Đắk Lắk:

Gặp thầy giáo đạt kỷ lục Việt Nam về Truyện thơ dài nhất viết về Bác Hồ

(Dân trí) - Tôn kính, ngưỡng mộ tài đức của Bác Hồ kính yêu, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân qua 9 năm nỗ lực đã viết nên một tác phẩm với trên 13.000 câu thơ để ca ngợi vị lãnh tụ tài ba của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm này vừa được trao Kỷ lục Việt Nam về Truyện thơ dài nhất về Bác Hồ viết bằng thể thơ Lục bát.

9 năm miệt mài sáng tác thơ về Bác Hồ

Thầy giáo Nguyễn Hồng Quân (35 tuổi) hiện đang là giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Trần Bình Trọng (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ngay từ khi còn học phổ thông, chàng trai Hồng Quân đã có lòng tôn kính và yêu mến Bác Hồ vô bờ bến. Tình yêu ấy lớn dần lên khi Hồng Quân vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Phú Thọ và thường xuyên được tiếp xúc với những tài liệu về con người, cuộc đời Bác nên đã ấp ủ về một tác phẩm.


Thầy giáo Nguyễn Hồng Quân nhận Xác lập Kỷ lục Việt Nam về Truyện thơ dài nhất viết về Bác Hồ.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Quân nhận Xác lập Kỷ lục Việt Nam về Truyện thơ dài nhất viết về Bác Hồ.

 

“Càng đọc nhiều sách, nhiều tài liệu về Bác Hồ, tôi lại càng thấy ngưỡng mộ và yêu mến Bác vô cùng, nên đã bắt tay vào sáng tác những đoạn thơ ngắn về Người. Ban đầu chỉ là những đoạn thơ ngắn viết dạng câu chuyện kể bằng thơ mang tính chất hiện đại, sau đó tôi mới thử làm đoạn dài hơn và cứ vậy viết mỗi ngày thêm vài câu thơ về Bác”, thầy Quân cho hay.

Khi mới bắt đầu sáng tác thơ về Bác Hồ, thầy giáo Quân xác định sẽ viết tác phẩm về cuộc đời của Bác nên đã tranh thủ tìm đọc mọi tài liệu liên quan, cả tài liệu nước ngoài viết về Bác. Do là sinh viên khoa Mỹ thuật nên khi mới bắt đầu, công việc viết thơ của thầy gặp không ít khó khăn. “Trước tiên, tôi chỉ viết những đoạn thơ theo thể thơ hiện đại chỉ cần các câu vần với nhau là được, sau đó tôi cũng trăn trở suy nghĩ về thể thơ Lục bát, đây là thể thơ truyền thống của Việt Nam mình tại sao mình lại không viết về Bác theo thể thơ này. Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ về niêm luật của thơ Lục bát và viết dần nên truyện thơ”, thầy Quân tâm sự.

Từ năm 2005, thầy Quân chuyển công tác vào Tây Nguyên, dạy tại trường THCS Trần Bình Trọng, thời gian này thầy chính thức bắt đầu công việc sáng tác của mình. Thầy luôn tận dụng các thời gian rảnh, những lúc trống tiết, những buổi soạn xong giáo án, những buổi tối sau khi chấm bài, thầy đều sáng tác và vừa suy ngẫm về cuộc đời Bác.

Chia sẻ cảm xúc khi viết về Bác Hồ, thầy giáo Quân xúc động: “Bác Hồ là một bản anh hùng ca vĩ đại nên càng viết tôi càng thấy mình quá bé nhỏ, càng thấm thía được con người tài ba, giỏi giang đến vậy. Tôi sáng tác thơ từ niềm đam mê và cũng không nghĩ được rằng có ngày những tập thơ của tôi được in thành sách như bây giờ”.

Tác phẩm “Truyện về Người” dài 13. 519 câu thơ được viết trong thời gian 9 năm
Tác phẩm “Truyện về Người” dài 13. 519 câu thơ được viết trong thời gian 9 năm

 

Tác phẩm được thầy Quân đặt với cái tên đầy trìu mến “Truyện về Người”, tác phẩm được chia làm 5 chương, sắp xếp logic theo cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc sinh ra ở Nghệ An, đi học ở Huế, bôn ba tìm đường cứu nước, về nước xây dựng tổ chức thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam, đánh thắng thực dân xâm lược… tác phẩm là câu chuyện thực mang tính lịch sử, dã sử, sử thi ca ngợi Bác.

Vào ngày 29/8 vừa qua, thầy giáo Nguyễn Hồng Quân vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục, tác phẩm “Truyện về Người” - Truyện thơ dài nhất về Bác Hồ được viết bằng thể thơ Lục bát (vượt kỷ lục Việt Nam).

Chép tay hàng nghìn câu thơ vì không có máy tính

Ít ai biết rằng, để viết nên tác phẩm này, thầy giáo Quân đã miệt mài chép tay từng câu thơ một do thầy không đủ điều kiện để mua máy tính. Với đồng lương ít ỏi của giáo viên Mỹ thuật, thầy Quân còn phải chắt chiu từng đồng để nuôi mẹ già cùng hai con nhỏ nên việc mua máy tính là điều không tưởng.

“Lúc trước, tôi cũng muốn mua máy tính để tiện việc viết thơ lắm, nhưng cứ nghĩ cái máy bằng cả mấy tháng lương nên lại thôi. Tôi viết rồi chép lại thành từng tập rồi đánh dấu thứ tự, đến trường dạy học, buổi nào trống tiết lại nhờ máy tính của cô văn thư gõ lại thành từng file, đến năm 2009 gia đình tôi mới mua lại được 1 chiếc máy tính cũng nhờ vậy mà thỏa niềm đam mê của mình”, thầy Quân chia sẻ.

Thầy giáo trẻ mong muốn tác phẩm của mình sẽ sớm được in ấn phát hành toàn quốc
Thầy giáo trẻ mong muốn tác phẩm của mình sẽ sớm được in ấn phát hành toàn quốc

 

Nhiều bạn bè, người thân thấy việc thầy Quân đam mê thơ văn cũng khuyên thầy nên tập trung cho công việc và dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Tiếp thu những ý kiến, thầy Quân cố gắng sắp xếp công việc ở trường và việc ở nhà ổn thỏa, thầy vẫn tiếp tục với sự nghiệp văn chương của mình, bởi với thầy, việc từ bỏ niềm đam mê viết thơ về Bác Hồ là điều không tưởng.

Thầy Phan Vĩnh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Bình Trọng, cho biết thầy giáo Quân là một người đặc biệt có niềm đam mê với thơ ca, tại trường thầy Quân cũng thường sáng tác các bài thơ, văn để đọc trong các buổi sinh hoạt toàn trường. “Tác phẩm của thầy Quân được xác nhận Kỷ lục Việt Nam đó là thành quả xứng đáng cho sự quyết tâm, nỗ lực của thầy suốt một thời gian dài, tập thể cán bộ, giáo viên trong toàn trường đều rất mừng cho thầy. Những vần thơ của thầy rất nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng không hề quá bóng bẩy, uyên thâm nên đọc có cảm giác gần gũi vô cùng, tôi mong thầy sẽ luôn giữ được ngọn lửa đam mê ấy”, thầy Hiệp cho hay.

Được biết, tác phẩm “Truyện về Người” của thầy giáo Nguyễn Hồng Quân đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam cấp phép xuất bản nhưng hiện thầy vẫn chưa có kinh phí để in ấn, nên vừa qua thầy chỉ mới dám in ra 14 cuốn sách để làm kỷ niệm.

“Nguyện vọng lớn nhất của tôi là tác phẩm sẽ được xuất bản 2.000 cuốn, nhưng điều kiện kinh tế hiện tại của tôi không cho phép nên tôi vẫn đang tích góp dần từng chút một để có đủ kinh phí xuất bản và rất mong sớm giới thiệu truyện thơ về Bác Hồ đến với bạn đọc trên cả nước”, thầy Quân ấp ủ.

Gấp lại tập thơ về Bác Hồ, những câu thơ kết lại tác phẩm được thầy giáo Quân ngâm từng câu một với giọng điệu trầm ấm, mỗi câu thơ như chứa đựng những tâm sự, tình cảm da diết của thầy giáo trẻ đối với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“…Bác Hồ giờ đã đi xa,

Trở thành bất tử nước ta tự hào.

Vầng dương còn sáng trời cao,

Chúng ta còn nhớ công lao Bác Hồ.

Vì nền độc lập - tự do,

Hòa bình nhân loại - ấm no loài người.

Bác Hồ giờ mãi xa rồi,

Việt Nam - thế giới nhớ Người biết bao!

Vầng dương rực sáng trời cao.

Bác ơi! Mãi mãi tự hào Việt Nam!”

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm