Đừng bắt các trường ĐH phải làm công tác xóa đói giảm nghèo!
(Dân trí) - “Đã đến lúc không thể buộc các trường đại học phải ôm công việc xóa đói giảm nghèo của xã hội dẫn đến việc ngân sách đầu tư của các trường vốn đã eo hẹp lại càng khó khăn hơn”.
Đó là ý kiến đề nghị thẳng thắn của ông Trần Xuân An, Trưởng ban Đào tạo Công tác học sinh-sinh viên Đại học Huế tại hội nghị tổng kết công tác học sinh-sinh viên các đại học vùng diễn ra tại Huế do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10/4.
Theo ông Trần Xuân An, hiện nay, mỗi năm các trường đại học phải thực hiện chế độ miễn giảm học phí cho hàng ngàn sinh viên (SV), đồng thời lại phải cấp không ít học bổng cho đối tượng SV thuộc hộ đói, nghèo.
Theo quy chế, SV thuộc hộ nghèo được miễn giảm 50% học phí, SV thuộc hộ đói được giảm 100% đồng thời được cấp học bổng hàng tháng. Ông Trần Xuân An đưa ra con số, trong năm 2007, Trường ĐH Nông lâm Huế có đến 32% SV trong số khoảng hơn 5.000 SV các khóa của trường được miễn giảm học phí vì thuộc diện hộ đói nghèo; Trường ĐH Khoa học Huế có khoảng 28% SV được miễn giảm học phí. Tính chung, ĐH Huế có khoảng 20% SV được miễn giảm học phí.
Với tỷ lệ này, các trường đại học không thu được hàng trăm triệu đồng từ học phí của SV - vốn là nguồn thu chủ yếu dành cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và đầu tư trang thiết bị của các trường. Ngoài ra, các trường còn phải lấy từ ngân sách một số tiền không nhỏ để cấp học bổng cho SV thuộc diện hộ đói, nghèo.
“Các chế độ khuyến khích, giúp đỡ cho học sinh, SV học tập là điều nên làm, nhưng không nên buộc các trường đại học phải gánh lấy việc giải quyết các chế độ này như hiện nay bởi trường đại học không phải là nơi thực hiện việc xóa đói, giảm nghèo của xã hội”, ông An nhấn mạnh.
Mua giấy chứng nhận hộ đói nghèo! Một lưu ý của ông Trần Xuân An được nhiều người quan tâm, đó là việc cấp giấy chứng nhận hộ đói, nghèo hiện chưa có tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Trong nhiều năm làm công tác quản lý học sinh-SV, ông An biết rất nhiều trường hợp SV đi mua giấy chứng nhận hộ đói, hộ nghèo để được miễn giảm học phí. “Có nhiều người tiết lộ với tôi rằng, chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng là được chính quyền địa phương (cấp xã, phường) cấp cho tờ giấy chứng nhận thuộc hộ đói, hộ nghèo. Việc bỏ ra 1,8 triệu đồng nộp học phí nếu so với việc chi 500 ngàn đồng cho “tờ giấy thông hành” trên thì SV rõ ràng hưởng lợi rất nhiều”, ông An cho biết. Trong khi đó, các trường đại học không thể kiểm tra được tính xác thực của chứng nhận này. Lý do là quy trình cấp giấy chứng nhận hộ nghèo đói quá dễ dàng, chỉ cần một chữ ký và đóng dấu của cán bộ xã là SV nghiễm nhiên được hưởng chế độ miễn giảm học phí. |
Sông Lam