Bê bối gian lận điểm thi: Phụ huynh là quan chức càng phải xử lý nặng

(Dân trí) - Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trường hợp người mua điểm là quan chức nằm trong ngành giáo dục hoặc lãnh đạo địa phương thì càng phải xử lý nặng hơn.

Ai nâng điểm “không công” cho con quan chức?

GS.TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, trong vụ bê bối gian lận điểm thi, chúng ta nên đặt câu hỏi quan trọng: “Những phụ huynh có con được sửa nâng điểm thi có phạm tội hay không?”

“Nếu phụ huynh không bỏ tiền, tác động quyền lực ra thì ai "chạy" điểm cho con họ? (bởi lẽ, không ai làm công không cả). Thử hỏi, phụ huynh có phạm tội không? Phạm tội thì phải công khai, tại sao những người phạm tội lại phải che giấu? Che giấu để làm gì?”, ông Sơn nêu quan điểm.

Bê bối gian lận điểm thi: Phụ huynh là quan chức càng phải xử lý nặng - 1
GS.TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại.

GS.TS Đinh Văn Sơn chia sẻ thêm: “Thử đặt vài câu hỏi ngắn gọn vậy thôi, người dân có mấy ai không muốn công khai? Công khai phải đi kèm xử lý. Bắt được kẻ trộm, bắt được người phạm tội thì phải công khai danh tính cho mọi người được biết và phải xử lý theo quy định pháp luật. Một khi xử lý là phải công khai, minh bạch hóa xử lý.

Bây giờ, thí sinh đã giải quyết rồi, kể cả không công khai thì xã hội cũng dần biết. Con ai gian lận đến giờ đã được trả về quê hương (ở xã, thôn, phường nào, con ông nào, thi vào trường nào), lên trên mạng mọi người cũng biết.

Như vậy, công khai thí sinh thì danh tính bố mẹ cũng không giấu được, thí sinh làm gì có hai mẹ, hai bố? Vậy thà rằng công khai sẽ thể hiện được tính minh bạch và nghiêm túc trong xử lý các trường hợp vi phạm. Cá nhân tôi không đồng tình việc không công khai danh tính phụ huynh trong vụ gian lận điểm tthi THPT quốc gia 2018”.

“Quan chức phạm pháp càng phải công khai xử nghiêm”

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn nêu lên ý kiến cho rằng, trong xử lý vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia, nên minh bạch và công bằng. Phải có chế tài mạnh thì mới trừ thói hư tật xấu.

Cần sớm công khai danh tính tất cả phụ huynh mua điểm cho con, từ quan chức cấp cao tới dân thường. Suy cho cùng đây là hình thức đưa hối lộ. Người nhận hối lộ bị khởi tố thì người đưa hối lộ cũng phải bị xử lý.

Ai sai phải công bố rõ ràng và xử lý theo pháp luật (kể cả người đưa hối lộ, nhận hối lộ, tác động quyền lực...). Thậm chí, trong trường hợp người mua điểm là quan chức nằm trong ngành giáo dục thì càng phải xử lý nặng hơn. Theo ông, cả người bao che, không công bố tội phạm cũng là phạm tội.

Bê bối gian lận điểm thi: Phụ huynh là quan chức càng phải xử lý nặng - 2
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Không thể đảm bảo kỳ thi những năm trước không có chuyện sai sót. Nếu cứ khui ra thì khui miết chưa biết tới bao giờ mới hết, vừa tốn thời gian lại không hiệu quả. Do đó, nên giới hạn thời gian kỳ thi 2018 để điều tra tới cùng, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp liên quan, nhằm mang tính răn đe.

Quan điểm của tôi là nên công khai. Công khai là nhân đạo, nhân văn nhất. Bởi lẽ, công khai lần này chúng ta sẽ tránh được những lần sau này. Còn nếu mình bao che thì mình sẽ nhận lấy hậu quả về sau.

Ở Mỹ, trong vụ bê bối gian lận “chạy trường” danh tiếng mới được phanh phui vừa đây, 13 phụ huynh nhà giàu là sao Hollywood, doanh nhân nổi tiếng nhờ người sửa bài cho con không chỉ bị công khai danh tính, phạt tiền mà còn phạt tù, mức án tù có thể lên tới 20 năm.

Vậy chúng ta nên căn cứ trên nguyên tắc ai cũng mong muốn là minh bạch và công bằng. Chuyện này có gì đâu mà phải mờ ám và che đậy? Càng quan chức càng cao thì tội càng lớn vì người dân có thể đôi khi không biết nhưng quan chức là những người rất rõ pháp luật, mà còn vi phạm thì tội phải nặng  hơn để làm gương", Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm