Gặp nữ sinh cao 1m học giỏi Văn ở đất Quảng

(Dân trí) - Năm nay 18 tuổi, nhưng Thanh Thảo chỉ cao chừng 1m, nặng 16 kg, trông như học sinh tiểu học. Sức khỏe của Thảo cũng không tốt lắm, cứ trái gió trở trời là đau. Vậy mà cô bạn “bé hạt tiêu” lại có thành tích học tập khá giỏi, đặc biệt là môn Văn.

Võ Thị Thanh Thảo, cô học trò giỏi Văn lớp 12/11 Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là một trong những học sinh đại diện của trường tham dự Kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh vừa mới diễn ra hôm 2/10.
 
"Suy cho cùng, thì kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực. Nên em nghĩ là hãy nỗ lực hết mình, chăm chỉ học tập, vượt qua khó khăn và vươn lên bằng nghị lực của chính mình thì sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp”.
 
Với suy nghĩ đó, Thảo đã vượt qua bao khó khăn, để “hái” được nhiều “quả ngọt” trong học tập.

Gặp nữ sinh “bé hạt tiêu” học giỏi Văn đất Quảng
Võ Thị Thanh Thảo - cô học trò lớp 12 có vóc dáng cực kỳ nhỏ nhắn nhưng lại có tinh thần vượt khó rất cao để vươn lên trong học tập.
 
"Bé hạt tiêu" Thanh Thảo chia sẻ ước mơ  và nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập:

Thảo có vóc dáng quá nhỏ bé so với bạn học cùng trang lứa.
Năm nay 18 tuổi, nhưng Thanh Thảo chỉ cao chừng 1m, nặng 16 kg, trông như học sinh tiểu học. Trong ảnh: Thảo đang cùng bạn học ở chỗ trọ đang cùng học.

Nhà Thảo ở xã Đại Đồng, một xa vùng sâu thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Từ nhà Thảo đến trường học rất xa, hơn 20km. Để tiện việc học hành, Thảo phải trọ học gần trường. Gia đình em rất khó khăn. Ba Thảo thì đi núi lấy củi, má Thảo đi bán bánh dạo. Nuôi Thảo ăn học xa nhà, ba má Thảo lại còn nuôi chị gái Thảo đang là sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Lại thêm bao lâu nay, có chút dành dụm nào, ba má đều lo thuốc thang chạy chữa bệnh tình của Thảo.

Hồi mới lọt lòng mẹ, Thảo chỉ cân nặng có 8 lạng. Lớn lên, đến nay đã 18 tuổi, Thảo vẫn bé tí teo. Ở nhà Thảo trước nay chưa từng có ai đặc biệt thấp bé nhẹ cân như em. Sức khỏe của “bé hạt tiêu” cũng không tốt lắm, cứ trái gió trở trời là đau, nên ba má Thảo tốn không biết bao là tiền thuốc men cho con.

Kể về ba mẹ, mắt Thảo rưng rưng: “Ba đi núi lấy củi về bán cứ trợt té hoài. Mẹ em thì trời nắng trời mưa chi cũng ráng đi bán. Đã rứa, ba mẹ còn lo thuốc thang chạy chữa bệnh tình cho em. Thương ba mẹ, em chỉ biết gắng học, ngày sau nên người, có công ăn việc làm đàng hoàng lo cho ba mẹ, đền đáp phần nào công ơn của ba mẹ”.

Thế nên, nhiều khi mệt yếu trong người không học nổi, hay cũng có lúc bài tập nhiều và khó, có chút nản lòng, Thảo lại dặn mình “phải học”. Và ngoài những lúc đó ra thì Thảo thích học. Nhất là khi cô bạn “hái được quả ngọt” trong học tập.

Thảo có vóc dáng quá nhỏ bé so với bạn học cùng trang lứa.
Cũng có lúc nản lòng vì sức khỏe yếu mà bài vở nhiều và khó, Thảo lại tự động viên mình phải học vì tin răng có nỗ lực sẽ có kết quả.

Có lần bài tập làm văn của Thảo đạt điểm 9 (ở trường Thảo học, để có được điểm 9 môn Văn là rất rất hiếm), em đã trân trọng ghi nhớ dưới bài làm của mình: “Đã hai năm rồi ta mới gặp lại “mày” (điểm 9 môn Văn). Công nhận, gặp “mày” khó thiệt! Ta rất vui và hạnh phúc! Ta biết, với những “siêu sao” thì chuyện này là bình thường, nhưng với ta, “mày” là kỳ tích. Bởi kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực, ta hy vọng sẽ gặp lại “mày” một lần nữa.

Bài văn đạt điểm 9 quý giá được Thảo giữ gìn cẩn thận.
Bài văn đạt điểm 9 được Thảo giữ gìn cẩn thận.

Thảo chia sẻ, khi nản lòng em cũng nghĩ vậy, nghĩ rằng: “Suy cho cùng, thì kỳ tích là tên gọi khác của sự nổ lực. Nên em nghĩ là hãy nổ lực hết mình, chăm chỉ học tập, vượt qua khó khăn và vươn lên bằng nghị lực của chính mình thì sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. Em luôn giữ niềm tin đó”.

Nói về ước mơ của mình, Thảo kể: “Hồi còn nhỏ, em rất thích trở thành nhà báo khi nhìn thấy các cô chú phóng viên đi tác nghiệp. Nhưng lớn lên, em nghĩ công việc đó không phù hợp với điều kiện của mình. Nên với chút khả năng có thể hiểu được tâm lý người khác, em lại nuôi ước mơ trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý.

Hiện nay Thanh Thảo đang nỗ lực để thực hiện ước mơ thi đỗ vào ngành Tâm lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ở TPHCM. Dẫu biết là khó khăn, nhưng em sẽ cố gắng hết mình, để trước hết là thi đỗ đại học, rồi sau này có công ăn việc làm ổn định, cho chính tương lai của mình, và đền đáp công ơn ba mẹ và mọi người xung quanh đã luôn quan tâm, lo lắng cho em”.

“Xã hội như guồng máy trộn hỗn tạp những cá tính, phong cách sống khác nhau. Và làm sao để “lọc sạch” những kẻ xấu, người tốt mà vô cảm ra khỏi guồng máy đó là câu hỏi khó. Chỉ biết rằng, hãy gieo yêu thương và nhân giống tình cảm để cuộc sống thăng hoa theo cách của riêng mình” - trích đoạn một bài tập làm văn đạt điểm 9 trong năm học lớp 11 của em Võ Thị Thanh Thảo, được giáo viên chấm bài phê: “Đáng khen! Hiểu đề, văn trôi chảy, giàu cảm xúc… và rất hiểu đời, hiểu người”. 

Khánh Hiền