Trong chuyến công tác miền núi mới đây, chúng tôi đến với vùng đất nơi sơn cùng thủy tận Nhôn Mai của huyện Tương Dương. Sau gần một buổi vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi đến với cuộc sống của đồng bào vùng biên giới xã Nhôn Mai trong mưa rơi.
Đến thăm mới thấy bao khó khăn gian khổ vẫn còn hiện hữu với xã khó khăn này. Nhưng sự học vẫn đều đặn được vun đắp trong hành trình tìm con chữ của các em học sinh (HS) dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú.
"Không có thức ăn, chúng cháu chỉ biết ăn cơm với muối trắng”
Sau gần một buổi ngồi thuyền xuồng máy đến ê lưng, vượt qua mấy con suối nhỏ, chúng tôi tới chân xã Nhôn Mai. Hiện trước mắt chúng tôi là ngôi trường THCS Nhôn Mai với văng vẳng tiếng đọc bài của HS. Tiếng trống tan trường đã điểm, thì tiếng reo hò của các em nhỏ như xé tan cả cánh rừng hoang tĩnh mịch. Những học sinh nhỏ bé, da đen nhẻm, quần áo cũ kỹ rách rưới, chân không giày dép bước dưới mưa.
Sau mỗi buổi đến lớp các em dùng chài đi chài cá ở suối.
Theo chân một em nhỏ, chúng tôi về cư xá dành cho học sinh vùng xa. Hiển hiện trước mắt là những căn lều tranh được dựng tạm. Nói là vào nhà cho đỡ mưa nhưng thực chất đây là những căn lều trọ học mà các em đang ở cũng chẳng có gì kín đáo. Những thanh tre, nứa lâu ngày đã mục, từng lớp tranh bằng cỏ khô đã bị nắng mưa “đục” thủng. Ngồi trong cư xá mà mưa vẫn rơi lộp bộp trên đầu như đang ở ngoài.
Em Và Bá Cu (12 tuổi) dân tộc Mông lo lắng: “Chúng em ở đây vất vả lắm. Hằng ngày mỗi khi đến giờ nấu cơm cũng chỉ có thêm mấy cọng măng thôi các chú à. Cá thi thoảng mới bắt được vài con bằng ngón tay ở suối thôi, cá biển nhà cháu chưa biết nó thế nào cả. Còn với thịt lợn lại càng xa vời hơn chú ơi. Không có thức ăn chúng cháu chỉ biết ăn cơm với muối trắng!”.
Cận cảnh bữa cơm của học sinh Nhôn Mai.
Sống xa nhà, các em phải tự lo cho mình trong cuộc sống. Ngoài giờ đến lớp, các em tranh thủ lên rừng hái măng, nhặt rau, xuống suối bắt cá để cải thiện bữa ăn. Nhưng cá dưới suối cũng chẳng có, măng trên rừng cũng cạn dần... nên cứ thế cuộc sống của các em dựa vào những lon gạo trợ cấp của nhà nước.
Gói sách vở vào túi ni lông để tránh nước mưa, em Moòng Thị Xuyên (10 tuổi) dân tộc Khơ Mú chia sẻ: “Giờ cháu phải lên rừng lấy măng. Nếu không có măng thì cháu và em trai sẽ phải ăn cơm với muối ớt. Nhà cháu xa lắm, phải đi bộ 7 giờ đồng hồ mới tới nơi nên hơn một tuần rồi cháu chưa về nhà. Nếu về nhà cháu sẽ mang thêm muối để ăn vì muối cũng gần hết rồi”. Nói đoạn Xuyên đưa mắt nhìn em trai mình ngồi ăn cơm nguội với muối ở góc lều mà nước mắt rưng rưng.
Không có thưc ăn, các em đi lên rừng lấy măng.
Cuộc sống khó khăn, đa phần các em trọ học phải ăn uống rất kham khổ. Nhiều em hái được măng thì cũng chỉ luộc măng hoặc nấu canh để ăn, còn không hái được măng thì ăn cơm với muối ớt. 5 chị em Và Y Đình ngồi ăn trưa trong lặng lẽ. Bữa ăn của các em chỉ là cơm trắng thêm bát canh được làm từ nước sôi để nguội không muối, không bột ngọt. Một bát cơm các em lại chan thêm muỗng nước, cứ thế 6 chị em người Mông này vẫn ngày 2 bữa cơm rồi tới trường học con chữ.
Em ước trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho dân bản
Dưới những mái lều đơn sơ, các em sống trong khó khăn thế nhưng chưa một lần các em bỏ dở sự học. Mỗi em là một hoàn cảnh là một ước mơ mai sau trở thành công dân tốt cho xã hội.
Khi chúng tôi hỏi "Sau này lớn lên em sẽ làm gì?", đang ăn dở bát cơm chấm muối tiêu, em Moong Văn Thắng năm nay mới 8 tuổi nhưng đã phải đi học xa nhà, bảo: "Em sẽ học làm bác sỹ để biết chữa bệnh cho mọi người và đặc biệt là những người ở bản các chú à...". Hỏi ra mới biết, mẹ Thắng là người hay đau yếu, bị bệnh nên em mong muốn sau này sẽ đi theo học hành y làm bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ.
.Em Moong Văn Thắng chỉ ăn cơm với muối. Thắng ước được làm bác sỹ để chữa bệnh.
Cạnh Thắng là Cụt Văn Quân năm nay 13 tuổi, dân tộc Khơ Mú đang học lớp 8 Trường THCS Nhôn Mai. Với Quân niềm ao ước lớn nhất là mai này lớn lên sẽ trở thành thầy giáo dạy chữ. Quân tâm sự: “Sau này lớn lên, nếu em được làm thầy giáo em sẽ về bản dạy chữ. Em sẽ dạy cho các em nhỏ ngay tại bản để các em không phải đi học xa nhà”.
Dưới ngôi trường nhỏ bé, các em được học những con chữ để mai sau trở thành những người có ích. Có không ít những người anh, người chị đi trước đã thành đạt từ trong cuộc sống khó khăn. Riêng năm nay, em Lô Văn Vẽ, cựu học sinh trường THCS Nhôn Mai đã đậu vào ĐH với điểm khá cao vào khoa Quản lý môi trường Thái Nguyên hay như em Lô Thị Hòe trúng tuyển vào CĐ Sư phạm mầm non Hà Nội.
Thầy Trần Hưng Thái, hiệu trưởng Trường THCS Nhôn Mai cho biết: “Năm học 2010 - 2011, có 63 HS đạt danh hiệu HS tiên tiến xuất sắc. 15 em đạt giải khuyến khích Olympic Tiếng Việt. 1 em đạt giải nhất, 5 em đạt giải khuyến khích cuộc thi Vở sạch chữ đẹp do huyện Tương Dương tổ chức và hàng chục cựu học sinh đậu ĐH, CĐ...".
Thầy Thái cũng cho biết thêm, cái khó, cái khổ của bà con, các em nơi đây... thì nhiều lắm. Nhưng trong gian khổ đó, các em và gia đình đều đặn khuyên răn các con đến lớp, đến trường theo đuổi con chữ.
Hình ảnh học sinh Nhôn Mai trong cuộc sống hàng ngày khiến chúng tôi không khỏi xót xa:
Chụm củi nấu ăn.
Sau giờ học các em tự làm cần câu đi suối câu cá làm thức ăn.
Các em phải lên rừng lấy củi
kiếm măng
thức ăn duy nhất của các em là những búp măng non từ rừng đem về nấu canh.
Bữa ăn của 5 chị em Và Y Đình là cơm trắng chan nước sôi để nguội.
Bữa ăn của các em có khi chỉ là nồi cơm và một ít muối trắng.
Các em học sinh nơi đây chỉ là cơm ăn với muối hòa lẫn với trái cay rừng.
Bố mẹ các em cuốc bộ gần chục km đến trường sửa ký túc xá cho các em rồi ngồi lại ăn cơm cùng các con một hôm.
Nguyễn Duy - Minh Hậu