Giám thị cho lột quần áo nam sinh, lãnh đạo nhà trường nói: "Tôi rất sốc!"
(Dân trí) - Đêm 14/4, trên các diễn đàn học sinh tại TPHCM liên tục chia sẻ thông tin giám thị khi kiểm tra đột xuất học sinh nam đã yêu cầu các bạn lột hết đồ trên người.
Theo thông tin của một học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội tối 14/4, giám thị vào lớp đề nghị giáo viên bộ môn đưa một vài nam sinh qua phòng giám thị để kiểm tra cặp đột xuất. Sau khi kiểm tra cặp xong, thầy giám thị bắt học sinh lột hết đồ trên người (trừ quần lót) với mục đích là để kiểm tra.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, học sinh đã báo với Ban giám hiệu nhà trường nhưng Ban giám hiệu cho rằng, các bạn học sinh đã vi phạm trước đó nên cần kiểm tra kỹ lưỡng.
"Mặc dù Ban giám hiệu xin lỗi và nói rằng sẽ làm việc lại với giám thị cũng như là sẽ kỷ luật. Nhưng trước khi bạn mình nhận được lời xin lỗi thì những bạn đấy phải xin lỗi Ban giám hiệu trong khi các bạn đang là nạn nhân và các bạn cũng không nhận được bất kì lời xin lỗi nào từ chính thầy phụ trách việc kiểm tra cặp ngày hôm đấy", bài viết thông tin.
Ngay lập tức, thông tin trên được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội kèm nhiều bức xúc. Ngoài ra, Trường THPT Hermann Gmenier, Gò Vấp, TPHCM - nơi được cho là xảy ra sự nói trên cũng liên tục nhắc đến.
Lãnh đạo nhà trường: "Tôi rất sốc!"
Trao đổi với PV Dân trí trưa ngày 15/4, bà Võ Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Hermann Gmenier cho biết, trường thuộc tổ chức phi Chính phủ, có những yêu cầu rất chặt chẽ về quản lý, bảo vệ trẻ em. Trường có hẳn Ban bảo vệ trẻ em báo cáo về tổ chức SOS Việt Nam nên trường rất nghiêm khắc với những sự việc này.
Nói về thông tin trên mạng, bà Hương cho hay, sự việc xảy ra vào ngày 12/4 khi đó bà đang đi họp. Tối hôm đó, bà nhận được phản ánh từ giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh về sự việc thầy giám thị tự ý yêu cầu một số học sinh nam xuống phòng giám thị để kiểm tra đồ đạc và cởi quần áo.
"Khi nghe tôi rất sốc, rụng rời tay chân! Tôi lập tức gọi điện cho giám thị. Thầy thừa nhận có xảy ra sự việc dù không trực tiếp làm. Thầy yêu cầu học sinh vào phòng, một bạn trong ban thi đua cho học sinh cởi đồ kiểm tra rất nhanh và cho ra ngoài ngay lập tức. Nghe xong, tôi rất tức giận, rất đau lòng", bà Võ Thị Lan Hương nghẹn ngào.
Để xảy ra sự việc, bà Hương nhận trách nhiệm của mình trong việc công tác quản lý chưa được tốt.
Gần 30 năm làm nghề, bà Hương khẳng định không thể chấp nhận nổi trường hợp này. Bản thân bà đã đích thân thay mặt các thầy cô, thầy giám thị xin lỗi tất cả học sinh.
Ngay ngày hôm sau, bà Hương yêu cầu thầy giám thị viết tường trình về sự việc. Nhà trường đã lập biên bản, báo cáo sự việc lên các cơ quan quản lý liên quan chờ hướng giải quyết.
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra sự việc, thầy giáo này đã chủ động xin nghỉ việc vì ăn năn trước sự việc và làm ảnh hưởng đến nhà trường. Nhưng đang trong thời gian chờ xử lý kỷ luật nên trường chưa giải quyết cho đề nghị thôi việc của thầy giáo. Theo bà Hương giáo viên không thể mang "tì vết" sang đơn vị khác khi sự việc chưa được xử lý.
Trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mời tất cả phụ huynh lên để thầy được xin lỗi công khai. Tuy nhiên, khi nắm thông tin hướng xử lý của trường, phụ huynh có trả lời không can thiệp vào, chỉ đề nghị trường xem đây là bài học.
Phó hiệu trưởng chia sẻ, trường không có giám thị biên chế. Thầy giám thị trong sự việc này là giáo viên kiêm nhiệm tuổi còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp thể dục thể thao thỉnh giảng tại trường theo hợp đồng 1 năm từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023.
"Một bên là tôi rất sốc về sự việc xảy ra, một bên là sự bao dung với nghề, với một giáo viên trẻ vừa ra trường làm việc rất tốt nhưng quá non kinh nghiệm, cách xử lý nóng vội", bà Hương nói.
Các em học sinh trong sự việc cũng xin lỗi thầy cô và muốn cho thầy giám thị cơ hội vì các em nhiều lần vi phạm mang thuốc lá điện tử vào trường. Có em bị phát hiện lần 2, lần 3..., trường cũng gặp khó khăn trong việc giáo dục các em.
Nữ Phó hiệu trưởng nêu quan điểm trường công khai sự việc, hướng xử lý trước dư luận, không né tránh sai sót trong công tác quản lý cũng như để tránh hoang mang cho học sinh, giáo viên và học sinh.
Bà Hương cũng trải lòng, gần đây trường rất khó khăn vì không thể thu học phí cao. Nhiều giáo viên vào trường làm việc một thời gian lại xin nghỉ vì thu nhập thấp và không ổn định nên trường phải sử dụng một lực lượng giáo viên thỉnh giảng từ bên ngoài.
Trường Hermann Gmenier có 1.213 học sinh ở các bậc học, trong đó có 103 học sinh là trẻ em làng SOS.