Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Các sĩ tử nghĩ gì?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Nhiều trường đại học mở rộng thêm nhiều phương thức xét tuyển nhưng giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Vậy các sĩ tử lớp 12 suy nghĩ gì về thực tế này?

Nhiều trường đại học giảm sâu chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Những năm gần đây, bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống là dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học đã đưa vào thêm nhiều hình thức xét tuyển khác cho các thí sinh. Một số hình thức xét tuyển nổi bật có thể kể đến như: học bạ, chứng chỉ IELTS, điểm thi đánh giá năng lực… và các hình thức khác, tùy theo đề án tuyển sinh của từng trường. Nhiều trường đại học không còn coi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là phương thức xét tuyển chủ yếu.

Trường Đại học Bách Khoa "giảm sâu" chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT xuống chỉ còn khoảng 10-20% trong khi năm ngoái là 80-85%. Trường sẽ dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển cho các hình thức khác, cụ thể là 60-70% dựa theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và 20-30% cho xét tuyển tài năng.

Tương tự, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10-15% chỉ tiêu cho xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại sẽ xét tuyển theo một số phương thức khác theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

Học viện Ngân hàng cũng có đến 5 phương thức tuyển sinh khác nhau, trong đó trường dành ra 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển truyền thống này.

Nhiều phương thức xét tuyển mới xuất hiện, cộng với việc không giới hạn số lượng nguyện vọng đã giúp các thí sinh có nhiều cơ hội đỗ đại học. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh, học sinh lớp 12 cũng có những băn khoăn.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có phải là bất lợi cho thí sinh vùng sâu vùng xa?

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Các sĩ tử nghĩ gì? - 1

Bạn Đào Bảo Ngọc, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về vấn đề này, Bảo Ngọc (lớp 12 chuyên Toán, trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) bày tỏ: "Theo mình, các bạn ở vùng sâu vùng xa sẽ thiệt thòi hơn vì không có điều kiện tiếp xúc các phương thức xét tuyển mới. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển khác tăng mạnh dẫn đến số lượng thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (đặc biệt ở các vùng trung tâm, thành phố lớn) giảm thì việc giảm chỉ tiêu cho hình thức này là điều dễ hiểu. Nếu các bạn ở vùng sâu vùng xa lựa chọn phương thức này thì sự cạnh tranh cũng có thể giảm do số lượng thí sinh ít đi. Xét trên một góc độ khác, việc này cũng không hoàn toàn bất công cho các bạn".

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Các sĩ tử nghĩ gì? - 2

Bạn Bùi Phước Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Kim Bôi A (Ảnh: NVCC).

Ngọc chia sẻ thêm về định hướng của bản thân: "Từ năm lớp 11, mình đã cân nhắc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và một số tiêu chí khác như thành viên đội tuyển quốc gia, giải học sinh giỏi cấp tỉnh… Xét theo các hình thức này sẽ phụ thuộc vào quá trình cố gắng trong cả ba năm học thay vì chỉ một bài thi nên sẽ tránh được nhiều rủi ro và thường sẽ có kết quả sớm".

Cùng chung quan điểm này, Phước Anh (lớp 12A1, trường THPT Kim Bôi A, Hòa Bình) chia sẻ: "Theo mình, việc giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT không phải là một điều thiệt thòi cho các bạn thí sinh ở vùng sâu vùng xa. Bởi các hình thức xét tuyển mới sẽ luôn được các thầy cô giáo phổ biến và hỗ trợ bọn mình tìm hiểu nếu có nhu cầu.

Việc xét tuyển bằng các hình thức khác sẽ phần nào đó làm giảm đi áp lực học tập. Mình có thể ôn tập thoải mái nhẹ nhàng chứ không cần quá đặt nặng vấn đề thi cử mà vẫn có đủ điều kiện để vào được trường mà mình chọn".

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Các sĩ tử nghĩ gì? - 3

Bạn Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Thanh Sơn (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có không ít thí sinh quan ngại khi chỉ tiêu xét tuyển theo hình thức truyền thống giảm mạnh. Chia sẻ về những bất lợi khi xét tuyển theo những phương thức mới, Minh Anh (lớp 12A1, trường THPT Thanh Sơn, Phú Thọ) bộc bạch: "Quyết định này của các trường đại học có ảnh hưởng lớn đối với mình, có thể coi là một tin không tốt. Vì mình không có đủ khả năng và điều kiện thi IELTS, cũng không đủ thời gian ôn thi đánh giá năng lực.

Việc ôn thi đánh giá năng lực khá vất vả vì có nhiều kiến thức mới lạ, sâu rộng và nếu điểm thi không đạt thì quay lại ôn thi tốt nghiệp THPT có lẽ sẽ không đủ thời gian để đạt kết quả tốt. Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến mình ít cơ hội hơn để vào trường đại học mong muốn".

Phương Thảo (lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) cũng bày tỏ quan điểm: "Mình thấy quyết định giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo hình thức thi tốt nghiệp THPT vừa là cơ hội vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Việc này sẽ đem đến sự công bằng cho những bạn có năng lực và cũng là thử thách cho đa số các bạn sĩ tử, đòi hỏi phải tập trung và quyết tâm cao.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Các sĩ tử nghĩ gì? - 4

Bạn Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một quyết định công bằng cho những thí sinh ít có điều kiện tiếp xúc với các phương thức xét tuyển mới, vì các bạn được cộng điểm ưu tiên nhưng điều kiện học tập còn khó khăn và nhiều bất lợi so với vùng trung tâm vì các bạn được tiếp cận ngoại ngữ muộn hơn, các hoạt động giao lưu học tập hạn chế hơn…".

Có thể thấy, việc đa dạng các phương thức xét tuyển đã giúp nhiều thí sinh có tâm lý thoải mái hơn, bớt áp lực trước bước ngoặt lớn đầu tiên của cuộc đời. Nhưng quyết định này cũng gây ra không ít ý kiến trái chiều. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học vẫn đang cố gắng để vừa mở rộng hình thức xét tuyển, vừa đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng thí sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm