Gặp nữ Thủ khoa đầu ra đạt điểm tuyệt đối của ĐH Ngoại thương
(Dân trí) - Nguyễn Thị Minh Hòa là Thủ khoa đầu ra của ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2020. Cô tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối 4.0/4.0 và có khả năng giao tiếp bằng 4 ngoại ngữ.
Thành tích của Thủ khoa ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Minh Hòa:
Giải thưởng:
- Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên dành cho học sinh xuất sắc kỳ thi THPT Quốc gia (2016)
- Học bổng khuyến khích học tập các kỳ học - Trường Đại học Ngoại thương
- Sinh viên 5 Tốt - Trường Đại học Ngoại thương
- Được nhiều học bổng của các đơn vị kinh doanh tài trợ.
- Học bổng AIMS dành cho sinh viên Đông Nam Á học tập trao đổi tại Hàn Quốc (học kỳ 2, năm học 2018-2019)
- Giải Nhất toàn miền Bắc - Cuộc thi "Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2019".
Hoạt động ngoại khóa:
- Phó bí thư lớp, Trưởng ban chấp hành chi hội lớp
- Trưởng Ban đối ngoại - Hội sinh viên Hải Phòng Đại học Ngoại thương
- 3 năm liền là tình nguyện viên chương trình thiện nguyện "Xuân về no ấm”, gây quỹ và tặng quà cho trẻ em nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc
- Tình nguyện viên "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2018"; "Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019" - "YSI ASIA Convening 2019".
Chào Minh Hòa, em có thể chia sẻ sơ lược về quá trình học tập của mình?
Trước đây em học tập 12 năm tại thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng, sau đó thi đỗ vào chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương.
Suốt những năm đi học, em chú trọng nắm bắt kiến thức trọng tâm của các môn học, hiểu sâu vấn đề, không học vẹt hay học dàn trải nên tiết kiệm được thời gian dành cho việc học.
Vì sao em lại chọn theo ngành kinh tế đối ngoại ở ĐH Ngoại thương?
Em ấn tượng với môi trường năng động và phong cách của sinh viên Ngoại thương, vừa có thể học tập tốt vừa tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, phát triển toàn diện kỹ năng của bản thân.
Ngoài ra, em được biết chương trình giáo dục ở Ngoại thương chú trọng thực hành nên sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Chính những điều này thôi thúc em ứng tuyển FTU.
4 năm đại học của em có gì khó khăn không?
Quãng thời gian đầu vào đại học, tập quen cuộc sống xa nhà là giai đoạn em cảm thấy khó khăn nhất khi vừa phải thích nghi với cách học khác biệt ở Đại học, vừa phải tự chăm lo cuộc sống.
Tuy nhiên em may mắn kết giao được nhiều bạn bè mới ở Đại học và được giúp đỡ bởi các anh chị trong Hội sinh viên, nên giai đoạn khó khăn này mau chóng qua đi.
Ở môi trường học tập cạnh tranh cao như ĐH Ngoại thương thì em có bị áp lực?
Áp lực không tránh khỏi khi xung quanh có nhiều anh chị, bạn bè xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: học tập, việc làm, startup, chinh phục học bổng...
Tuy nhiên, mỗi người có một mục tiêu riêng và việc so sánh chỉ khiến bản thân rơi vào những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, em cố gắng nhìn nhận những giá trị và thế mạnh riêng của mình để phát huy bên cạnh việc học hỏi từ các đồng môn.
Làm cách nào em đã trở thành người chiến thắng và còn là chiến thắng tuyệt đối?
Em không phải “người chiến thắng”, cùng khoá tốt nghiệp có một số bạn cũng đạt kết quả cao như em nhưng chỉ thiếu một chút may mắn. Ngoài ra, kết quả học tập không thể được sử dụng làm tiêu chí đánh giá sự thành công của cả 4 năm đại học.
Nếu cần chia sẻ cách đạt điểm tuyệt đối, thì đó là em không bỏ cuộc với bất cứ môn học nào. Những môn em thích, em sẽ tìm hiểu sâu hơn, còn với những môn em không thích lắm, em vẫn cố gắng hoàn thiện ở mức độ chấp nhận được.
Học giỏi, thành tích nổi bật, em có gặp khó khăn để hoà đồng với môi trường xung quanh không?
May mắn là bên cạnh việc học tập, em cũng chú trọng tham gia nhiều hoạt động đội nhóm, bồi dưỡng các mối quan hệ bạn bè nên không gặp nhiều khó khăn trong việc hoà đồng với mọi người.
Quan trọng hơn, em không bao giờ nghĩ mình nổi bật hơn trong một tập thể, nếu suy nghĩ đó không xuất phát từ chính mình thì những người xung quanh cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Em thường giải toả stress bằng cách nào nếu việc học hành quá căng thẳng?
Những giai đoạn ôn thi, em thường rất tập trung, có thể gác lại hoặc hạn chế những việc khác như làm thêm, tụ hội bạn bè. Tuy nhiên, em thường cân bằng cuộc sống bằng cách chia sẻ rất nhiều với gia đình, việc nói ra những căng thẳng của mình, hay đơn giản là những việc không như ý muốn khiến mình buồn lòng là cách rất tốt để vượt qua những điều đó và gia đình là nơi em lựa chọn để chia sẻ. Ngoài ra, em có một số sở thích như hát ca, học tập ngoại ngữ.
Vừa là sinh viên học giỏi, vừa là cán bộ đoàn hoạt động năng nổ, em đã sắp xếp thời gian ra sao?
Thời gian học tập ở Đại học không quá nhiều, thường học nửa ngày, quỹ thời gian trống em dành cho những hoạt động ngoại khoá. Em thường tận dụng tối đa thời gian trên lớp để về nhà không quá vất vả với việc ôn tập lại kiến thức.
Trên lớp, em tập trung nắm bắt những phần thầy cô nhấn mạnh và lập tức giải đáp những thắc mắc phát sinh, những điều này giúp tiết kiệm thời gian ôn tập ở nhà rất nhiều. Không chỉ vậy, để cân bằng được thời gian cho cả 4 năm học, em xác định rõ nhiệm vụ của từng năm:
- Năm nhất và năm hai: Khi chủ yếu học các môn cơ sở, kiến thức nền, em dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động Hội sinh viên, tình nguyện.
- Năm ba và năm tư: em tập trung hơn cho các môn học chuyên ngành.
Dường như Minh Hòa có năng khiếu với các ngoại ngữ. Bí quyết học ngoại ngữ của em là gì?
Có khiếu thì em không dám chắc, nhưng em rất yêu thích việc tìm hiểu những ngôn ngữ và văn hoá mới. Em có thể giao tiếp tiếng Anh và tiếng Trung, ngoài ra đã từng học tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc trong thời gian học tập trao đổi sinh viên.
Em nghĩ để học tốt ngoại ngữ, trước tiên phải yêu thích thứ ngoại ngữ đó (thông qua phim ảnh, âm nhạc, văn hoá, du lịch,...) và cần có môi trường để luyện tập thường xuyên (tham gia các CLB hoặc tận dụng các cơ hội giao lưu quốc tế như các Hội nghị, Trại hè...).
Nguồn cảm hứng của em đến từ đâu? Em có thần tượng ai không?
Nguồn cảm hứng của em đến từ tất cả những người xung quanh. Bất kể thành công hay thất bại, thành tựu hay vấp ngã nhỏ hay lớn của những người xung quanh, em đều cố gắng rút ra được những bài học cho mình.
Em thần tượng mẹ của mình, em nghĩ mình may mắn thừa hưởng trí thông minh của mẹ và ảnh hưởng lớn bởi mẹ cách nhìn nhận lạc quan các vấn đề cuộc sống và cách đối xử với những người xung quanh.
Gia đình có đặt kì vọng cao vào em?
Gia đình chưa bao giờ đặt ra bất cứ áp lực nào cho em, thậm chí những lúc em căng thẳng, bố mẹ thường khuyên “nghỉ bớt đi”, “đi chơi với bạn bè nhiều hơn đi”. Tuy nhiên thực sự gia đình là nguồn động lực thôi thúc em cố gắng mỗi ngày.
Châm ngôn cuộc sống của em là gì?
Châm ngôn: “When you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it”, Paulo Coelho. Miễn là bạn mong ước đủ lớn và đủ quyết tâm thực hiện, cả vũ trụ này sẽ giúp bạn đạt được ước mơ đó.
Người ta nói rằng học trong trường là một chuyện, bước ra đời lại là chuyện khác? Em có lo lắng trước các trở ngại thực tiễn? Em đã chuẩn bị những gì cho mình?
Ngoại thương là ngôi trường chú trọng cả lý thuyết và thực hành nên ít nhiều sinh viên như em không quá bỡ ngỡ sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đi học, em chú trọng rèn luyện một số kỹ năng cần thiết như tin học văn phòng, kỹ năng tư duy và xử lý các tình huống thực tiễn...
Không chỉ vậy, em nắm chắc kiến thức nền về chuyên ngành nên việc học quy trình làm việc ở từng doanh nghiệp cụ thể bớt khó khăn hơn.
Với thành tích của mình, hẳn em đã định hướng cho tương lai?
Em hiện đang làm quản lý chuỗi cung ứng tại một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực xuất nhập khẩu linh kiện điện tử. Công việc cho em nhiều trải nghiệm thực tế, ứng dụng được những kiến thức đại học và kiến thức em có được trong các cuộc thi sinh viên về chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Trong 2-3 năm tới, em mong muốn giành được học bổng để tiếp tục học tập về chuyên ngành này.
Cảm ơn em đã chia sẻ và chúc em sức khỏe, thành công!