Huế:

Dùng bằng Ngoại ngữ giả để được công nhận thạc sĩ

(Dân trí) - Một cán bộ đang công tác tại Trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế) bị phát hiện sử dụng bằng Ngoại ngữ giả để đủ điều kiện cấp bằng thạc sĩ. Sự việc đã được xử lý nhưng những người tố cáo giấu tên cho rằng hình thức kỷ luật quá nhẹ.

Theo đó, cán bộ bị vi phạm trên là bà Trần Thị Hoài Diễm (SN 1981, hiện đang là cán bộ công tác tại tại Phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế của trường ĐH Nghệ thuật thuộc ĐH Huế. Bà Diễm theo học lớp Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục tại trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế).

Tháng 8/2012, cán bộ này tốt nghiệp thạc sĩ và được cấp bằng. Đến tháng 10/2012, một số đơn thư nặc danh đã tố cáo cán bộ Diễm dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả để có đủ điều kiện được cấp bằng thạc sĩ. Sau khi ĐH Huế kiểm tra, đã phát hiện tấm bằng ngoại ngữ do một trường ĐH ở TPHCM cấp là không trùng khớp với hồ sơ gốc của trường ĐH đó lưu - chứng tỏ bằng giả.

Ngày 22/4/2013, Giám đốc ĐH Huế đã ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ của cán bộ Diễm. Lý do “Không đủ điều kiện tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành”. ĐH Huế cũng ra văn bản đề nghị trường ĐH Nghệ thuật có hình thức xử lý kỉ luật cán bộ Diễm do trường quản lý.

Quyết định thu hồi bằng thạc sĩ cán bộ Diễm của Giám đốc ĐH Huế.

Quyết định thu hồi bằng thạc sĩ đối với cán bộ Trần Thị Hoài Diễm của Giám đốc ĐH Huế.

Lãnh đạo trường ĐH Nghệ thuật đã có hình thức kỷ luật “Phê bình nhắc nhở” đối với cán bộ Trần Thị Hoài Diễm. Vào ngày 16/8 mới đây, một email không ghi rõ tên tuổi người tạo đã tiếp tục gửi đến lãnh đạo để phản đối với cách kỷ luật có phần nhẹ này.

“Là 1 Đảng viên lại sử dụng bằng giả trong học tập là 1 sự lừa dối có thể chấp nhận được không, trong cách xử lý có hình thức xử lý nào áp dụng không hay mọi cái đều được bao che trong chính quyền và trong đảng. Được ban giám hiệu trường ĐH nghệ thuật xem như không có việc gì thì ĐH Huế cũng xem như không có sự việc đó xảy ra trong hệ thống quản lý của mình thì kỷ cương pháp luật nằm ở đâu, sử dụng bằng giả 1 cách lừa đối như thế vẫn để tồn tại thì sự nghiệp giáo dục có còn được trong sạch hay không?” - trích nội dung từ email.

Sáng 19/8, PV Dân trí tại Huế đã có cuộc làm việc với TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật. TS. Bình cho biết, bà Diễm trước đây là sinh viên của trường được giữ lại, chính thứclà cán bộ của trường từ năm 2007. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã phê bình nặng về mặt Đảng đối với cán bộ trên, và cắt hết các thi đua trong Đảng. Nhiều cán bộ, giảng viên trong trường cũng đã góp ý, phê phán. Qua câu chuyện trên, nhà trường sau đó đã rút kinh nghiệm về quản lý cán bộ và là một bài học cho toàn thể cán bộ trong trường

 “Cá nhân cô Diễm đã nhận khuyết điểm về mình sâu sắc. Nguyên do dùng bằng ngoại ngữ giả theo cô Diễm trình bày là thời điểm đó mới sinh con, áp lực công việc lớn và có người rủ rê nên đã sử dụng bằng giả để đủ điều kiện được thạc sĩ”.

Trả lời câu hỏi về hình thức xử lý có phần nhẹ đối với cán bộ của mình mà bạn đọc đã phản ánh. TS. Bình trao đổi, “Trước đây, cô Diễm lúc còn là sinh viên đã được một số giải thưởng về mỹ thuật về tranh cổ động, có bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Cô Diễm sớm được kết nạp Đảng viên. So với các Đảng viên lớn tuổi thì cô Diễm có nhiều đề tài cấp bộ. Đây là một cá nhân tốt nên nói để đuổi việc cô thì nhà trường không thể.

Sau khi chuyện xảy ra, chúng tôi thấy cá nhân cô Diễm đã rất ân hận. Cô đã cố gắng quên đi mặc cảm, nhẫn nhịn chịu làm việc tốt và tự vươn lên, hoàn thành các công việc được giao như triển lãm tranh cổ động Bác Hồ - Lê Bá Đảng, Hội nghị khoa học sinh viên nghiên cứu ngành mỹ thuật toàn quốc… Cô sau này cũng đã thi lại bằng B Tiếng Anh do ĐH Ngoại ngữ cấp. Hiện cô đang hoàn thành một đề tài cấp bộ”.

Về hiệu lực xử lý kỷ luật, TS. Phan Thanh Bình cho rằng từ đó đến nay đã 1 năm rưỡi nên thời hiệu sửa đổi cũng đã hết. “Nếu bạn đọc góp ý có hình thức xử lý khác với cô Diễm thì phải nên có ý kiến sớm, chứ giờ vụ việc đã qua lâu rồi thì đã quá hạn lệnh sửa đổi. Với lại, một cá nhân đã bị tước bằng thạc sĩ, chịu nhiều ý kiến dư luận không tốt và luôn gắng sửa sai, chúng tôi thiết nghĩ, dư luận nên tha thứ cho cô ấy”.

Đại Dương