Chạnh lòng thưởng Tết giáo viên
(Dân trí) - Giáo viên lao động cật lực quanh năm suốt tháng mà thưởng Tết năm nào cũng “bèo”, thậm chí có nơi còn không biết đến khái niệm tiền thưởng Tết nhưng họ vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người.
Một thực tế tồn tại nhiều năm qua đó là các doanh nghiệp, ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế đều có tiền thưởng Tết và mức thấp nhất cũng là tháng lương thứ 13. Đối với các doanh nghiệp có tiềm lực như Ngân hàng, Bưu chính... thì mức thưởng lên đến hàng chục thậm chí cả trăm triệu đồng. Trong khi đó đối với ngành giáo dục thì sự thật là “không có quy định thưởng Tết cho giáo viên”.
Cái khái niệm giáo viên (GV) được “thưởng Tết” ngày nay đối ngành nhà giáo họa chăng chỉ là các trường tằn tiện chi tiêu để cuối năm còn dư ra một khoảng gọi là động viên tinh thần. Nhưng đáng buồn không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được điều đó cho dù đã nỗ lực hết mình.
Theo ông Vũ Văn Hán - giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu thì hiện nay các trường đều được tự chủ kinh phí theo Nghị định 43 của Chính phủ. Hàng năm ngân sách được rót về một lần cho các trường. Nếu trường nào quản lý chi tiêu tốt thì cũng có thể dư ra một khoản để thưởng Tết cho GV.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay ở cấp THPT thường có kết dư lớn hơn so với các cấp học THCS, tiểu học và mầm non. Theo các chuyên gia phân tích thì tiền kết dư nhiều hay ít phụ thuộc nhiều yếu tố: quy mô nhà trường, số lượng học sinh, sĩ số, bậc lương... Nếu trường ít học sinh, GV lớn tuổi nhiều đi đôi với bậc lương cao thì khó có phần kết dư. Trong khi đó quy mô trường THPT rất lớn, số học sinh cao hơn nhiều so với các cấp học dưới nên dẫn đến việc có kết dư nhiều hơn.
Nhưng trên thực tế điều này chỉ đúng với các trường THPT đóng trên địa bàn các thành phố hoặc những vùng thuận lợi. Ngoài việc có kết dư lớn hơn các trường này có thể tìm kiếm được nguồn thu như cho thuê địa điểm, chiết khấu phần trăm các hoạt động dạy thêm… Nhưng ở những nơi khó khăn, đặc biệt là vùng cao ngoài khoản tiền ngân sách thì các trường chẳng có khoản thu thêm nào.
Nhiều hiệu trưởng các trường vùng cao tâm sự với chúng tôi rằng, hàng năm chỉ lo tổ chức mấy cái khâu khai giảng, 20/11, sơ kết và tổng kết… cũng đã mệt bở hơi tai. “Tiền ngân sách rót về trường chủ yếu là để chi trả chi phí thường xuyên (trả lương cho GV) chứ lúc cấp có tính đến các khoản bên lề này đâu”, một hiệu trưởng trường THCS ở tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Là người từng gắn bó gần 10 năm với giáo dục vùng cao, ông Đồng Xuân Lợi - hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: “Từ ngày tôi ra công tác cho đến nay GV của trường chưa một lần được thưởng Tết. Ngân sách rót hàng năm luôn ở tình trạng cạn kiệt, thậm chí còn phải đề xuất xin thêm để trả lương cho giáo viên”.
Cũng theo ông Đồng, một trong những giải pháp mà các trường vùng cao thường làm mỗi khi Tết đến xuân về là cho GV nhận trước một tháng lương để chi tiêu dịp Tết bởi đa phần GV ở đây đều ở dưới xuôi lên, nếu chỉ cấp một tháng lương thì lúc về quê cũng “khó ăn khó nói”.
Khi được hỏi "Nhận lương trước thì sau Tết GV sẽ sống như thế nào?", hiệu trưởng Đồng Xuân Lợi dí dỏm chia sẻ: “Cũng may là đợt này được nghỉ Tết tương đối dài nên cũng bớt ảnh hưởng hơn. Ra Tết thì chắc cũng phải linh động phát lương tháng 3 sớm hơn thường lệ để GV còn có cái chi tiêu”.
Qua thông tin một số đồng nghiệp của chúng tôi đang thường trú ở các vùng khó khăn thì thời gian này các GV nơi đây cũng chẳng có thời gian để mà “chạnh lòng” với thưởng Tết. Ai cũng bận rộn trong việc đến từng gia đình để động viên học sinh quay lại lớp bởi giáp Tết nhiều em đều bỏ học ở nhà giúp gia đình. Cô giáo Lê Thị Thương đang công tác tại một xã khó khăn thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tâm sự: “Ở đây học sinh đến lớp là vui rồi chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng Tết” .
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, một GV ở tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn góp ý: “Năm nào tôi cũng thấy vấn đề này được đem ra bàn luận mổ xẻ nhưng cuối cùng vẫn chẳng giải quyết được điều gì. GV chúng tôi đã quen và chấp nhận với thực tế rồi. Mong rằng sẽ không phải nghe nhiều nhắc nhiều khiến người ta cảm thấy đáng thương cho nghề giáo nữa”.
Vâng, câu chuyện thưởng Tết GV có lẽ sẽ khó có lời kết trong thời gian một sớm một chiều. Nhưng chúng tôi vẫn muốn viết về vấn đề này bởi các thầy cô giáo chính là những người ươm mầm, đào tạo nên nguồn nhân lực cho đất nước, luôn bị chịu những áp lực trong quá trình công tác nhưng công sức của họ vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách xứng đáng.
Nguyễn Hùng