Gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới trong dịch Covid-19

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Sáng nay 5/9, gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới, lễ khai giảng năm nay sẽ có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với học sinh và thầy cô vì vừa khai giảng, vừa chống dịch Covid-19.

 Khai giảng kết hợp trực tiếp - trực tuyến

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tùy từng hoàn cảnh có thể linh động và có nhiều cách tổ chức lễ khai giảng khác nhau.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Ở các địa phương đến thời gian khai giảng vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội và không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới như dự kiến, các trường có thể tổ chức khai giảng trực tuyến.

Như vậy, học sinh ở nhà có thể theo dõi thông điệp của năm học mới, hòa chung không khí tựu trường trên khắp cả nước, để các em không có cảm giác đứng ngoài cuộc hay tủi thân".

Gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới trong dịch Covid-19 - 1

Lễ khai giảng năm 2020 - 2021 đáng nhớ nhất với tất cả học sinh và thầy cô vì dịch Covid-19

Đà Nẵng, do toàn thành phố vẫn đang thực hiện biện pháp cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên năm nay, Đà Nẵng có một hình thức chào năm học mới đặc biệt qua Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố.

Theo đó, sáng ngày 5/9, ngày khai giảng năm học mới 2020 - 2021, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục, phụ huynh, học sinh… sẽ theo dõi Chương trình truyền hình toạ đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới”.

Chương trình tọa đàm có nội dung thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng năm học mới; thư lãnh đạo thành phố gửi đội ngũ nhà giáo và học sinh thành phố nhân Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường.

Tại Quảng Bình, Sở GD&ĐT Quảng Bình yêu cầu các trường chỉ tập trung học sinh các lớp đầu cấp, riêng các khối còn lại chỉ tập trung theo hình thức đại diện (mỗi lớp từ 5 đến 10 học sinh) để tham dự lễ khai giảng.

Quyết định này của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu lễ khai giảng năm học 2020-2021 tổ chức trong thời gian khoảng 45 phút, đồng loạt vào 7h30 ngày 5/9/2020.

Trong đó, các trường THCS, Tiểu học & THCS; THPT, THCS & THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (trường Trung cấp nghề có hệ Giáo dục thường xuyên) khai giảng tập trung ngoài trời và thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước diệt khuẩn, đo thân nhiệt.

Đối với các trường Tiểu học, tổ chức khai giảng không tập trung (học sinh tập trung theo đơn vị lớp tại lớp học), thực hiện qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường.

Các trường Mầm non, tổ chức khai giảng không tập trung (học sinh tập trung tại lớp học), cho trẻ xem qua video phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng; một số tiết mục văn nghệ của nhà trường (tư liệu sẵn có); giáo viên tại nhóm, lớp tổ chức hoạt động tạo không khí vui tươi cho trẻ.

TP.HCM cũng chọn phương án chỉ tập trung đại diện học sinh các khối lớp dự lễ khai giảng, chỉ trừ học sinh các lớp đầu dự đầy đủ.

Sở  GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới trong dịch Covid-19 - 2

Sáng 4/9, Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức lễ khai giảng cho gần 70 học sinh tại phân hiệu tại cụm dân cư số 8, xã Đắk R’măng. Cụm dân cư được mệnh danh là "8 không" (không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch, không sóng điện thoại, không sổ hộ khẩu và không khai sinh).

Tỉnh Quảng trị yêu cầu đối với những địa phương, khu vực thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến.

Nếu tổ chức khai giảng tập trung thì phải đảm bảo giãn cách; nếu không đủ hội trường hoặc sân trường rộng thì có thể ưu tiên khai giảng tập trung cho các em HS đầu cấp, để các em có niềm vui ngày khai giảng đầu tiên ở ngôi trường mới.

Tỉnh Đồng Nai, chỉ tổ chức khai giảng năm học mới chỉ thực hiện cho các học sinh theo từng khối, lớp, không tập trung đồng loạt học sinh toàn trường. Về việc tổ chức khai giảng năm học mới chỉ tổ chức cho học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) và đại diện học sinh các khối lớp.

Ngoài ra, giới hạn số lượng đại biểu được mời dự lễ khai giảng năm học gồm đại diện Sở GD&ĐT, đại diện cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, chương trình lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, chỉ tổ chức phần hội trong lễ khai giảng của các cơ sở giáo dục mầm non. 

Trong quá trình tổ chức khai giảng, tất cả các thành phần tham dự phải thực hiện đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định gồm: giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc (tối thiểu là 1m), đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Tại TP.Hà Nội, Tổ chức lễ khai giảng được tổ chức vào sáng 5/9, thời gian không quá 45 phút. Cán bộ, giáo viên, học sinh không được đến trường dự lễ khai giảng nếu đang trong thời gian cách ly hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Các nhà trường có phương án phân luồng học sinh ngay từ đầu giờ, không tổ chức diễu hành từ cổng vào trường. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện đo thân nhiệt , đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách an toàn khi tham dự lễ.

Gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới trong dịch Covid-19 - 3

Học sinh miền núi tung tăng tới trường dự lễ khai giảng

 Khắc phục mọi khó khăn để tổ chức tốt nhiệm vụ năm học

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn và những kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Năm học mới 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt

Dự báo, năm học 2020-2021, quy mô giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông gồm gần 23 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Trong đó, số trẻ mầm non là khoảng gần 5,4 triệu; học sinh phổ thông gần 17,6 triệu (tiểu học: hơn 8,7 triệu; THCS: trên 6 triệu và THPT hơn 2,8 triệu).

việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành Giáo dục và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa "hồng", vừa "chuyên".

Trước năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục.

Theo đó, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.

Năm học mới này, ngành Giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, do đó, ngành giáo dục lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.

Gần 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới trong dịch Covid-19 - 4

Năm học 2020 - 2021 ngành giáo dục thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GDĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành; triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.

Trong năm học 2020-2021, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường. Theo Chỉ thị, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng CNTT; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, nhất là việc thực hiện quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; công tác tuyển sinh, các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.

Chỉ thị nhấn mạnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm có tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục.