Đứa con của “mái ấm Đồng Cảm” vào đại học
(Dân trí) - Đời các mẹ gắn liền với tấm vé số để Đặng Thị Thu Thảo và các em được ăn học. Nay cô học trò mồ côi cha đã cầm tấm vé bước vào đại học nhưng còn biết bao thử thách đợi chờ đứa con của “mái ấm Đồng Cảm”...
Ai cũng có một người mẹ nhưng Đặng Thị Thu Thảo (18 tuổi, ở Hóc Môn, TPHCM) lại có nhiều mẹ. Một người mẹ mang nặng đẻ đau và các mẹ ở mái ấm Đồng Cảm cùng nuôi nấng, bảo ban Thảo.
Hai mẹ con Thảo ở trong ngôi nhà của chị Văn Thị Hoài Thương (46 tuổi) tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM. Những mảnh đời khuyết tật, lang thang cơ nhỡ từ nhiều nơi cùng nhau nương tựa nơi đây. Cái tên “mái ấm Đồng Cảm” cũng do họ tự đặt ra, chứ những con người ít chữ ấy đâu biết đến việc phải xin giấy phép ra làm sao.
Đó là ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong những con hẻm lầy lội mùa mưa, ban ngày vắng lặng nhưng chiều về lại rộn rã tiếng cót két của xe lăn, tiếng bước chân khập khiễng, tiếng xe ba bánh giòn giã của những chị em đi bán vé số trở về. Họ lách cách nấu bữa cơm chiều đạm bạc, hỏi han nhau: “Hôm nay bán được nhiều không? Còn dư mấy vé?”, hay ấm ức kể chuyện đi bán vé số bị giật, bị lừa…
Ban ngày bán dạo, tối đến họ tranh thủ làm hàng gia công. Mấy chị em ai cũng chăm chỉ làm lụng để mong thoát nghèo và cho con cái học hành tử tế. Và Đặng Thị Thu Thảo cùng 5 đứa em khác mẹ, khác cha là thế hệ tiếp theo của những mảnh đời chắp vá ấy.
Chị Hoài Thương kể: “Hơn 20 năm trước, tụi tôi dựng lều ở nghĩa trang bên quận 2. Mẹ bé Thảo gặp ba của bé đi bán vé số trên phà Thủ Thiêm, xin theo về ở chung. Lúc đó tôi lo lắm, tôi nói: Thắng à, liệu nhỏ đó có thật lòng không? Nó lành lặn sao lại chịu theo người tật nguyền như mày?. Không ngờ 2 đứa nó lấy nhau thật. Sau này ba Thảo bị bệnh qua đời, hai mẹ con Thảo vẫn ở với tôi tới giờ”.
Từng quyển sách, cuốn vở, tấm áo dài trắng để Thảo đi học đều do chị Hoài Thương đi xin về, vì chị là người có khiếu “ngoại giao” nhất. Có thời gian mái ấm chen chúc đến 26 người, chị Thương phải đi xin gạo ở chùa hay nhà thờ đem về nấu cơm chung, xin thuốc men từ thiện cho các cụ già, cháu nhỏ…
Chiếc giường trở thành bàn học của Thu Thảo.
Học bài xong, em tranh thủ kết cườm tạo thành những chiếc móc gắn chìa khóa xinh xắn.
Tuy bệnh tật dày vò nhưng Hoài Thương vẫn cố tỏ ra lạc quan. Chị vẫn cười, vẫn gọi đùa các chị em là người mẫu, bác sĩ, họa sĩ… và động viên bé Thảo phải theo đuổi việc học tới cùng.
Số tiền đóng đầu năm học cho Thảo là tiền vay từ đại lý vé số. Trường học xa nhà, ngày nào cô bé Thảo cũng dậy từ 5 giờ sáng để đón xe buýt. Tối về, em lại mày mò với từng sợi chỉ, hạt cườm để xâu thành những vòng tay, móc gắn chìa khóa… cùng các chị, các mẹ. Mùa hè vừa qua, Thảo còn đi phụ bán quán cà phê nhưng phải ngưng công việc đó vì vào năm học rồi.
Thảo chỉ có một mơ ước: “Em phải quyết tâm sau này tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm để tiếp tục lo cho mái ấm, lo cho đàn em. Hiện giờ có 2 em học phổ thông còn 3 bé đang đi mẫu giáo. Các em em rồi sẽ có công ăn việc làm tử tế, không phải đi bán vé số như các mẹ, các chị nữa.”.
Nhưng để đạt được ước mơ đó, Đặng Thị Thu Thảo cùng gia đình khuyết tật của em phải vượt qua chặng đường dài phía trước. Chặng đường ấy sẽ nhiều chông gai khi sức khỏe của chị Thương - cây trụ cột của mái ấm đang suy kiệt, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên những tờ vé số hàng ngày vẫn đi khắp huyện Hóc Môn trên những bàn tay, đôi chân không lành lặn.
Hồng Nhung