"Em không muốn làm con vẹt!"

"Chúng em không muốn làm robot suốt những năm học, không muốn làm con vẹt trả bài để lấy điểm 10, không muốn học tiết thực hành bằng bảng đen, không muốn học Anh văn bằng tiếng Việt, và cũng không muốn bị cải cách".

Đó là một phần trong lá thư mà Trần Vũ Như Lan Ngọc, thí sinh vừa dự thi tốt nghiệp THPT tại hội đồng thi Sương Nguyệt Anh (quận 10, TPHCM ) đã viết.

 

“Đọc những bài báo được đăng em không phải không suy nghĩ. Có thể là HS, trong đời ai cũng có lúc "quay" bài, nhưng làm sao khẳng định là nhất thiết chỉ phụ thuộc vào "phao"?

 

Có những người phụ thuộc vào "phao" đó, nhưng cũng nói thẳng ra có những người không cần "phao". Nói trắng ra, những người xài "phao" đa số là ai: Những con nhà giàu lười học, những đứa ham vui làm biếng, những đứa trong đầu không có suy nghĩ là vươn lên bằng chính sức học, và chỉ có những con sâu đó mới làm rầu nồi canh!

 

Đề thi năm nay theo em thấy thật sự không khó, có thể đề Lý hơi dài, đề Văn thì có lẽ hơi khó hiểu, nhưng không phải là không làm được. Vậy tại sao có nhiều người làm bài đuợc bằng chính sức học?

 

Em cũng có lúc làm bài không được, cũng đã khóc, nhưng làm sao có thể chấp nhận quay bài khi xung quanh mình là bao bạn thi bằng khả năng, cầm tài liệu trên tay, em cũng chẳng muốn quay, vì làm thế hoá ra em chấp nhận thua những người đó sao?

 

Dù cho sức học của em không phải là giỏi, em cũng là niềm hy vọng của ba mẹ, nhưng quan trọng hơn, em không muốn ba mẹ em buồn vì em gian lận.

 

Có những người quá đề cao vào việc thi đậu thi rớt, nó quan trọng, nhưng không đáng để tự đánh rớt giá trị bản thân như thế. Cầm cái bằng tốt nghiệp, em chắc chắn tự hào hơn vì nhờ những người "quay" bài, bằng tốt nghiệp của em chắc chắn có giá trị hơn dù chỉ là về mặt tinh thần!

 

Những môn học trong nhà truờng quá nhiều, quá nặng khiến chúng em phải thức trắng đêm mà học trong năm 12, tại sao không giảm bớt? Bộ GD-ĐT và các vị trên cao có bao giờ phải ngồi học như chúng em? Mang cái cặp nặng chịch, suốt ngày đêm học, thời gian đâu để vui chơi, để thoải mái?

 

Phải chăng, khi chúng em sa ngã thì mới quay ra trách móc, mới phê phán việc học? Còn sửa chữa khuyết điểm thì là chuyện muôn đời không có? Mà có sửa thì chắc gì đã giảm bớt, có khi còn nhiều lên nữa chứ!

 

Chỉ mong quí thầy cô, quí vị chức sắc ở trên cao hãy thương cho chúng em, đừng đưa ra những suy nghĩ, ý kiến quái đản nữa, mà hãy cho chúng em phát triển một cách bình thường.

 

Chúng em không muốn làm robot suốt những năm học, không muốn làm con vẹt trả bài để lấy điểm 10, không muốn học tiết thực hành bằng bảng đen, không muốn học Anh văn bằng tiếng Việt, và cũng không muốn bị cải cách".

 

Trần Vũ Như Lan Ngọc (Vietnamnet)