Du học sinh quốc tế - Nạn nhân của lừa đảo bán vé máy bay mùa dịch
(Dân trí) - Các trang web bán vé máy bay “chợ đen” chính là những cái bẫy giăng sẵn để đợi du học sinh tự bước chân vào.
Tất cả những gì mà Nicole Ma muốn làm ngay bây giờ là “được về nhà”.
Nữ du học sinh năm nhất người Trung Quốc hiện đang theo học tại trường Đại học Syracuse (New York, Mỹ) cảm thấy rối bời khi chứng kiến đại dịch Covid-19 ập đến nơi cô ở.
Ký túc xá đóng cửa vô thời hạn, lớp học chuyển hết sang hình thức trực tuyến, và số ca lây nhiễm ở New York cứ tăng lên vùn vụt hàng ngày. Nicole Ma không thấy còn bất cứ lý do nào để ở lại nước Mỹ.
Thế nhưng, cô lại đang bị mắc kẹt. Chỉ một số ít chuyến bay của các hãng hàng không được phép khai thác đường bay Mỹ - Trung và Nicole Ma không thể book được chiếc vé nào.
Thật ra, cô cũng đã cố gắng mua được tới 4 chiếc vé từ website của các hãng lữ hành uy tín nhưng rồi cũng chỉ nhận được các email xin lỗi cho các chuyến bay bị hủy mà không ấn định được ngày bay trở lại.
Lo lắng, hốt hoảng, và tuyệt vọng, Nicole Ma thử vận may bằng cách xới tung mọi ngóc ngách trên internet, và cuối cùng tìm thấy trang web của một công ty “có vẻ đáng tin cậy”.
Sau các thao tác đăng ký, cô đã nhấn lệnh chuyển hơn 4.000 USD (khoảng 93 triệu đồng) từ tài khoản ngân hàng của mình cho chủ trang web với niềm hy vọng tràn trề. Và rồi, tiền thì một đi không trở lại, còn những chiếc vé máy bay thì vẫn đang ở đâu đó giữa thinh không.
Giờ nghĩ lại, cô cảm thấy mình thật sự ngốc nghếch để bị lừa một cách quá dễ dàng. “Nhưng ngay thời điểm đó, tôi đã quá lo lắng đến mụ mị đến nỗi không thể nhận ra bất cứ điều gì khả nghi với những trang web như vậy”, Ma cho biết.
Thật ra, Ma không phải là trường hợp cá biệt. Ngay từ những ngày đầu tháng Tư khi dịch Covid-19 bùng phát và bắt đầu lan khắp toàn cầu thì đã có hơn 85% trong số 1.6 triệu du học sinh Trung Quốc nhập học các khóa trong năm 2020 đang bị mắc kẹt tại nước ngoài.
Trong số đó, hơn 10.000 du học sinh đang theo học tại các trường đại học ở California, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bang khác trên nước Mỹ. Chưa kể hàng triệu người Trung Quốc đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới cũng đang nóng lòng muốn trở về nhà.
Cũng vào thời điểm đó (từ cuối tháng Ba), Trung Quốc bắt đầu thực thi các biện pháp hạn chế đến mức cao nhất đối với việc cho phép các chuyến bay đi và đến Trung Quốc. Có thể nói là cánh cửa cho người dân Trung Quốc đang ở nước ngoài đang bị đóng chặt lại.
Và ngay lập tức, những kẻ lừa đảo chớp lấy cơ hội ngàn năm có một này để trục lợi. Khi mà số liệu về người dân bị lừa đảo không thể thu thập được một cách đầy đủ thì càng ngày càng có nhiều hơn những lời chỉ trích gay gắt của dân chúng trên mạng xã hội của Trung Quốc về việc nhà chức trách đã quá chậm chạp trong việc xử lý và ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến xảy ra giữa mùa đại dịch.
Khi mà số lượng công dân Trung Quốc đang bị mắc kẹt ở nước ngoài quá cao thì những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc hỗ trợ người dân chỉ như muối bỏ bể.
Cho dù theo báo cáo, các đại sứ quán của Trung Quốc ở nước ngoài đã phân phát hơn 500.000 bộ kit bảo vệ sức khỏe (bao gồm cả khẩu trang và dung dịch rửa tay), cũng như liên tục tổ chức các khóa học online hướng dẫn cách thức phòng chống dịch cho công dân của họ.
Hàng chục chuyến bay giải cứu được chính phủ Trung Quốc thực hiện để đưa công dân Trung Quốc từ Mỹ trở về nhà, trong đó có hơn 7.000 du học sinh.
Với những người không may mắn như Ma thì họ đành phải tự lực cánh sinh để cứu mình. Và các trang web bán vé máy bay “chợ đen” chính là những cái bẫy giăng sẵn để đợi họ tự bước chân vào.
Letitia Wang là một trường hợp tương tự khi tự mình phải xoay xở trong tình cảnh rối ren này. Cô đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật thuộc trường Đại học Nam California, đã nộp hồ sơ xin việc ở phòng thí nghiệm trong trường, nhưng cuối cùng cô quyết định hồi hương khi virus tấn công và hầu như chiếm lĩnh toàn bang nơi cô đang ở.
Rất may cho Wang khi cô không bị sa lầy như trường hợp của Ma ở trên. Wang liên tục được nhắc (tag) vào các bài đăng trên Facebook từ các nhóm du học sinh cảnh báo về tình trạng lừa đảo mua vé máy bay trực tuyến.
Có một người môi giới đã nhắn vào Facebook Messenger của Wang mời chào cô mua một tấm vé hạng tiết kiệm bay từ San Francisco đến Thượng Hải với giá gần 11.500 USD (khoảng 267 triệu VND).
“Tôi đã cảm thấy có điều gì bất ổn ở đây”, Wang nói. “Chi quá nhiều tiền cho một chiếc vé máy bay khiến tôi trông có vẻ giàu có và ngu xuẩn”.
Vì vậy, mặc dù rất nóng lòng muốn được trở về nhà, Wang đã quyết định không mạo hiểm. Thay vào đó, cô đã chọn mua một chiếc vé trực tiếp từ hãng hàng không mà không thông qua trung gian hay các đại lý.
Tất nhiên là với tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp như hiện nay thì chuyến bay chỉ có thể khởi hành vào cuối tháng 10, hoặc thậm chí là trể hơn nếu tình trạng “ngăn sông cấm chợ” giữa các quốc gia vẫn được duy trì hay có thể bị thắt chặt hơn.
Tiffani Tian, 20 tuổi, là một nhân viên môi giới chuyên bán vé máy bay cho biết, nhu cầu tăng đột biến như hiện nay khiến cô khó có thể trữ được thêm nguồn vé bay về Trung Quốc cho dù công ty của cô vốn có mối quan hệ hợp tác làm ăn lâu dài trực tiếp với các hãng bay. Vé sẽ bị “bốc hơi” ngay khi vừa được tung lên website của công ty bởi hàng ngàn “thợ săn” bất đắc dĩ như Ma và Wang.
Chính vì thế, bên cạnh những doanh nghiệp lữ hành và đại lý làm ăn đàng hoàng thì vẫn tồn tại nhiều tổ chức lẫn cá nhân lừa đảo núp bóng các đại lý bán vé máy bay online trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Weibo ở Trung Quốc và Twitter, Facebook ở những nơi khác.
Một điều đáng ngại là những tài khoản lừa đảo như vậy lại có hàng chục ngàn followers (người theo dõi), và những post với thông tin họ đưa lên mạng thì trông rất thực và đáng tin cậy khiến không ít người đã bị sập bẫy khi phải trả tiền mua những những chiếc vé nhưng chúng sẽ mãi mãi không bao giờ được giao đến tay họ.
Và giờ đây, khi mà tình hình dịch bệnh vẫn xấu đi hàng ngày cùng với sự quay trở lại của làn sóng thứ 2 với những con virus corona có biến thể mới, hàng chục ngàn người Trung Quốc nói riêng và của các nước khác vẫn đang hàng ngày săn lùng một chiếc vé máy bay để mong được hồi hương.
Trong số đó sẽ có nhiều người dở khóc dở cười, thậm chí tuyệt vọng với những tấm vé máy bay giả mạo cùng những chuyến bay không bao giờ cất cánh.
Giữa tháng 7/2020, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã đưa ra thông báo khuyến cáo người dân cần đặc biệt cảnh giác với những đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay về nước không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tâm lý nôn nóng được trở về Việt Nam của hầu hết người dân đang học tập, làm việc ở nước ngoài, đã xuất hiện một số đối tượng giả mạo là đại diện của Vietnam Airlines thực hiện các hanh vi lừa đảo.
Vietnam Airlines cho biết, các đối tượng nêu trên gửi các lời mời mua vé bay từ nước ngoài về Việt Nam cho người dân qua email, tin nhắn, mạng xã hội... Những lời mời này đi kèm các thông tin giả nhưng rất chi tiết để tạo độ tin cậy cho người nhận, như đưa ra đầy đủ số hiệu chuyến bay, hành trình, mức giá, các bước chuyển khoản, xác nhận...
Vietnam Airlines lưu ý người dân không mua vé máy bay về nước từ những đối tượng không rõ danh tính hay các lời đề nghị không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho các tài khoản đứng tên cá nhân.
Đối với những công dân khi có nhu cầu về Việt Nam cần đăng ký với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng quyết định.