Giám đốc Sở Giáo dục: Học sinh Hà Nội không cần đi trải nghiệm ở đâu xa

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định học sinh có thể tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô mà không cần phải đi đâu xa.

Tham quan, trải nghiệm là một trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được các trường phổ thông tại Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Việc tổ chức các hoạt động này đặt ra nhiều vấn đề liên quan, trong đó có kinh phí đóng góp của phụ huynh, công tác đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro, cứu hộ cứu nạn cho học sinh.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội - cho biết, cá nhân ông quan ngại với việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội bởi có nhiều nguy cơ về đi lại, an toàn giao thông. 

Trong khi đó, Hà Nội là cái nôi của các di tích lịch sử văn hóa, không chỉ người dân cả nước mà cả du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu.

Giám đốc Sở Giáo dục: Học sinh Hà Nội không cần đi trải nghiệm ở đâu xa - 1

Học sinh Hà Nội đi tìm hiểu về lịch sử tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Hoàng Hồng)

"Do đó, học sinh Hà Nội việc gì phải đi đâu xa. Các nhà trường chỉ cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn thủ đô là có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả cho học sinh", ông Trần Thế Cương nêu quan điểm.

Lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô cũng dẫn chứng những tour du lịch, trải nghiệm có nội dung lịch sử - văn hóa ngay trong lòng Hà Nội luôn "cháy vé" tham quan, đồng thời thu hút một lượng khách lớn là người trẻ tuổi như các tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long hay mới đây nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Các trường học có thể tham khảo loại hình du lịch này để tổ chức cho học sinh thêm hiểu biết, gắn bó và tự hào về mảnh đất quê hương.

Giám đốc Sở Giáo dục: Học sinh Hà Nội không cần đi trải nghiệm ở đâu xa - 2

Học sinh tham quan, trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Hoàng Hồng).

Liên quan tới nội dung này, chiều nay, 2/11, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm, UBND huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây tổ chức ký biên bản ghi nhớ về giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đây là một trong những nội dung của kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh nhằm mục đích trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử , từ đó thêm am hiểu, tự hào và có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, di sản văn hóa của địa phương.

Hoạt động này cũng giúp quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, di sản văn hóa của thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn thành phố tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học.

Giám đốc Sở Giáo dục: Học sinh Hà Nội không cần đi trải nghiệm ở đâu xa - 3

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội giữa Sở GD&ĐT với các đơn vị (Ảnh: Hoàng Hồng).

Về nội dung, hoạt động giáo dục di sản văn hóa khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống địa phương, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của địa phương.

Chương trình hoạt động giáo dục di sản văn hóa cũng hướng đến việc đa dạng, hữu ích và gần gũi với học sinh như tổ chức thi đố vui để học, thi vẽ tranh, thi hùng biện; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng... tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Về kinh phí tổ chức, cần tận dụng, huy động các nguồn lực để tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương đảm bảo tốt nhất lợi ích của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục 2018, đảm bảo đúng các quy định hiện hành.