ khoa, lớp trưởng rồi giảng viên Đại học và lên Tiến sĩ.
Hậu quả các sinh viên sau này phải học những thầy giáo không thực chất, và thầy giáo An (thủ khoa đầu vào) lại “truyền tế bào ung thư giáo dục” : xin điểm, mua điểm, đổi tiền lấy điểm ... đến các sinh viên do mình dạy.
Kết luận
Bài viết chỉ là một nét chấm phá nhỏ về hậu quả gian lận trong thi cử đã gây tác hại nghiêm trọng thế nào. Khi chứng kiến gian lận thi cử bị phát hiện, người dân đang dần dần mất niềm tin vào giáo dục Đại học trong nước, nên số học sinh tìm cách đi du học ngày một tăng và đẩy các trường Đại học trong nước vào thế khó tuyển sinh.
Những học sinh xuất sắc xin được học bổng du học, số học sinh trung bình thì du học tự túc. Do vậy nhiều Trường Đại học Việt Nam top dưới đã bị chết “lâm sàng”; những trường Đại học Top trên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi phong trào “du học” của những học sinh xuất sắc đang ngày càng tăng. Đây là một thiệt hại vô cùng to lớn rất cần vào cuộc của Chính phủ và toàn xã hội để kiểm soát và đẩy lùi “ung thư giáo dục”.
PGS.TS Ngô Tứ Thành - Đại học Bách khoa Hà Nội