Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh: Thừa gần 1.000 GV vì 3 lý do

(Dân trí) - Một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Hà Tĩnh nhưng lại dư thừa đến gần 1.000 giáo viên. PV <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Dũng - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân cũng như hướng giải quyết thực trạng trên.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới việc Hà Tĩnh thừa gần 1000 giáo viên (GV) như hiện nay?

Theo tôi, việc dư thừa GV hiện nay không chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh mà còn ở nhiều nơi trong cả nước. Tại tại Hà Tĩnh, việc dư thừa theo tôi có 3 lí do chính sau:

Trước hết là do cơ chế chính sách, do vấn đề lịch sử để lại. Trước đây, do dân số tăng, quy mô trường lớp tăng dẫn đến số lượng GV cũng phải tuyển dụng cho đủ. Nay tỷ lệ sinh giảm, số lượng học sinh giảm, dẫn đến cả trường lớp và đội ngũ GV dư thừa. Nhiều trường học ở Hà Tĩnh do không đủ số lượng học sinh theo học như trước, dẫn đến việc phải sát nhập một số trường học lại với nhau. Khi đã sát nhập lại càng dẫn đến dư thừa GV. 

Một lý do khác xuất phát từ những điều chỉnh về mặt nội dung, chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT những năm trước đây. Cụ thể, một số chương trình, bộ môn Bộ chỉ đạo tăng thêm tiết dẫn đến địa phương phải tuyển thêm giáo viên, nay các chương trình, bộ môn đó Bộ lại chỉ đạo giảm tiết thì lại dư thừa GV. Để giảm ngay số lượng GV cho phù hợp cơ cấu trường, lớp là rất khó, vì những GV được tuyển dụng đã được nhà nước biên chế rồi.  

Một lí do khác đó là chủ trương thu hút nhân tài của tỉnh, việc tiếp nhận GV là đối tượng thuộc con em của các gia đình chính sách, thương binh, có công với cách mạng, và cả con em công tác xa quê nhiều năm có nguyện vọng chính đáng xin trở về quê công tác. 

Có một thực tế là càng gần trung tâm thành thị việc dư thừa giáo viên càng lớn, dẫn đến tình trạng có trường một GV chỉ dạy một nửa số tiết theo quy định. Vì sao lại có tình trạng này thưa ông?

Những năm qua, ngành và các địa phương cũng chịu nhiều áp lực về vấn đề này. Tôi sẽ tìm hiều kỹ hơn để có một con số chính xác. Theo tôi, việc dư thừa GV ở gần trung tâm đô thị có nguyên nhân lớn là số lượng học sinh giảm mạnh, điều này xuất phát từ công tác kế hoạch hóa gia đình ở những vùng này tốt hơn.

Việc thừa như thế gây ra những hệ lụy như thế nào, thưa ông?

Việc dư thừa một lượng GV lớn đã gây nhiều bất cập trong công tác phân bổ GV, phân bổ thời lượng giảng dạy hợp lý cho đội ngũ GV. Hiện nhiều huyện, thị đang rất đau đầu về vấn đề này. Chưa hết, tình trạng dư thừa GV cũng đã gây lãng phí rất lớn khi mỗi năm tỉnh phải chi trả cả lương và các khoản phụ cấp khác cho GV dư thừa. Theo tính toán sơ bộ của tôi, với gần 1.000 giáo viên dư thừa, mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi cho bộ phận giáo viên dư thừa này không dưới 50 tỷ đồng.

Với tư cách là người đứng đầu ngành GD-ĐT Hà Tĩnh, ông có thể cho biết hướng giải quyết số GV dư thừa của tỉnh nhằm đảm sự cân đối giữa cơ cấu trường lớp với đội ngũ GV?

Giải pháp mà chúng tôi đang tích cực triển khai là vận động các GV lớn tuổi, GV có nguyện vọng nghỉ trước thời hạn nghỉ hưu sớm. Thực tế, trong vòng mấy năm qua, bằng vận động cũng như thông qua hình thức tự nguyện của GV, Hà Tĩnh đã có hơn 200 GV nghỉ hưu trước thời hạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giải pháp này, tất nhiên, để đạt được kết quả như ý muốn chúng tôi cũng sẽ kiến nghị tỉnh trích thêm kinh phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cao nhất cho đội ngũ GV nghỉ theo chế độ này.

Ngoài ra, tại kỳ họp HĐND sắp tới, tôi sẽ nêu lại vấn đề đó là cần phải có sự điều chỉnh làm sao cho hợp lý trong công tác vận hành tuyển dụng, bổ nhiệm GV giữa Sở và các địa phương. Đây là vấn đề hiện còn rất bất cập, góp phần dẫn đến tình trạng mất cân đối GV giữa các huyện, thị như hiện nay. Chẳng hạn, trong khi huyện A thừa rất nhiều GV, nhưng ở huyện B lại thiếu. Nếu làm phân cấp, thiếu phối hợp như hiện nay thì Sở không thể điều GV ở huyện B sang huyện A được, mà huyện A cũng không thể thuyên chuyển GV của mình sang huyện B.

Xin cảm ơn ông!
Văn Dũng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm