Gen Z làm fanpage chia sẻ kiến thức địa lý hút hàng chục ngàn lượt theo dõi
(Dân trí) - Hoàng Mạnh Phúc (sinh năm 2000) tự xây dựng một trong những trang chia sẻ kiến thức về địa lý thu hút 75.000 bạn trẻ theo dõi.
Hoàng Mạnh Phúc (sinh năm 2000) là admin (người quản trị) của trang The Geo Medic, một trong những page chia sẻ kiến thức về địa lý dành cho Gen Z với hơn 75.000 lượt theo dõi.
Nói về The Geo Medic, Mạnh Phúc giải thích nguồn gốc tên: "Trang được tạo nên từ hai từ tiếng Anh: geography (địa lý) và medic (bác sĩ).
Nhưng thực tế, cái tên mình được đúc kết từ slogan: "Your daily dose of geography (Tạm dịch: "Mỗi ngày một liều thuốc địa lý dành cho bạn").
Mình muốn lan tỏa mỗi ngày một "liều thuốc" về kiến thức về địa lý. Và đó cũng là nội dung chính mà mình luôn hướng đến".
Về nguồn cảm hứng thành lập "bách khoa toàn thư online" cho đối tượng là Gen Z, Mạnh Phúc quan niệm, nếu muốn nhớ thật lâu kiến thức mình học, cách tốt nhất là truyền đạt cho người khác.
Cũng từ đó, Phúc mong muốn The Geo Medic sẽ là nơi không những giúp Phúc ôn tập lại những phần kiến thức mà mình đã tiếp thu, chàng trai còn muốn lan tỏa những thông tin thú vị ấy đến cho cộng đồng.
Vì đối tượng hướng đến của Phúc chủ yếu là các bạn trẻ, thế nên những nội dung mà Phúc đăng tải trên fanpage phải thật hài hước, dí dỏm.
Anh cho biết: "Mình luôn cố gắng "biến tấu" kiến thức đó sao cho phù hợp với Gen Z. Đặc biệt là phải làm sao cho người đọc nhìn vào thông tin đó lập tức liên tưởng ngay đến họ, như vậy thì người xem mới có thể tiếp thu một cách không ràng buộc".
Để cho đối tượng mà Phúc luôn hướng đến có thể dễ dàng hiểu được kiến thức, anh luôn "bắt trend" (xu hướng), tìm kiếm các hình ảnh vui nhộn nhằm mô tả kiến thức một cách dễ hiểu, "biến tấu" nó thành kiến thức về địa lý.
Để có cho mình một kho tàng kiến thức đồ sộ về địa lý, Mạnh Phúc từng dành ra rất nhiều thời gian để tự nghiên cứu và tự học: "Mình thường đọc và đối chiếu với nguồn trên Wikipedia, nền tảng bách khoa toàn thư miễn phí online.
Ngoài ra, mình cũng cập nhật kiến thức qua sách hay các website về địa lý chính thống như IMF, World Bank, website của Hiệp hội địa lý các quốc gia.
Hay là ngoài học các kiến thức địa lý trên trường, mình tạo thói quen ghi chú những điều thú vị về địa lý mà mình tìm hiểu được. Nhờ thói quen này, mình tiếp thu dễ dàng và nhớ lâu hơn".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí lý do vì sao lại say mê lĩnh vực này, Phúc cho biết: "Mình hay tò mò về thế giới xung quanh. Một khi đã biết nhiều về nó, mình lại học được cách để thích nghi và tận dụng.
Nhớ lại hồi còn bé, mình biết được xây nhà theo hướng Đông Nam thì có thể đón được gió mát. Thế là mình mách mẹo cho bố mẹ biết!".
Sau khi thành lập trang thông tin chia sẻ về địa lý này, Mạnh Phúc ngoài việc có thể ôn tập, cung cấp kiến thức đến với cộng đồng, anh chàng còn học được cách làm nội dung sáng tạo, mài dũa kỹ năng viết bài, có thêm nhiều người bạn cùng chung đam mê và quan trọng nhất là thay đổi định kiến về việc địa lý là một môn học nhàm chán.
Bàn về trải nghiệm ngày nay việc học địa lý trên lớp của học sinh hiện nay, Phúc nói: "Về bản chất, mình thấy sách giáo khoa địa lý rất hay. Mình nghĩ có thể thầy cô vẫn chưa tìm ra được cách thức biến cái hay đó thành cái thú vị để học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi học.
Vì thế, mình mong rằng fanpage của mình sẽ mở ra cho mọi người cái nhìn mới về địa lý. Nội dung phù hợp, sáng tạo; kiến thức chuyên sâu, nhưng phải dễ hiểu là những tiêu chí mình luôn đề ra để thay đổi suy nghĩ về sự nhàm chán của môn học này".
Hoàng Mạnh Phúc cũng mong rằng, mọi người sẽ học địa lý với tâm thế cởi mở, lâu dài mà không có bất kỳ ràng buộc nào: "Kiến thức mà mình có được không bao giờ là thừa cả. Việc trang bị cho mình những thông tin cơ bản về địa lý sẽ có lợi cho chúng ta vào một ngày nào đó".
Trong tương lai, anh chàng mong rằng mình có thể tạo ra một sân chơi cho những bạn có niềm yêu thích đối với môn địa lý; để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, học hỏi và lan tỏa những trang, website kiến thức đến rộng rãi hơn.
Một số bài viết thú vị trên trang The Geo Medic của Hoàng Mạnh Phúc:
"Nếu ngoài Bắc có hiện tượng nồm siêu khó chịu thì trong Nam cũng có hiện tượng "hạn bà chằn" cũng mệt mỏi không kém - là những đợt nắng nóng kéo dài cỡ 1 tuần giữa mùa mưa xối xả từ tháng 6 đến tháng 8.
Nguyên nhân là do áp cao Thái Bình Dương bỗng nhiên tăng cường độ, khiến gió Đông Nam khô hoạt động mạnh và thổi gió Tây Nam mang mưa đi chỗ khác. Những đợt nắng nóng này thường rất khó chịu vì kết hợp với độ ẩm cao và ảnh hưởng xấu đến vụ mùa ở miền Tây".
"Hỏi: Hễ dự báo thời tiết nhắc tới El Niño hay La Niña là y như rằng thế nào thời tiết năm đó cũng xoắn hết cả lên. Giải thích dùm tớ tại sao nó lại đáng sợ như thế đi?
Đáp: Để dễ hiểu thì chúng ta hãy thu nhỏ Thái Bình Dương lại thành một cái bồn tắm nhé. Trong cái bồn tắm này thì lớp nước phía trên được hun nóng nhờ một cái đèn công suất lớn (mặt trời) trong khi nước ở đáy bồn thì lạnh.
Bình thường thì gió thổi từ phía đông Thái Bình Dương về phía tây, giống như chúng ta mở quạt nhẹ để thổi lớp nước ấm về phía bên kia của bồn tắm. Khi gió thổi lớp nước ấm bên trên từ Nam Mỹ tới Úc và Đông Nam Á, lớp nước lạnh phía dưới trồi lên.
Tuy nhiên thỉnh thoảng gió trở chứng. Nó bỗng thổi yếu hơn, hay thổi ngược lại từ tây sang đông, làm cho lớp nước ấm đáng lẽ ra phải được đi về phía Đông Nam Á quay trở về lại Nam Mỹ. Đây chính là El Niño. Khi El Niño xảy ra thì Nam Mỹ sẽ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng trong khi Úc và Đông Nam Á vào mùa khô sẽ nóng hơn, hạn hán, sóng nhiệt và cháy rừng xảy ra với tần suất nhiều hơn.
Ngược lại, La Niña là khi gió bỗng nhiên mạnh ơi là mạnh, đẩy thật nhiều lớp nước ấm về phía Úc và Đông Nam Á và nhờ đó lớp nước lạnh ở bờ biển Nam Mỹ cũng trồi lên nhiều hơn. Quá nhiều nước ấm tụ lại khiến nhiệt độ biển tăng lên → hơi nước bốc nhiều hơn → lượng mưa tăng lên → lũ lụt nghiêm trọng ở Đông Nam Á và Úc trong khi sự khô hạn hoành hành ở Mỹ Latinh (tuy nhiên ngành công nghiệp đánh bắt hải sản nơi đây được lợi vì những loài sinh vật phù du theo dòng nước lạnh mà nổi lên, thu hút nhiều loài hơn tới ăn)
Năm 2020 là một năm La Niña hoành hành ở Việt Nam ta, để lại trận lũ lịch sử vào tháng 11 cùng năm. Ngược lại, năm 2023 chính thức đánh dấu bước đầu của El Niño, và các dấu hiệu đã được nhen nhóm khi tháng 4 năm nay được đánh giá là nóng nhất trong lịch sử khí tượng Đông Nam Á".