Giải đáp những câu hỏi “nóng” về kì thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kì thi THPT quốc gia từ năm 2015, bạn đọc báo <i>Dân trí</i> gửi đến nhiều câu hỏi về kì thi. Trên cơ sở lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời tại buổi họp báo chiều 9/9, <i>Dân trí</i> xin giải đáp những câu hỏi chủ đạo mà bạn đọc gửi về.

Trước hết xin nhấn mạnh: Sau Quyết định được ban hành vào ngày hôm qua 9/9, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có các văn bản hướng dẫn tiếp theo trong việc tổ chức kì thi THPT quốc gia, đăng ký thi... Bên cạnh đó cũng sẽ sửa đổi quy chế tuyển sinh, quy chế thi tốt nghiệp THPT..., Dân trí sẽ sớm cập nhật thông tin khi Bộ GD-ĐT đưa ra các văn bản này.
 
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì buổi họp báo công bố thông tin về kỳ thi THPT quốc gia vào chiều 9/9/2014
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì buổi họp báo công bố thông tin về kì thi THPT quốc gia vào chiều 9/9/2014.

Câu hỏi: Chứng chỉ nào thì được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ? Quy đổi chứng chỉ sang điểm như thế nào? Điểm này có được dùng căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ?

Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới sẽ quy định chi tiết các chứng chỉ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ, bên cạnh đó cũng sẽ có quy đổi từ chứng chỉ sang điểm số để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các chứng chỉ quốc tế chắc chắn được xét miễn thi, còn những chứng chỉ mua do các tổ chức đánh giá trong nước chưa đáng tin cậy có thể xảy ra chuyện “mua bán chứng chỉ” dễ dàng với giá 200.000-300.000 đồng như dư luận từng phản ảnh sẽ không được chấp thuận.

Trong tương lai, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các trung tâm kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ. Về lâu dài, thí sinh có thể tham gia các kì kiểm tra của các trung tâm này để xác nhận trình độ ngoại ngữ, không cần dự thi ngoại ngữ theo kiểu tập trung như hiện nay.

Việc chứng chỉ này có được làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay không phụ thuộc vào yêu cầu của từng trường. Khi các trường có sử dụng kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển thì sẽ quy định cụ thể đối với các môn thi vào một ngành học nào đó.
 
Câu hỏi: Đề thi ở kì thi THPT quốc gia sẽ như thế nào? Phần kiến thức trong đề thi ra sao? Có phân biệt phần để xét tốt nghiệp và phần để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không?
 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Ông Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, đề thi vẫn bám sát chương trình phổ thông và chủ yếu là chương trình lớp 12.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường ĐH,CĐ chủ trì và dự thi cụm do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì thì đề thi đều giống nhau. Không tách riêng phần thí sinh làm đến phần để được công nhận tốt nghiệp và phần thí sinh làm để tuyển sinh. Đề thi đáp ứng được cả yêu cầu về phần cơ bản để học sinh trung bình có thể đỗ tốt nghiệp và có phần nâng cao, phân hóa để làm cơ sở các trường ĐH, CĐ lựa chọn thí sinh.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo chiều qua 9/9.

Câu hỏi: Việc đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ sẽ như thế nào? Được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, việc đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH,CĐ ở kì thi THPT quốc gia khác so với trước đây. Nếu trước đây là thí sinh đăng ký nguyện vọng trước sau đó thi mới có kết quả thì này đổi thành thi xong có kết quả lúc đó sử dụng kết quả này đăng ký nguyện vọng vào các trường phù hợp với điểm thi của mình. Điều kiện để được đăng ký phù thuộc vào yêu cầu của các trường ĐH, CĐ đưa ra.

Bộ GD-ĐT sẽ sửa quy chế để thí sinh có thể in kết quả điểm của mình trên mạng để mang đi xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ sẽ kiểm tra kết quả của thí sinh có đúng hay không bằng cách tra cứu dữ liệu chung. Như vậy thí sinh sẽ đăng ký được nhiều nguyện vọng miễn là đáp ứng được yêu cầu của trường đưa ra.

Câu hỏi: Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước đây dự thi như thế nào? Đối tượng dự thi liên thông ra sao? Trượt tốt nghiệp năm trước sẽ dự thi xét tuyển ĐH, CĐ ra sao?

Bộ GD-ĐT cho biết, thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghĩa là, tùy thuộc vào trường thí sinh muốn đăng ký nguyện vọng yêu cầu thi môn nào thì thí sinh chỉ cần đăng ký dự thi môn đó ở kì thi THPT quốc gia. Điều này cũng tương tự như đối với thí sinh dự thi liên thông.

Đối với những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm trước thì cách thức dự thi như những học sinh THPT năm nay dự thi.

Câu hỏi: Tất cả các trường ĐH, CĐ đều dùng kết quả của kì THPT quốc gia để xét tuyển? Sau kì thi này có còn kì thi nào khác của các trường ĐH, CĐ?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, mục đích của kì thi quốc gia là cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ để tuyển sinh. Vì thế Bộ GD-ĐT mong có nhiều trường sử dụng kết quả này để giảm tốn kém, áp lực cho xã hội và người dân.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không khống chế việc các trường tự chủ tuyển sinh riêng hoặc có thêm kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia. Các trường hoàn toàn có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần kết quả của kì thi quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường mình.

Như vậy dù dự kì thi THPT quốc gia, thí sinh vẫn có thể tham dự một kì thi tiếp theo do trường muốn đăng ký nguyện vọng tổ chức nếu trường này không sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm