TPHCM:

Gia đình cần mở rộng cho học sinh tiếp cận kỹ năng sống

(Dân trí) - Hiện tượng học sinh đánh nhau, bỏ nhà đi bụi, sa vào các tệ nạn xã hội… gia tăng khiến người lớn giật mình, nhận ra việc đào tạo kỹ năng thực hành xã hội cho các em vẫn còn thờ ơ và chưa đúng mức.

Cuộc tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh THPT” do Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 21/3 vừa qua là dịp để lắng nghe những chia sẻ của học sinh, phụ huynh và những người tâm huyết với việc giáo dục kỹ năng sống.

Kỹ năng mềm còn xa lạ với học sinh

Thực tế hiện nay, đa số các HS chỉ biết đi học, rồi về nhà, đi học thêm hoặc cuốn theo các trò chơi điện tử và các mối quan hệ ảo trên mạng. Chính môi trường này khiến các bạn trẻ sống xa rời thực tế và có phần ích kỷ.

Cũng có một số HS quan tâm đến kỹ năng mềm nhưng con số đó chưa nhiều. Em Hồ Ngọc Hoàng Uyên (lớp 11D1 Trường THPT Gia Định, Q. Bình Thạnh) đã tự làm một cuộc khảo sát, kết quả là đến 62/100 bạn HS THPT chưa từng nghe nói đến kỹ năng mềm.

Trong khi đó, ở trường của Uyên, những buổi dạy cách rèn luyện thực hành xã hội chỉ dành cho cán bộ lớp. Tương tự, các chương trình hướng dẫn kỹ năng ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chỉ có vào đầu hoặc cuối năm học..

Gia đình cần mở rộng cho học sinh tiếp cận kỹ năng sống - 1
Em Hồ Ngọc Hoàng Uyên (HS lớp 11) chia sẻ: “Em cũng xin đi học những lớp kỹ năng nhưng ba mẹ bảo phải lo học đã, thi xong đại học rồi làm gì thì làm”. (Ảnh: Thụy An)

Còn những bạn “tự thân vận động” muốn tìm đến các nơi rèn kỹ năng cũng gặp phải vấn đề nan giải. Bạn Võ Minh Phụng (HS Trường THPT Đăng Khoa) chia sẻ: “Ghi danh ở các trung tâm dạy kỹ năng mềm thì giá lại không “mềm” như tên môn học”.

Ông Lý Trường Chiến - thành viên Hội đồng tư vấn quốc tế (International Committee Management Consultantcy - ICMC), Trưởng đại diện phía Nam của báo điện tử Dân trí, nhận định: “Ở nhà trường, việc học vẫn nặng về lý thuyết, học nhiều nhưng chỉ để thi. Chuyện HS ẩu đả rồi đưa lên mạng cho thấy nhiều cha mẹ nói rằng thương yêu con cái nhưng đã thể hiện không đúng cách. Các bạn trẻ thiếu tự tin nhưng lại thừa tự ái, sẵn sàng lao vào “choảng” nhau”.

Đại diện ngành giáo dục, ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng HS-SV (Sở GD-ĐT TPHCM) cũng thừa nhận: “Những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã giật mình khi nhận thấy HS cả nước nói chung rất yếu về kỹ năng giao tiếp. Vì thế, các em bỡ ngỡ khi bước vào đời và dễ dàng bị suy sụp khi gặp phải khó khăn”.

Ông Huy nhấn mạnh: “Giáo dục kỹ năng cho THPT là hơi trễ, lẽ ra phải ngay từ lúc các em  bước chân vào ngưỡng cửa học đường. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như biết chào hỏi, biết xin lỗi, cảm ơn…”.

Cần lắm sự ủng hộ của gia đình

Một trong những nguyên do khiến đa phần HS bảo rằng khó tiếp cận được các hoạt động kỹ năng thực hành xã hội là do phụ huynh không cho phép. Đa số các bậc phụ huynh cho rằng con em mình chỉ cần học giỏi để có việc làm lương cao.

Tuy nhiên, những nghiên cứu chuyên môn lại khẳng định gia đình có vai trò quan trọng trong việc các bạn trẻ định hướng tương lai. Bà Nguyễn Kim Dung, Viện phó Viện nghiên cứu giáo dục, cho biết: có đến 66,8% HS cho biết “tôi học để làm vừa lòng gia đình”.

Điều đó có nghĩa là phụ huynh chỉ khuyến khích các em tìm kiến thức mà quên hướng cho con em mình làm tốt hoạt động đoàn thể, hoạt động xã hội, cách ứng xử trong gia đình.

Bà Kim Dung trăn trở: “Hiện nay, phần lớn HS chỉ tập trung vào việc tiếp thu kiến thức và chương trình học càng ngày càng nặng. Vì vậy, nhà trường coi trọng kiến thức dẫn đến tâm lý phụ huynh bị ảnh hưởng theo”.

Thành đoàn TPHCM đã tổng hợp ý kiến trong buổi tọa đàm để bổ sung cho quyển cẩm nang “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh THPT” sẽ được phát hành trong thời gian tới.

Những kỹ năng như giao tiếp, lắng nghe và phản hồi, tự học; kỹ năng nâng cao: làm chủ cảm xúc, tư duy sáng tạo, khám phá phát triển bản thân, chọn trường chọn ngành thi đại học... là nội dung chính trong cuốn cẩm nang đặc biệt này.

Thụy An