Quảng Trị:
Gia đình khuyến học người Vân Kiều tiêu biểu miền sơn cước
(Dân trí) - Vượt qua mọi khó khăn để chăm lo cho con ăn học thành tài, ông Trai nói rằng: “Vợ chồng tui cho con ăn học không hy vọng sau này con được làm cán bộ, mà trước hết nhằm trang bị vốn kiến thức để các con trưởng thành hơn, tự tin trong cuộc sống, bước đi vững vàng hơn trong tương lai”.
Lập nghiệp và sinh sống ở vùng sơn cước thuộc xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ít có người dân nào có tầm nhìn và nhận thức tân tiến như vợ chồng ông Hồ Ngọc Trai (SN 1964) và vợ là Hồ Thị Lum (SN 1966).
Gia đình ông Trai vừa là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy con thành tài, vừa là điển hình trong phát triển kinh tế tại xã Vĩnh Khê - nơi có đông đảo bà con Vân Kiều sinh sống.
Những thay đổi từ trong suy nghĩ, đến việc làm của ông Trai đều hàm chứa ý nghĩa, khát khao vươn lên, thoát khỏi sự nghèo, như chính cái tên địa danh thôn Xung Phong, nơi gia đình ông chọn lập nghiệp và sinh sống đến hôm nay.
Vợ chồng ông Trai có 4 người con, tất cả đều được ông chu cấp cho ăn học tử tế. Người con gái đầu là Hồ Thị Ngoan, hiện là cán bộ địa chính xã Vĩnh Khê. Con trai thứ 2 là Hồ Văn Thoan (SN 1986) - Đại úy, công tác tại Công an thị trấn Bến Quan. Con trai thứ 3 là Hồ Văn Toan (SN 1988), học xong THPT thì tham gia nghĩa vụ trong lực lượng biên phòng, sau xuất ngũ trở về xây dựng gia đình và sinh sống tại địa phương. Con gái út của vợ chồng ông Trai là Hồ Thị Xoan (SN 1990), đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế và xây dựng gia đình riêng.
Hiện vợ chồng ông Trai đã có nhiều cháu nội, ngoại.
Ông Trai kể: “Vợ chồng tui lên vùng đồi núi thuộc thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê lập nghiệp vào năm 1986. Lúc ấy cuộc sống còn khó khăn, vùng đất này khá heo hút, cái nghèo, cái đói luôn là nỗi lo với bà con. Để duy trì cuộc sống, vợ chồng tui đi nhặt phế liệu bán lấy tiền để mua lương thực. Ngoài ra còn trồng sắn, khoai… để có cái ăn qua ngày. Các con tui được sinh và lớn lên trong sự thiếu thốn đủ bề. Dẫu khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn quyết tâm, bằng mọi giá phải chu cấp cho con ăn học tử tế. Trước đó, việc cho con đi học là điều ít ai nghĩ đến, chưa nói đến học đại học, bởi để nuôi con trong những năm học là biết bao sự gian nan. Nhưng, cố gắng xoay xở dần, vợ chồng tui cũng làm được”.
Sau này, nhờ những bước đi mạnh dạn trong chuyển đổi phương thức sản xuất, đời sống của gia đình ông Trai dần khá lên, ông có điều kiện lo cho các con học tập.
Đến nay, những người con của vợ chồng ông Trai đã khôn lớn, trưởng thành. Trong số đó, 2 người có công việc ổn định, 2 người theo cha mẹ phát triển kinh tế. Vợ chồng ông Trai đã có thể vui mừng và tự hào vì luôn dõi theo bước trưởng thành của con, chu cấp đầy đủ cho các con học hành chu đáo, nuôi dạy con nên người.
Những lúc rảnh công việc, ông Trai chỉ bảo các cháu học bài.
Chia sẻ về việc chăm lo cho sự học của các con, ông Trai bày tỏ: “Vợ chồng tui cho con ăn học không hy vọng sau này con được làm cán bộ, mà trước hết là trang bị vốn kiến thức để các con trưởng thành hơn, tự tin trong cuộc sống, bước đi vững vàng hơn trong tương lai”.
Người dân thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê luôn xem gia đình ông Trai là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế để học tập và làm theo.
Sau khi được giao đất, giao rừng, vợ chồng ông chăm chỉ khai hoang mở rộng diện tích. Để đảm bảo cuộc sống, ông Trai kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, ông trồng cây ăn quả, trồng rừng cao su, tràm để lấy ngắn nuôi dài. Hiện gia đình ông phát triển được 12 ha cao su, 20 ha tràm. Vợ chồng ông cũng giao phần lớn diện tích cho các con sử dụng.
Để thuận tiện cho việc sản xuất, ông Trai mua thêm một máy ủi trị giá trên 600 triệu đồng, 1 xe ben và thuê thêm nhân công để phụ giúp. Ông nói rằng, bình thường tạo công việc thường xuyên cho khoảng 4 người, vào thời vụ số nhân công có khi lên đến 20 người.
Nhằm chủ động nguồn cây giống, ông Trai đã xây dựng thành công vườn ươm cây tràm, đảm bảo cung cấp gần chục vạn cây cho gia đình và người dân trong vùng mỗi năm.
Ngoài ra, ông Trai còn thu mua, kinh doanh khai thác rừng tràm của người dân trong vùng để nâng cao thu nhập và giúp đỡ bà con về tiêu thụ gỗ rừng trồng. Nhờ đó, nguồn thu trung bình mỗi năm của gia đình ông từ 250- 300 triệu đồng.
Ông Trai đã sớm nhận thức được hiệu quả trong phát triển rừng để phát triển kinh tế.
Ông Trai luôn vận động người dân thay đổi tập quán canh tác; chuyển đổi các loại cây trồng để phát triển kinh tế. Người dân trong vùng được ông tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về vật chất lẫn kỹ thuật sản xuất. Đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ học tập ông Trai trồng cây lâm nghiệp.
Được đánh giá là tấm gương sáng trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái thành tài, vừa là điển hình trong phát triển kinh tế, ông Trai vinh dự nhận được giải thưởng “Bông sen hồng” của huyện Vĩnh Linh. Đây là giải thưởng khuyến học, khuyến tài của địa phương để vinh danh những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng, có cách làm hay, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.
Ông Trai nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, khuyến học khuyến tài
Bên cạnh đó, ông Hồ Ngọc Trai cũng nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, hàng chục giấy khen của các cấp chính quyền ghi nhận những nỗ lực của ông trong phát triển kinh tế và đóng góp trong công tác đoàn thể xã hội.
Đ. Đức