Thanh Hóa:

Giám sát quá trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên

(Dân trí) - Đó là yêu cầu của tỉnh Thanh Hóa đối với quá trình tổ chức, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập tỉnh Thanh Hóa của Trường Đại học Hồng Đức.

Tỉnh Thanh Hóa vừa có yêu cầu tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên (GV) Mầm non (hạng II, III, IV); GV Tiểu học (hạng II, III, IV); GV Trung học cơ sở (THCS hạng I, II, III); GV Trung học phổ thông (THPT hạng I, II, III); giảng viên (hạng I, II, III).​

Thanh Hóa tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập tỉnh Thanh Hóa

Trên cơ sở đó, Trường ĐH Hồng Đức có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, đánh giá, công nhận kết quả học tập và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập tỉnh Thanh Hóa theo đúng quy định tại Thông tư số 13.

Đồng thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả thực hiện chương trình nêu trên.

Yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hàng năm cho GV Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT; đồng thời, phối hợp với Trường ĐH Hồng Đức trong công tác quản lý học viên trong suốt qúa trình bồi dưỡng.

Đồng thời, yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và giảng viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh của Trường ĐH Hồng Đức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Trước đó, vào đầu năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo không bố trí GV THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và GV Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng.

Tại Thanh Hóa, năm học vừa qua, nhiều GV dôi dư ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh này đã được điều chuyển xuống dạy Mầm non, Tiểu học. Tuy nhiên, số GV này chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của cấp học mới. Thực tế đó khiến không chỉ GV thiếu chuyên môn, nghiệp vụ mà còn gây thiệt thòi đối với học sinh.

Năm học 2016 - 2017, nhiều giáo viên THCS tại Thanh Hóa được điều chuyển xuống dạy Mầm non, Tiểu học
Năm học 2016 - 2017, nhiều giáo viên THCS tại Thanh Hóa được điều chuyển xuống dạy Mầm non, Tiểu học

Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố không bố trí GV THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và GV Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chức danh nghề nghiệp theo quy định.

Đồng thời lập danh sách GV dôi dư nêu trên có nguyện vọng và tự nguyện đi đào tạo để được bố trí dạy Mầm non, Tiểu học; báo cáo Sở GD-ĐT để tổ chức đào tạo theo kế hoạch. Trong kế hoạch thực hiện phải nêu rõ: Trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm và kinh phí đào tạo, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với những GV dôi dư không tự nguyện đi đào tạo để điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học thì xem xét, giải quyết theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Trước đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã báo cáo và đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV THCS điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học của Trường ĐH Hồng Đức theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, sớm có văn bản chỉ đạo để Sở GD-ĐT triển khai kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết tại địa phương.

Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chuyển đội ngũ GV dôi dư THCS và Tiểu học xuống Mầm non, tự nguyện ở lại công tác ở bậc Mầm non để lập kế hoạch đào tạo đạt chuẩn nghề nghiệp GV Mầm non theo quy định, hoặc có giải pháp đối với số GV dôi dư này, nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ giữa các bậc học trên địa bàn.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm