Đủ kiểu động viên “thi đỗ” làm trẻ khiếp đảm
(Dân trí) - Cho rằng con mình là giỏi nhất, kể lể công lao, chăm sóc con một cách thái quá… là những kiểu động viên gây áp lực cho trẻ mà không ít phụ huynh áp dụng trong mùa thi cử.
“Chỉ lo con không đỗ thủ khoa”
Từ ngày cô con gái học lớp 5 chính thức công cuộc ôn luyện để thi lớp 6 trường chuyên, chị Trần Ngọc Duyên, ngụ ở Q.1, TPHCM ra sức động viên con bằng đủ lời ca ngợi. Việc con thi vào ngôi trường chuyên danh giá, chị thông báo với tất cả người quen như thể cháu đã đỗ. Mà với chị, đúng là như thế thật.
Những lúc chờ con trước trung tâm luyện thi, chị luôn miệng khoe với các phụ huynh, con mình học giỏi 5 năm liền, luôn trong top “ngôi sao sáng” của trường tiểu học có tiếng nhất nhì thành phố. Việc con đỗ vào trường chuyên là hiển nhiên, điều chị lo chỉ là… con không đỗ thủ khoa. Các đề thi các năm trước hay đề thầy cô giao về, con chị đều giải ngon ơ.
Với con, chị thường xuyên nói việc thi vào trường chuyên là dễ ợt rồi lên kế hoạch tổ chức liên hoan sau khi con thi đỗ, sẽ đặt ở nhà hàng nào, mời những ai. Cũng có người nhắc “nói trước bước không qua”, chị Duyên nói: “Phải như vậy mới khích lệ được cháu học tập và quyết tâm đỗ bằng được”.
Vợ chồng anh Đức lại thường xuyên đưa cô chị đã từng học ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong để động viên cậu con trai tiếp bước chị. Họ thường xuyên nói với cháu rằng, chị gái học không giỏi bằng còn đỗ thì chẳng có lý do gì không cháu không vào được. Việc cháu đăng ký thi vào đây cũng do anh chị quyết định, còn cậu con chỉ muốn thi vào một trường bình thường.
Có lúc đứa con bóng gió nói về việc nếu không đỗ vào trường chuyên bị bố mẹ gạt đi ngay. Kể cả lúc cháu đã thi xong, đang lo lắng chờ kết quả, họ vẫn trấn an bằng những lời lẽ chắc nịch: “Đỗ chứ sao không, trượt bố mẹ không dám nhìn mặt ai”.
Phải đỗ để trả công
Đang thời gian ôn thi đại học, em Trần Thị Hảo đã nhiều lần tìm đến trung tâm tư tấn tâm lý ở Q.3, TPHCM khi thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, không muốn ăn uống. Hảo mơ hồ về sự lo lắng của mình nhưng em biết rõ nỗi sợ hãi mỗi khi trở về nhà đối diện với bố mẹ.
Từ lâu, bố mẹ Hảo rất hay “kể công” về việc nuôi dạy con cái và đến ngày em sắp thi đại học, mức độ càng lớn. Chuyện ngày trước thiếu nợ để con ăn học, cho con học thêm ở các trung tâm uy tín, đắt tiền, không để con thiếu thốn thứ gì… được bố mẹ nhắc đi nhắc lại thường xuyên.
Với bố mẹ Hảo, chỉ có một cách để em trả nổi công lao đó là phải đỗ đại học. Còn không thì chẳng những phụ công sức đó mà còn làm bố mẹ ê chề, mất mặt.
Một học sinh khác đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn chuẩn bị thi vào đại học lại ám ảnh mỗi khi tới bữa ăn. Cho dù nhiều tháng nay, này nào mẹ em cũng tỉ mỉ chuẩn bị từng món ăn, toàn đặc sản được người mẹ tìm hiểu là để thông minh, tăng trí nhớ…
“Không chỉ ngán mà em hoảng nhất là mỗi khi bê đồ ăn vào tận bàn học, mẹ luôn kèm lời nhắn nhủ: “Mẹ chăm thế này, mỗi việc thi mà không đỗ thì còn làm được gì”, cậu học trò nghẹn ngào.
Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con, dốc hết tất cả vì con, mỗi đứa trẻ cũng cần biết điều này. Tuy nhiên, sự kể lể, than vãn không khác nào phụ huynh đang dùng tình thương, trách nhiệm của mình để đòi hỏi và “mua chuộc” sự trả công từ con trẻ.
Thay vì khích lệ thật sự, các chuyên gia tâm lý cho hay, phụ huynh dễ gặp lỗi dùng những lời lẽ, cách thứ họ nhầm tưởng là động viên nhưng lại chứa đựng sự hù dọa như con phải đỗ bằng được, không đỗ thì ê mặt bố mẹ, đỗ rồi thích gì bố mẹ cũng chiều… Điều này vô tình đẩy tre vào thế không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thi đỗ.
Bố mẹ quá chú trọng đến việc dạy con phải chiến thắng mà quên mất việc giúp con vượt qua thất bại cũng quan trọng không kém. Đó cũng là lý do khi kết quả thi không ưng ý, các em có những hành vi tiêu cực để trốn tránh.
Sự quan tâm của gia đình đối với việc học con cái là cần thiết nhưng theo cô Đàm Lê Đức, phó hiệu trưởng Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng là phải phù hợp. Còn nếu không, trẻ đang mất đi động lực học tập cho bản thân mà các em nghĩ rằng mình đang học, đang thi cho bố mẹ.
Lê Đăng Đạt