“Gia đình” đặc biệt của du học sinh Việt giữa trời Âu

(Dân trí) - Không giống như lời hát “ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng” nhưng giữa nước Đức - trái tim châu Âu, có những gia đình thật sự của các bạn du học sinh Việt xa nhà.

Nằm ở phía Đông của nước Đức, Leipzig là thành phố có số người Việt định cư lớn thứ hai ở đất nước này, chỉ xếp sau thủ đô Berlin. Tại Leipzig, người ta có thể bắt gặp người Việt và nhìn thấy các cửa hàng Việt ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, đây còn là một trong những trung tâm giáo dục của cả vùng, có lẽ cũng vì vậy, Leipzig là điểm đến của khá nhiều du học sinh Việt Nam.

 

Ở đây, sinh viên sống chủ yếu trong ký túc xá và thuê căn hộ ở chung với bạn bè, nhưng với chi phí thuê nhà tương đương hoặc thậm chí rẻ hơn, điều kiện sinh hoạt thoái mái hơn, rất nhiều “gia đình nhỏ” của những sinh viên xa xứ đã ra đời. Quen nhau từ hồi học tiếng ở Việt Nam, hoặc gặp mặt khi học cùng trường, hay đơn giản là “đồng hương”, cùng Hội SV với nhau… từ những mối quan hệ đó, những bạn trẻ Việt có thể cùng nhau thuê một căn hộ nhỏ, phục vụ cho học tập, sinh hoạt.

 

“Gia đình” đặc biệt của du học sinh Việt giữa trời Âu
Chia nhau làm việc nhà



Sang Đức từ năm 2010, nhưng qua một vài lần… chuyển nhà, Nguyễn Trung Kiên (sinh viên Đại học khoa học ứng dụng Leipzig) đã “giắt túi” khá nhiều kinh nghiệm: “ Thuê nhà ở đây bọn mình đều phải tự tìm trên mạng qua các công ty bất động sản, nhưng cũng có người may mắn thì sẽ được bạn bè giới thiệu cho căn hộ tốt. Thời gian đầu tự tìm nhà và thuê nhà khá là vất vả, và lúc đó, lời khuyên của các anh chị đi trước trở nên vô cùng hữu ích”.

 

Những ngày đầu khi về sống cùng nhau, Kiên và các bạn của mình phải lên kế hoạch sắm sửa rất nhiều thứ trong nhà. Ai “số đỏ” thì sẽ xin được đồ cũ,  thuê được một căn nhà mà người thuê trước để lại hết đồ đạc trong nhà với giá rẻ bèo hoặc thậm chí … cho không, còn Kiên thì vất vả hơn, đồ đạc phải tự lo lấy. Sau khi mua sắm các vật dụng cần thiết, các bạn lại cùng nhau phân chia việc nhà, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, và cuộc sống mới như một gia đình của những người Việt trẻ bắt đầu.

 

Kể về “gia đình nhỏ” của mình, Kiên hồ hởi: “Sống trong một căn nhà với toàn những bạn bè thân thiết như vậy thực sự rất vui. Thi thoảng, cả nhà lại cùng nhau đi chợ châu Á về làm 1 bữa cải thiện với những món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở, nem cuốn, bánh bột lọc... rồi cùng gọi các gia đình khác đến quây quần bên nhau.

 

“Gia đình” đặc biệt của du học sinh Việt giữa trời Âu
Kiên (ngoài cùng bên phải) và “gia đình” trong chuyến du lịch Venice



Đến kì nghỉ, nếu không về nước, cả bọn thường rủ nhau đi dã ngoại, đi tham quan thành phố nào đó xa một chút. Vì Đức nằm trong khối Schengen, việc đi lại giữa các nước thành viên ko cần visa nên đây là cơ hội để bọn mình đi du lịch các nước nổi tiếng với chi phí cực thấp nhé, thậm chí ít hơn cả đi du lịch trog nước ở Việt Nam nữa. Mỗi chuyến đi như vậy luôn để lại trong mỗi người những kỷ niệm mà chẳng thể nào quên”.

  

Sinh viên du học xa nhà, sống cùng nhau thì  mọi chi phí sinh hoạt đều giảm đáng kể so với việc ở một mình. Ngoài ra, những lúc gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống đều có bạn bè bên cạnh. Ở nhà nhiều bạn còn đang là “cậu ấm cô chiêu”, ko phải đụng tay đụng chân cái gì, nhưng sang đây, sống cuộc sống tự lập thì tất cả đều phải cố gắng thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều.

 

“Gia đình” đặc biệt của du học sinh Việt giữa trời Âu
“Đại gia đình” trong bữa ăn ngày cuối năm



Ai cũng hiểu sống trong môi trường tập thể phải có ý thức và nhường nhịn nhau như thế nào. Tất nhiên, tuổi trẻ, lại lần đầu xa gia đình, không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với cuộc sống “khác” như vậy, thậm chí còn có cả những tranh cãi, sở thích, lối sống khác nhau. Không ít trường hợp, các bạn trẻ có quá nhiều điểm riêng, dẫn đến một vài “gia đình” phải “ly hôn” (không ở cùng nhau nữa, theo cách nói vui của các bạn du học sinh). Còn lại, phần lớn, những khúc mắc giữa các cá nhân khi sống đều được các thành viên còn lại giải quyết ổn thoả.

 

Trong ngôi nhà của mình, bên cạnh việc học hành của mỗi người, các bạn sinh viên tại đây cũng không quên những tập quán quen thuộc của bất cứ gia đình Việt nào. Vào những ngày lễ tết, nhiều gia đình nhỏ sẽ cùng tụ họp lại thành một “đại gia đình” để cùng nhau lên kế hoạch chuẩn bị, đi chợ và nấu những món ăn truyền thống… Khoảnh khắc đón giao thừa, được quây quần bên những người bạn, ăn miếng bánh chưng mà “cả nhà” chung tay làm, ai cũng thấy ấm lòng, bố mẹ ở Việt Nam cũng yên tâm hơn khi biết con mình dẫu ở xa vẫn được “ăn Tết với gia đình”.

 

“Gia đình” đặc biệt của du học sinh Việt giữa trời Âu
Một buổi dã ngoại của "gia đình" du học sinh Việt tại Đức

 

Học cùng nhau, sống cùng nhau dưới một mái nhà, dù nhiều chuyện vui hay những điều còn phải trăn trở thì cuộc sống “gia đình nhỏ” đã trở nên đặc biệt đối với những du học sinh Việt tại đây. Nguyễn Trung Kiên, chàng sinh viên xứ Nghệ chẳng ngại ngần chia sẻ: “Với mình, những người bạn ở cùng trong suốt thời gian qua đã thực sự trở thành những người thân thật sự. Có những người vì điều kiện đã phải ở nhà khác nhưng bọn mình vẫn thường xuyên gặp gỡ , tụ tập ăn uống… giống như hồi còn ở chung vậy”.

 

Có lẽ, không chỉ với Kiên, mà còn với rất nhiều bạn du học sinh ở Đức,  bạn bè thân thiết chính là gia đình thứ hai, gia đình đặc biệt, là niềm vui của những người Việt trẻ đang  ngày đêm thực hiện ước mơ học tập giữa trời Âu…

 

Bài: Bảo Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp