Đừng để giáo viên ngậm ngùi mỗi khi Tết đến!
(Dân trí) - Thời điểm cuối năm âm lịch cũng là lúc các công ty, doanh nghiệp, cơ quan… lần lượt công bố mức thưởng tết cho cán bộ, công nhân viên. Còn đối với đông đảo đội ngũ giáo viên gánh vác công việc hệ trọng “trồng người” thì sao?
Đáng mừng là trong khi nền kinh tế trong nước vẫn đang chịu ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế thế giới nhưng nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn trích từ quỹ khen thưởng, lợi nhuận của mình để thưởng tết với mức thưởng có phần “nhích” hơn so với năm trước. Thậm chí có doanh nghiệp ăn nên làm ra còn đưa ra mức thưởng tết với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục từ mầm non đến các bậc học phổ thông vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận việc không có khoản thưởng tết cho “ra tấm, ra món” khi mà những ngày tết nguyên đán đang đến gần.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Khác với những ngành nghề khác, cán bộ giáo viên, công nhân viên trong ngành giáo dục từ trước đến nay không có tháng lương thứ 13. Cũng như những người làm các ngành khác trong xã hội, mỗi dịp tết đến, người giáo viên cũng phải sửa soạn, mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân và gia đình. Nhu cầu chi tiêu vào dịp cuối năm lại phát sinh thêm nhiều khoản do trùng với thời điểm mùa cưới bước vào thời kỳ “chính vụ”.
Cuộc sống của phần lớn giáo viên hiện nay chủ yếu vẫn chỉ biết trông chờ vào đồng lương nhận được hàng tháng. Do đó, không ít giáo viên có tâm lý “sợ” tết đến vì không biết “nhìn” vào khoản nào để trang trải, chi tiêu trong dịp tết.
Một số nhà quản lý giáo dục khi đề cập đến chuyện thưởng tết cho giáo viên đều có chung ý kiến: cơ sở giáo dục không có nguồn thu thì không có kinh phí để chi. Hỗ trợ thêm khoản tiền tết cho giáo viên như thế nào chủ yếu là do sự “linh động” của ban giám hiệu các nhà trường, sự chung sức của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.
Các trường đóng trên địa bàn thành phố, thị xã có lợi thế là có điều kiện tích lũy từ các nguồn thu như: căng tin; các trường đại học trên địa bàn thuê mặt bằng tổ chức thi tuyển sinh; các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê đia điểm dạy vào ban đêm. Đặc biệt, những trường đóng trên địa bàn thành phố thường có được sự hỗ trợ đáng kể từ phụ huynh học sinh. Nhất là những trường may mắn có được các vị phụ huynh đồng thời là các “mạnh thường quân”.
Giáo viên ở những nơi có “địa lợi, nhân hòa” này có thể có được mức thưởng tết khá hơn so với những nơi khác với mặt bằng trung bình từ 500.000 đ – 800.000 đ.
Mặc dầu vậy, ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, ở những địa bàn còn nhiều khó khăn thì mức thưởng tết cho giáo viên là rất eo hẹp hoặc không có. Nơi đây, vốn đã rất khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giao thông đi lại trong khi nguồn quỹ phúc lợi tích lũy được lại không nhiều. Nguồn thu chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước lại chỉ đủ chi trả lương cho giáo viên.
Ngoài ra, những trường đóng trên các địa bàn này rất khó gây dược các quỹ hỗ trợ khác do điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chưa có chính sách thưởng tết cho giáo viên từ cấp trên, một số trường đã “sáng tạo” để dành các khoản chi trả tiền thừa giờ, chấm bài, văn phòng phẩm, tiền thưởng cho các danh hiệu thi đua phát vào dịp cuối năm để giáo viên có thêm khoản tiêu tết.
Một số trường lại cho phép giáo viên được tạm ứng tháng lương kế tiếp. Được cấp tháng lương tiếp theo, nhiều giáo viên có tâm trạng phấn khởi bởi có thêm được khoản tiền mua sắm mấy ngày tết nhưng cũng canh cánh nỗi lo là sau tết không biết trông vào khoản nào để chi tiêu, lại phải rơi vào cảnh “no dồn đói góp”.
Còn nhớ, trong dịp chuẩn bị đón tết Kỷ Sửu năm 2009, Phó Thủ tướng – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ nỗi thiệt thòi của đội ngũ nhà giáo mỗi dịp tết về. Bức thư có đoạn viết: “Nền kinh tế đất nước hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các thầy, cô giáo… Bộ GD&ĐT thiết tha đề nghị các đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình góp phần làm cho ngày tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy, cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi tết đến…”.
Thực hiện lời kêu gọi trong bức tâm thư, các cấp, các ngành đã có những hành động nhất định trong việc chăm lo tết cho giáo viên. Tuy nhiên, khi “trông chờ” cả vào sự tự vận động của nhà trường và chính quyền địa phương thì vẫn diễn ra tình trạng “kẻ khóc, người cười”, nơi hỗ trợ nhiều, nơi hỗ trợ ít hoặc không có để hỗ trợ. Vậy là, việc người giáo viên được hỗ trợ một khoản cho “ra tấm, ra món” trang trải thêm trong ngày tết vẫn đang chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi.
Nên chăng, cần có một chính sách thực sự rõ ràng ở cấp độ vĩ mô để người giáo viên cũng được hưởng trọn niềm vui có tiền thưởng tết như bao cán bộ, công chức ở các ngành nghề khác. Một trong những giải pháp thiết thực có thể được tính đến là người giáo viên được nhận tháng lương thứ 13 như là một phần thưởng cho một năm miệt mài, lao tâm khổ tứ cho sự nghiệp “trồng người”.
Hiện cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên, khoản ngân sách chi trả cho tháng lương thứ 13 của giáo viên không phải là nhỏ. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” thì việc áp dụng giải pháp trên vẫn mang tính khả thi.
Theo đó, những trường đóng ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhà nước chi 100% ngân sách chi trả lương tháng thứ 13 cho giáo viên. Những trường đóng ở địa bàn thành phố, thị xã nơi có điều kiện kinh tế thuận lợi nhà nước chỉ hỗ trợ một phần theo tỷ lệ nhất định, số còn lại huy động từ nguồn lực xã hội hóa và nguồn ngân sách địa phương.
Giải pháp phát tháng lương thứ 13 cho giáo viên vào dịp cuối năm nếu được áp dụng trong thực tế sẽ tạo nên “cú hích” đáng kể về mặt tâm lý góp phần động viên khích lệ tinh thần người giáo viên yên tâm công tác, nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí - Giáo dục không phải là ngành kinh doanh, sản xuất, không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng sản phẩm của ngành đó chính là con người có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp để làm ra nhiều loại của cải vật chất, hơn thế con người còn là lực lượng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Đội ngũ giáo viên làm việc trong một ngành có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy không có lý gì lại chịu quá thiệt thòi trong mỗi dịp thưởng Tết so với nhiều lực lượng lao động khác. Vì vậy, Chính phủ ta cũng như ngành giáo dục và các cấp chính quyền cần tìm ra những biện pháp có tính khả thi để thực hiện chế độ thưởng Tết cho đội ngũ giáo viên, để các Thầy Cô giáo không phải ngậm ngùi mỗi khi Tết đến xuân về!