Thầy giáo dạy Lý và “bộ sưu tập” huy chương

(Dân trí) - Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy, thầy Lê Văn Hoành - giáo viên dạy chuyên Lý Trường THPT chuyên Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã mang về cho trường 82 giải quốc gia, 5 giải quốc tế, 22 sáng kiến kinh nghiệm cùng hàng chục bằng khen, huân chương...

Với một bề dày thành tích trong sự nghiệp trồng người như vậy nhưng thầy Lê Văn Hoành (sinh năm 1961) rất ít nói về bản thân. Sau nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp, chúng tôi may mắn được ngồi trò chuyện và lắng nghe thầy tâm sự về chặng đường làm thầy của mình.

"Bị" chuyển sang học Sư phạm 

Thầy Lê Văn Hoành xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Bố thầy là giáo viên tiểu học, mẹ thầy làm nông nghiệp. Với tố chất thông minh và bản tính ham học, từ nhỏ thầy Hoành đã bộc lộ năng khiếu về môn Toán và đạt nhiều thành tích trong học tập. Suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Lê Văn Hoành luôn là học sinh xuất sắc toàn diện. Năm lớp 4, Lê Văn Hoành là một học sinh giỏi toàn tỉnh, đến năm lớp 7 thì đoạt giải 3 toàn miền Bắc về môn Toán (không có giải nhất).  
 
Thầy Hoành chia sẻ: “Thời chúng tôi thi vất vả và khó khăn lắm, quy chế giải thưởng rất ít. Đã thế, nhà nghèo, ăn còn chẳng đủ nên ban ngày phải đi làm, chỉ tranh thủ lúc buối tối rảnh để học bài thôi”.
 
Học hết cấp 3, cậu HS giỏi Lê Văn Hoành thi đậu khoa Vô tuyến của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Rồi mọi thứ đã thay đổi khi thầy được chuyển sang học sư phạm. Nói về cái “duyên” vào nghề Sư phạm, thầy Hoành nhớ nói: “Lúc đó ngành Sư phạm thiếu giáo viên nhiều lắm, thế là Bộ Giáo dục ra yêu cầu sẽ lấy những học sinh thi đạt điểm cao và có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập chuyển sang học sư phạm. Vậy là tôi phải chuyển sang khoa Vật lý học Sư phạm”. 
 
Đến với nghề giáo ban đầu không phải là ước mơ, nhưng thầy Hoành không thờ ơ hay lơ đãng việc học. Ngược lại, thầy càng cố gắng học thật nhiều để khẳng định bản thân và năng lực học tập của mình không thua kém bạn bè, dù ở lĩnh vực nào hay kể cả phải từ bỏ ước mơ.  
 
Cô Trịnh Thị Hoa (vợ thầy) ngồi bên nói: "Anh Hoành sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng dù trong hoàn cảnh nào anh ấy cũng luôn cố gắng làm việc hết mình. Chính cái duyên bị chuyển vào nghề giáo lại trở thành niềm đam mê bao năm nay của anh". 
 
Thầy giáo dạy Lý và “bộ sưu tập” huy chương  - 1
Thầy Hoành luôn tận tụy với học trò.

Niềm đam mê dạy Vật Lý và những bảng thành tích

Năm 1982, thầy Hoành ra trường với tấm bằng loại ưu và được giữ lại trường để dạy học. Nhưng với suy nghĩ “không đâu bằng quê hương”, muốn cống hiến công sức cho quê hương nên thầy đã về Thanh Hóa lập nghiệp. 

Ban đầu, thầy Hoành được chuyển công tác về dạy học trường cấp 3 Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa. Nhớ về kỉ niệm đầu tiên đứng trên bục giảng, thầy khẽ cười: “Tôi là người luôn tự tin vào khả năng của mình nên lần đầu tiên lên lớp tôi không thấy thấy lo lắng, chỉ có chút hồi hộp. Thấy thầy giáo trẻ, các em học sinh nhao nhác nói chuyện, chạy nhốn nháo, nhưng khi tôi cất tiếng giảng môn Vât lý, những tiếng ồn bỗng nhiên im lặng, tôi biết mình đã thu hút được sự chú ý của các em học sinh”.

Thầy giáo dạy Lý và “bộ sưu tập” huy chương  - 2
Sở thích của thầy Hoành là xem thời sự và lên mạng tìm tài liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy.
 
Lại như một cái duyên bước vào dạy trường chuyên. Thầy Hoành dạy học được hơn 1 tháng thì tỉnh Thanh Hóa quyết định mở lớp chuyên dành cho những học sinh có nhiều thành tích cao trong toàn tỉnh, thầy Hoành là một trong số những người đầu tiên về dạy lớp chuyên, sau này là Trường THPT chuyên Lam Sơn. 

Được dạy các em học sinh giỏi chuyên Lý, niềm đam mê của thầy Hoành như sống dậy. “Tôi bỗng yêu nghề giáo từ lúc nào không hay. Tôi có thể quên ăn, quên thời gian khi dạy các em học sinh hoặc nghiên cứu sách. Lúc đó tôi chủ nhiệm một lớp chuyên Lý gồm 12 em học sinh, thầy trò vượt qua biết bao khó khăn. Tài liệu học không có, dụng cụ thí nghiệm cũng không, thầy trò chỉ biết học chay. Nhưng kết thúc khóa học, 11/12 em học sinh đậu đại học với kết quả cao. Đó là nguồn động viên lớn nhất dành cho tôi, khiến tôi càng phải cố gắng” - thầy Hoành tâm sự.

Em Lê Huy Quang, một học sinh đoạt huy chương Đồng cuộc thi Olympic Vật Lý lần thứ 42 do thầy Hoành bồi dưỡng, chia sẻ: "Em rất kính trọng thầy Hoành bởi lòng nhiệt huyết và niềm đam mê với môn Vật lý. Chính thầy là người đã truyền niềm đam mê đó cho chúng em, khiến chúng em quên đi mệt mỏi khi học bài và có quyết tâm sẽ dành huy chương về cho trường. Ngoài đời, thầy là người rất tình cảm với các em học sinh và luôn lắng nghe tâm sự của chúng em. Em mong thầy sẽ còn gắn bó mãi với trường THPT chuyên Lam Sơn". 

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Lê Văn Hoành đã mang về cho Trường THPT chuyên Lam Sơn và bản thân rất nhiều thành tích cao quý mà hiếm ai có được. Bước vào nghề giáo từ năm 1982, thầy Hoành đã chủ nhiệm 10 khóa học với 82 giải quốc gia của các em học sinh do thầy bồi dưỡng, 5 giải quốc tế và quốc tế khu vực… về Vật lý. 

Là người có thâm niên công tác gần như lâu năm nhất Trường THPT chuyên Lam Sơn, thầy Lê Văn Hoành đã cống hiến 12 sáng kiến kinh nghiệm về môn Vật Lý đoạt giải A, B như “Mạch giao động điện từ”, bài toán mạch phi tuyến”…. nhận 22 bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa, 4 bằng khen của Bộ GD-ĐT và một bằng khen của Thủ tướng chính phủ tặng vào năm 2005 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo...

Thầy giáo dạy Lý và “bộ sưu tập” huy chương  - 3
Thầy Lê Văn Hoành tâm niệm: "Người thầy phải thổi được niềm đam mê về môn học cho các em học sinh".
 
Thầy Kim Ngọc Chính, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết: "Thầy Lê Văn Hoành là một thầy giáo có thâm niên giảng dạy lâu nhất ở Trường THPT chuyên Lam Sơn và có một bề dày thành tích đáng kính nể. Dường như năm nào thầy cũng mang về cho Trường THPT chuyên Lam Sơn những giải thưởng quốc gia hay quốc tế về môn Vật lý, nhưng thầy lại rất khiêm tốn về bản thân. Năm 2011, thầy Lê Văn Hoành được tặng Huân chương lao động hạng 3 vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Thầy Hoành luôn được các học trò yêu mến bởi tâm huyết và lòng tận tụy với học sinh, được đồng nghiệp kính trọng bởi thành tích và khả năng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Thầy xứng đáng là tấm gương cho các thầy cô giáo trường THPT chuyên Lam Sơn noi theo bởi niềm đam mê nghề nghiệp và nuôi dạy con cái thành đạt".
 
Hiện tại, thầy Lê Văn Hoành đang chủ nhiệm lớp chuyên Lý gồm 37 học sinh. Mục tiêu thầy Hoành đặt ra cho kì thi Olympic sắp tới là "đổi màu" huy chương.  

Thầy đang sống cùng gia đình tại phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Vợ thầy là cô Trịnh Thị Hoa, giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ. Vợ chồng thầy có hai người con rất chăm ngoan và học giỏi. Người con trai đầu Lê Trịnh Tất Đạt hiện đang là du học sinh năm thứ 4 trường ĐH Quốc gia Singapore theo một chương trình học bổng. Cô con gái út là Lê Linh Hương đang là học sinh lớp 11 chuyên Lý Trường THPT Đào Duy Từ, hiện là thành viên đội tuyển thi quốc gia của trường.

Nói về sự học và phương pháp dạy học, thầy Hoành chia sẻ: “Muốn học sinh tiếp thu được bài học và có một tư duy sáng tạo, người thầy phải thổi cho các em một niềm đam mê, niềm đam mê thực sự về môn học”.

Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm