Đừng dùng bạo lực để lên án bạo lực
(Dân trí) - Chuyên gia truyền thông xã hội nêu quan điểm về vụ cô giáo cắt tóc học sinh rằng, lên án bạo lực trong giáo dục là cần thiết nhưng đừng dùng bạo lực ngôn từ để giải quyết vấn đề.
Người nhà nữ sinh bị cô giáo cắt tóc lên tiếng
Anh Lã Binh (Vĩnh Phúc), chú ruột của nữ sinh bị cô giáo dùng kéo cắt tóc ngay trong lớp học, cho rằng dư luận xã hội trong những ngày vừa qua có nhiều định kiến nên đã góp phần làm giảm đi tính khách quan và chân thực của câu chuyện.
Với vị trí là người nhà nhân vật chính trong câu chuyện giáo dục đáng chú ý gần đây, anh Binh khẳng định không bênh vực cho cháu mình, mà chỉ mong dư luận có thái độ công tâm, nhìn nhận đa chiều đối với vụ việc, tránh lan truyền nhận định sai sự thật và làm tổn hại đến tinh thần của các nhân vật liên quan.
"Đành rằng phương pháp xử lý của cô giáo là chưa hợp lý nhưng xét về lý và tình, phía gia đình thấu hiểu cái tâm của người nhà giáo và đồng tình sự việc có thể được giải quyết dựa trên trao đổi trực tiếp, thẳng thắn.
Ai sai tới đâu, xử lý tới đó, đúng nhận, sai cãi. Quan trọng hơn phía nhà trường, giáo viên và gia đình đã tìm được cách giải quyết và rút ra được kinh nghiệm", anh Binh chia sẻ.
Trên thực tế, anh Binh cho biết có rất nhiều ý kiến kích động gia đình anh "phải kiện, làm tới cùng" để xử lý cô giáo và đề nghị đưa ra khỏi nghành.
Nhưng phía gia đình đã chấp nhận lời xin lỗi riêng của giáo viên này và cũng không muốn truy cứu gay gắt làm ảnh hưởng đến danh dự của một cá nhân.
"Sự việc xảy ra là đáng tiếc, phải có hình thức xử lý kỷ luật, nhưng làm người không ai tránh khỏi sai phạm, dù người đó là ai.
Vì vậy gia đình tôi cũng chỉ gặp phía ban giám hiệu nhà trường để trao đổi thêm về cách giáo dục vị thành niên, chứ không muốn kiện cáo gì", chú ruột của nữ sinh bị cô giáo cắt tóc ở Vĩnh Phúc lên tiếng.
Anh Binh cũng nói thêm, việc khiến anh bức xúc là cháu gái đã bị tổn thương về tâm lý bởi những bình luận ác ý trên mạng xã hội "miêu tả chân dung" cháu là một học sinh đua đòi, nhiều thói hư tật xấu và thiếu chuẩn mực chỉ thông qua vài giây ngắn ngủi của đoạn video gây tranh cãi.
Điểm chung là họ đều không cho rằng việc học sinh nhuộm tóc là sở thích cá nhân.
"Một học sinh để tóc đen bình thường nhưng học kém có tốt hơn một học sinh học giỏi nhuộm tóc không? Màu tóc có liên quan đến năng lực, phẩm chất đạo đức của một con người không?
Trên thực tế, nhuộm tóc chỉ là sự làm đẹp theo xu thế. Điều này hoàn toàn không đánh giá được hành vi tốt xấu, đạo đức, năng lực của mỗi người. Thật không công bằng khi vội vã phán xét một đứa nhỏ chỉ bởi chút cá tính của trẻ vị thành niên", anh Binh nêu quan điểm.
Chia sẻ về tình hình của nữ sinh bị cắt tóc trong vụ việc, anh Binh cho biết hiện tại tâm trạng cháu gái mình không ổn định, liên tục tìm kiếm và đọc các bình luận trên mạng liên quan đến vụ việc, khiến gia đình không khỏi lo lắng.
"Cơn đau nào cũng có hồi kết thúc. Người lớn có thế giới người lớn, thiếu niên có nội tâm thiếu niên. Người ta có nhiều lý do để giải thích cho hành động o ép, nhưng tất cả cũng chỉ để bao biện cho sự thiếu cảm thông và không chấp nhận khác biệt ở mỗi cá nhân mà thôi", anh Binh bộc bạch.
Cái gì quá cũng không tốt
Trao đổi về vụ việc trên, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng không nên chỉ dựa vào ý kiến của dư luận xã hội trên các trang thông tin truyền thông để đánh giá một vụ việc.
Bởi dư luận xã hội rất nhanh và rất mạnh tuy nhiên nó thiên về cảm xúc của đám đông, vì vậy sẽ làm giảm đi tính khái quát và chân thực của vấn đề.
Cụ thể ở đây là vụ việc nữ sinh bị cô giáo cắt tóc ở Vĩnh Phúc vẫn xuất hiện và được bàn luận trên mạng xã hội mỗi ngày nhưng không phải ý kiến nào cũng công tâm, chính xác bởi quan điểm cá nhân của mọi người hay trên báo chí hoàn toàn không cùng hoàn cảnh nên sẽ mang tính phiến diện.
Chuyên gia giải thích đó là dư luận đang thực hiện hoạt động giám sát xã hội (Social monitering), thao tác bị chi phối bởi thông tin 2 chiều: thuận và nghịch.
Vì thế mà cơ chế này là "con dao 2 lưỡi" đối các câu chuyện giáo dục.
"Không thể phủ nhận nhờ có sự tác động của dư luận mà nhiều khía cạnh tiêu cực đã được đem ra ánh sáng và xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, mặt khác, chính sức ép lớn của dư luận và truyền thông cũng phần nào tô đen thêm mặt tối khác của câu chuyện giáo dục do sự tiện dụng và tâm lý được kích thích phản hồi dù chưa biết thực giả đúng sai ra sao", ông Long nêu ý kiến.
Cũng theo chuyên gia, các phương tiện truyền thông đưa tin cần có thái độ ứng xử với giáo dục một cách hết sức cẩn trọng.
Bởi mỗi thông điệp hay sự phản ánh, phản ứng thiếu cân nhắc, sẽ góp phần lan truyền thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến các cá nhân liên quan.
"Bạo lực tuy xảy ra trên không gian ảo, nhưng sẽ để lại hậu quả thực. Thay vì phán xét, chỉ trích, chê bai, nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau thì câu chuyện được nói đến sẽ mang tính nhân văn và giữ được tinh thần giáo dục.
Chúng ta nên ứng xử thế nào để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của mình nhưng không ảnh hưởng đến danh dự của người khác", ông Long nói.
Chuyên gia cũng thể hiện quan điểm, lên án bạo lực trong giáo dục là cần thiết nhưng đừng dùng bạo lực ngôn từ để giải quyết vấn đề.
Bởi điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc luật pháp, nguyên tắc của giáo dục và cái gì quá thì cũng không tốt.