Gần 23 triệu học sinh, sinh viên tham dự Lễ khai giảng năm học mới
(Dân trí) - Hôm nay 5/9, gần 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2016 – 2017. Đây có lẽ là năm học đầu tiên các trường học trên cả nước cùng tổ chức Lễ khai giảng trong cùng thời gian, cùng ngày và cùng nghi thức.
Để thống nhất tổ chức Lễ khai giảng năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị Sở Giáo dục các tỉnh thành chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào 7h30 ngày 5/9.
Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn nhưng trang nghiêm với đầy đủ nghi thức: chào cờ, tự hát Quốc ca, không dùng băng lời bài hát, đọc thư của Chủ tịch nước. Phần hội sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng với học sinh, nhất là những em lần đầu đến trường.
Sau ngày khai giảng, ngành giáo dục yêu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học ngay, đảm bảo chương trình và kế hoạch năm học đề ra.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có gần 23 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục Mầm non là 4,87 triệu học sinh; Giáo dục phổ thông là 15,7 triệu học sinh; Giáo dục TCCN là 315 nghìn sinh viên; giáo dục đại học, cao đẳng là 2,15 triệu sinh viên. Cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên, giảng viên.
Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ thị toàn ngành Giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp của năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, những nhiệm vụ, giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm học tới mà thực hiện lâu dài. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm. Quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào khoảng 1,3 triệu thầy cô.
“Phần lớn các thầy cô tâm huyết với Ngành, nhưng hiện nay, chỉ tâm huyết chưa đủ mà phải có năng lực, kiến thức đủ tốt, đáp ứng được các chuẩn, quy chuẩn để dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Mạnh Thắng)
Bộ trưởng Nhạ cho hay, năm học này, bộ sẽ rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, theo đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.
Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo sư phạm với các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên ngay tại nhà trường cho đội ngũ giáo viên thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, trao đổi, tự học.
Còn trong 5 giải pháp, theo Bộ trưởng Nhạ, giải pháp đột phá quan trọng là cơ chế, chính sách. Ngay trong năm học này, bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành đang bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thường xuyên đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, sẽ rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc. Tăng cường giao quyền chủ động cho các địa phương trong quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục và giáo viên trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh, sinh viên.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các cấp và các cơ sở đào tạo trực thuộc.
Năm học mới 2016 - 2017, ngành giáo dục sẽ có nhiều thay đổi mang tính đột phá
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục là quá trình, là liên tục. Có điều để đổi mới thế nào cho hiệu quả cần có lộ trình, bước đi vững chắc. Khi đổi mới phải tính đến tính khả thi, lâu dài, tránh đổi mới xong phải làm lại. Nếu đổi mới theo lộ trình, bước đi phù hợp, có chuẩn bị tốt thì càng ngày sẽ càng tạo ra nền tảng tốt.
Với GD - ĐT, không phải nay đổi mới mai sẽ có ngay kết quả. Có những đổi mới chỉ trong 1 - 2 năm thấy hiệu quả ngay. Nhưng cũng có đổi mới phải chục năm sau mới có kết quả”.
Chủ tịch nước: Ngành giáo dục cần tăng cường kỷ cương, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Trong thư gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới 2016-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đối với các đối tượng chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đạt nhiều kết quả trong học tập, nghiên cứu khoa học, để sau này tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Hồng Hạnh