Khi chúng tôi hỏi nhà Tuân, nhiều người đã nở nụ cười và nói “Tuân thủ khoa hả cháu” và đon đả chỉ đường đến tận nhà.
Nghe tin có nhà báo đến thăm cậu học trò thủ khoa, nhiều người hàng xóm cũng kéo sang chia vui với gia đình. May mắn là hôm nay cả nhà Tuân đều có nhà, mọi người ai nấy đều phấn khởi khi tin Tuân đỗ thủ khoa vẫn còn rất “nóng”: Cậu học trò Trường THPT Ứng Hoà B (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đỗ thủ khoa ĐH Quốc gia Hà Nội với 28,25 điểm (Toán 9,25, Hóa 10, Lí 9) khi dự thi khối A ngành Công nghệ thông tin thuộc Trường ĐH Công nghệ (ĐH QGHN).
Nguyễn Văn Tuân - thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014. Trước đó, trong 12 năm học phổ thông, Tuân đều đạt học sinh giỏi.
Khối A chỉ là khối thi phụ
Ấn tượng đầu tiên với chàng thủ khoa này, đó là dáng người mảnh khảnh với cặp kính cận khá dầy. Trò chuyện với chúng tôi, Tuân luôn nở nụ cười hiền hậu và khá duyên, chàng thủ khoa tâm sự em cũng rất bất ngờ khi biết tin đỗ thủ khoa, vì môn Toán Tuân làm không “ngon” lắm.
“Hôm qua có một chị nhà báo gọi điện nói là em đỗ thủ khoa ĐH Quốc gia, em thực sự rất bất ngờ và không dám tin lắm. Khối A em làm môn Toán không hoàn chỉnh lắm, có một câu bất đẳng thức em làm không hết, nên em hơi lo, chiều em quyết làm hết sức mình với môn Lí và thấy đề ra khá hay, em làm cũng được. Còn sáng hôm sau môn Hóa em lại tự tin vì đó là môn sở trường của em…” - Tuân cho biết.
Trong kì thi ĐH vừa qua, Tuân dự thi 2 khối A và B, khối A Tuân đăng kí dự thi ngành Công nghệ thông tin Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, khối B Tuân dự thi vào ĐH Y Hà Nội. Sở trường của Tuân là môn Hoá, nên khối B mới là khối chính của chàng thủ khoa này.
Tuân chia sẻ, môn Lý hơi yếu nên vào lớp 12 em bắt đầu “cầy” môn này để chuẩn bị cho “cuộc chiến” khối A trước, đến thời điểm đăng ký thi khối B, Tuân mới giảm học môn Lý để tập trung ôn môn Hoá.
Mặc dù khối A không phải là khối thi chính của Tuân, nhưng bắt đầu vào thi Tuân thấy tâm lý rất thoải mái: “Trước khi thi khối A, em thấy tâm lý rất bình thường, vào phòng thi em thấy cũng rất thoải mái, nhưng như thế em nghĩ là sẽ không được điểm cao vì em thi thường phải hơi lo lo thì hay được điểm cao, kết quả như vậy em cũng rất bất ngờ” - Tuân dí dỏm kể.
Video: Thủ khoa Nguyễn Văn Tuân chia sẻ kinh nghiệm học tập. (Thực hiện: Nguyễn Dương)
Nguyễn Thị Ánh (20 tuổi, sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng Hà Nội) - chị gái ruột của Tuân chia sẻ: “Hôm đó em đưa Tuân đi thi, thi xong môn Toán, em ra bảo làm không hết, câu bất đẳng thức làm không hoàn chỉnh. Nên hai chị em cũng thấy lo lo, em động viên Tuân là cố gắng làm tốt những môn còn lại là sẽ không sao và thấy Tuân cũng tự tin hơn”.
Phải ghi sổ tay để làm “bảo bối”
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Tuân cho biết, ngoài giờ học trên lớp buổi tối em thường dành 2 đến 3 tiếng học ở nhà và thường bắt đầu lúc 8h tối. Những khi căng thẳng, Tuân thường nghe nhạc và đọc truyện, những ngày được nghỉ em thường hệ thống lại những kiến thức đã học trong 1 tuần vừa qua và chuẩn bị cho một tuần mới.
Tuân chia sẻ: “Khi ở trên lớp thì hãy tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài, đặc biệt là những kinh nghiệm của thầy cô truyền lại. Đối với những môn có lý thuyết nhiều như Hoá, Lý, Sinh thì trước khi thi cần ôn đi ôn lại cho nhớ. Còn kỹ năng tính toán thì luyện nhiều sẽ thành quen, luôn tìm mọi phương pháp để giải, sau mỗi lần giải được hãy ghi những bài học tự mình rút ra được vào sổ tay để cho nhớ và sẽ áp dụng nó cho những trường hợp tương tự lần sau. Nếu không ghi rất dễ quên ngay, cuốn sổ tay em coi đó là một “bảo bối” của em. Nên học nhóm vì mình sẽ không toàn diện được, mọi người sẽ hỗ trợ cho nhau.
Ngoài ra nên mua cái máy tính nào mà được phép mang vào phòng thi nhưng phải tốt tốt một chút, để khi mình dùng tính toán nó mới nhanh được. Khi vào phòng thi thì hãy bình tĩnh, thời gian chờ đợi hãy nghĩ nó bình thường như những kì thi mà mình đã từng thi, hệ thống lại trong đầu những kiến thức mình đã được học”.
Tuân cho biết thêm, lên lớp 10 em mới bắt đầu học thêm các môn Toán, Lí, Hóa. Sang lớp 11 thấy kiến thức “hòm hòm” rồi Tuân bắt đầu nghỉ ôn để “đầu tư” thêm cho môn Hoá, chủ yếu tự học là chính. Theo Tuân hiểu, đề đại học ra thường “nhặt” những kiến thức rải rác của 3 năm học 10, 11 và 12, nên phải nắm chắc kiến thức trong thời gian học cấp ba.
12 năm học Tuân đều đạt học sinh giỏi.
Được biết, Tuân là con út trong một gia đình có 2 chị em, thu nhập của gia đình em cũng không khá giả gì. Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bốn - bố Tuân tâm sự: “Hai vợ chồng tôi không có nghề gì, chỉ biết làm nông nghiệp, nhà có 6 sào ruộng, nhận thêm về cấy tổng cộng là 1,9 mẫu. Vất vả lắm chú ơi, một vụ nếu được mùa trừ chi phí đi chỉ được 10 triệu. Thời gian nông nhàn nhà tôi thì đi phun thuốc sâu thuê, biết là độc hại nhưng vẫn phải làm. Tôi thì đi bốc vác, phụ hồ ngày cũng chỉ kiếm thêm được trên 100 ngàn. Thế nên, tôi luôn động viên các con phải học cho giỏi để sau này không vất vả như bố mẹ. Nhiều lúc trời nắng chang chang, tôi bảo chúng nó hãy thử ra đứng ngoài đồng xem có chịu được không chứ không cần phải làm, nói như vậy để chúng nó thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ mà vươn lên trong học tập”.
Hiện tại ông Bốn đang bị dãn dây chằng thắt lưng do đi bốc vác nhiều, bà Thắm - mẹ Tuân nhìn nước da cứ sạm đi vì suốt ngày “vùng vẫy” ngoài mưa nắng với gần 2 mẫu ruộng. Thấy bố mẹ vất vả, nên những lúc được nghỉ, hai chị em Tuân đều phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng.
Con trai đỗ thủ khoa, vợ chồng ông Bốn vừa mừng vừa lo vì kinh tế gia đình cũng không khá giả cho lắm.
Ông Bốn cho biết, đối với việc học của Tuân, vợ chồng ông không bao giờ phải giục, bởi em rất tự giác “Với Tuân đến thời điểm này thì tôi không có gì để phàn nàn, cháu nó học rất tự giác, vợ chồng tôi không phải giục giã gì hết. Nhận được tin cháu đỗ thủ khoa rất mừng, nhưng thú thực cũng lo, 1 đứa học đại học rồi, giờ 2 đứa thì rất tốn kém. Thôi lại phải cố nai lưng ra làm thôi..”.
Nguyễn Dương