Giám thị cho cởi đồ 8 nam sinh: Tiếng khóc trách nhiệm của Phó hiệu trưởng
(Dân trí) - Sau tiếng khóc của Phó hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner, TPHCM là tâm tư, trách nhiệm của người thầy, người quản lý dành cho học trò và cả với người đồng nghiệp trẻ tuổi.
"Không thể chấp nhận nổi"
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự việc giám thị tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, quận Gò Vấp, TPHCM cho cởi quần áo 8 nam sinh để kiểm tra việc các em mang thuốc lá điện tử vào trường.
Sự việc xảy ra vào ngày 12/4 vừa qua. Giám thị là một thầy giáo trẻ đã cho gọi 8 nam sinh xuống phòng kiểm tra. Tại đây, thầy giáo yêu cầu một em trong ban thi đua cho các học sinh cởi quần áo rồi kiểm tra rất nhanh.
Sự việc xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng, sửng sốt nhưng điều lắng lại ở câu chuyện này chính là trách nhiệm, nỗi lòng và cả tiếng khóc của Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, bà Võ Thị Lan Hương.
Ngày xảy ra sự việc, vị quản lý đang họp bên ngoài. Khi nghe giáo viên, phụ huynh gọi điện phản ánh, bà Hương nhớ lại cảm giác lúc đó: "Tôi sốc! Tôi rụng rời tay chân. Hơn 30 năm trong nghề, tôi chưa gặp cũng như không thể chấp nhận nổi trường hợp đau lòng thế này".
Trước sự việc xảy ra, nữ quản lý không né tránh, không bao biện, không đổ lỗi. Bà nói: "Trường chưa có Hiệu trưởng, tôi là người được giao phụ trách. Sự việc này xảy ra là trách nhiệm của tôi, trách nhiệm trong công tác quản lý chưa tốt".
Ngay sau khi nắm thông tin, việc đầu tiên bà Hương cùng giáo viên chủ nhiệm làm là xin lỗi các em học sinh vì đã để các em có trải nghiệm vô cùng đau lòng. Thay mặt nhà trường, bà cũng gửi lời xin lỗi đến cha mẹ các em, những người đã tin tưởng gửi gắm con vào trường.
Tiếp đó, bà trao đổi với thầy giám thị về sự việc, cho ghi biên bản tường trình để Hội đồng kỷ luật nắm thông tin và có hướng xử lý phù hợp nhất. Nhưng ngay sau sự việc, bà đã khóc.
Các em học sinh trong sự việc là những học sinh đã nhiều lần vi phạm mang thuốc lá đến lớp. Có em bị phát hiện lần 2, lần 3... Vậy mà, suốt quá trình tiếp nhận sự việc, trao đổi với các cơ quan quản lý hay với truyền thông, bà Hương không một lần lấy đó làm lý do để đổ lỗi học trò hay bao biện hành vi của giáo viên, cho trách nhiệm của nhà trường.
Một bài học lớn
Sai là sai. Đó không thể là cách để giáo dục, bà Hương xót xa khi học trò của mình trải qua sự việc đau lòng này. Có chăng chỉ là một chút tâm tư về việc nhà trường gặp ít nhiều khó khăn trong việc giáo dục các em học sinh đặc biệt.
Và bà khóc cho cả người đồng nghiệp trẻ tuổi mang đầy mang nhiệt huyết với nghề nhưng quá non nớt, nóng vội trong xử lý tình huống liên quan đến học trò.
Thầy giáo này vừa tốt nghiệp ngành thể dục thể thao nhưng trường đã có giáo viên thể dục nên thầy được bố trí sang làm công tác giám thị theo diện hợp đồng một năm. Thầy nhiệt tình, năng nổ...
Khi sự việc xảy ra, nhận thấy cái sai trong việc làm của mình ảnh hưởng đến học trò, đến nhà trường, thầy giám thị đã chủ động xin nghỉ việc. Dù rằng nhiều thành viên trong Hội đồng kỷ luật, phụ huynh và cả các em học sinh đều mong muốn thêm cơ hội cho thầy.
Bà Hương rớt nước mắt, vừa giận vừa thương người đồng nghiệp trẻ vì việc làm của mình, đang phải đối diện với áp lực từ học sinh, dư luận và cả con đường tương lai phía trước. Thương là vậy, nhưng về mặt quản lý, bà Hương chưa đồng ý đơn xin thôi việc của thầy giáo trẻ.
Bà nêu rõ quan điểm thầy mới ra trường, vì nhiệt huyết, nóng vội có thể được thông cảm nhưng việc thầy làm, thầy phải ở lại đây để chịu trách nhiệm trước các quyết định kỷ luật cho đến khi sự việc được giải quyết.
Nếu để thầy giáo nghỉ việc thì quá thuận lợi cho trường nhưng là một nhà quản lý, bà Hương không cho phép chọn cái dễ về mình. Phó hiệu trưởng thẳng thắn: "Nếu thầy mang "tì vết" chưa được giải quyết như vậy ra đi, đến đơn vị khác làm việc, sẽ không công bằng cho nơi mới".
Giọt nước mắt của Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner là tiếng khóc của trách nhiệm của người quản lý giáo dục; trách nhiệm với học trò, với phụ huynh, với dư luận và cả trách nhiệm với chính người đồng nghiệp trẻ gặp sai lầm.
Những ngày qua, bà Hương trải lòng với PV Dân trí về trăn trở giữa một bên là nỗi đau trước sự việc không hay xảy ra với các em học sinh và một bên là sự bao dung với nghề, với một giáo viên trẻ vừa ra trường...
Sau khi rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm cho việc làm của mình, hy vọng rằng một cách cổng mới sẽ mở ra với thầy như mong muốn của nữ Phó hiệu trưởng.