Đừng để trẻ gánh bất công

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kinh phí nhà nước cần được đầu tư đúng chỗ để tránh lãng phí và bất công đối với học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo.

Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, hàng loạt trường ngoài công lập ra đời đã đáp ứng chỗ học cho học sinh (HS). Tuy nhiên, các trường ngoài công lập không những không được hỗ trợ gì từ ngân sách mà chính sách ưu tiên, khuyến khích để xã hội hóa giáo dục cũng bất nhất.

 

Trẻ mầm non phải chịu… thuế

 

Bà Phạm Thanh Thúy - chủ một trường mầm non (MN) ngoài công lập tại quận 7, TPHCM - phân tích: Theo Nghị định 53 (ban hành năm 2006) của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tất cả các trường ngoài công lập sẽ được hưởng mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% so với doanh nghiệp thông thường là 25%. Thế nhưng, Nghị định 69 ra đời ngay sau đó không lâu (năm 2008) lại quy định để được hưởng ưu đãi về thuế thì các trường MN phải đạt diện tích đất tối thiểu là 8 m2/trẻ. Thực tế, nhiều trường không thể đạt tiêu chuẩn này nên đột ngột bị ngành thuế kiểm tra và truy thu thuế. “Quy định bất nhất khiến nhiều trường MN điêu đứng, còn cách nào tháo gỡ ngoài việc nhờ phụ huynh san sẻ. Vì vậy, mới có chuyện các cháu MN đi học cũng phải đóng thuế theo nhà trường” - bà Thúy nói.

 

Đừng để trẻ gánh bất công
Học sinh khối THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM trong ngày khai giảng. (Ảnh: Tấn Thạnh)

 

Bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, TPHCM, cho rằng ngân sách nhà nước đầu tư cho trường công lúc này còn chưa đủ nên đặt vấn đề đầu tư cho trường tư là khó nhưng đây là vấn đề phải suy nghĩ. Là phúc lợi xã hội thì HS có quyền lợi như nhau, không nên phân biệt, đối xử.

 

Cùng quan điểm này, bà Phùng Thị Nguyệt Thu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM), nói: “Không có lý do gì HS ngoài công lập lại không được hưởng đầu tư của nhà nước”.

 

Theo ông Lê Văn Linh, Trường THPT Thanh Bình (quận Tân Bình, TPHCM), không phải phụ huynh nào cho con học trường THPT tư thục cũng giàu có. Mức thu học phí của trường thuộc diện “mềm” nhất so với các trường THPT trên địa bàn TP nhưng vẫn có nhiều phụ huynh nợ học phí nhiều tháng liền do khó khăn. Ông Linh cho rằng không thể đòi hỏi HS trường tư được đầu tư như HS trường công nhưng nếu HS trường tư chỉ cần được đầu tư 4 triệu đồng/năm cũng đỡ gánh nặng cho phụ huynh.

 

Cần thay đổi ngân sách giáo dục

 

Bất bình đẳng ở lứa tuổi MN không chỉ diễn ra giữa các trường công - tư mà còn ở ngay trong hệ thống trường công, giữa các trường giàu và nghèo. Bà Lê Thị Kim Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường MN Hoa Lư (quận 1), dẫn chứng những trường MN có tiếng của TP và ở khu vực trung tâm như: MN 19-5, MN Bé Ngoan, MN TP, MN Hoa Lư…, ngân sách nhà nước chẳng thấm tháp gì so với những khoản kinh phí phụ huynh sẵn sàng bỏ ra khi con họ được học ở đây. Vì vậy, mới có chuyện trường khang trang, gạch lát còn mới nguyên đã vội đập bỏ để thay...

 

Ở Trường MN Hoa Lư, khi cần thì nhà trường có thể huy động phụ huynh đóng góp cả trăm triệu đồng để khen thưởng học sinh, tặng thưởng giáo viên. Trong khi đó, cũng trên địa bàn quận 1, những trường như MN Hoa Lan thì trẻ thậm chí không có sân chơi, trong những ngày lễ, Tết, giáo viên phải động viên nhau để đỡ tủi. “Kinh phí nhà nước cần được đầu tư đúng chỗ, tránh lãng phí và bất công với trẻ. Muốn vậy, mỗi quận, huyện cần chọn 1 trường làm mô hình thí điểm xã hội hóa hoàn toàn, để các trường khác học tập hoặc chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại dành cho các trường nghèo hơn” - bà Vân đề nghị.
 

TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng hiện nay có thực trạng trường tốt lại nằm ở khu vực phụ huynh có điều kiện kinh tế nên “sống” được mà không cần ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, “chiếc bánh” ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục cần phải thay đổi. Phải tập trung đầu tư và vực dậy các trường yếu trong thời gian nhất định. Đây cũng là giải pháp nhằm tránh tình trạng chạy trường trong thời gian qua.

 

Cạnh tranh để tăng chất lượng

 

Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM cho rằng ở TP cũng như nhiều tỉnh, thành khác, hệ thống trường tư phát triển đã giúp địa phương giảm được khoản đầu tư cơ sở vật chất khổng lồ. Nếu HS trường tư được hưởng một phần đầu tư thì lúc đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh không chỉ các trường ngoài công lập với nhau mà với cả trường công lập bởi nếu trường công không có chất lượng thì sẽ không có HS. Lúc đó, sự dịch chuyển HS từ trường công sang trường tư sẽ nhiều hơn hiện nay.

 

Theo Đặng Trinh - Huy Lân

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm