Du học sinh kể chuyện “Jet lag”
(Dân trí) - Gần như với bất cứ du học sinh đi học xa nhà nào, điều đầu tiên phải làm quen chính là “Jet lag” - thay đổi múi giờ.
Nhiều người không tin là có Jet lag, nhiều người không biết Jet lag thế nào, cách nào để vượt qua khoảng thời gian “khốn khổ” này? Dưới đây là trải nghiệm của bạn Nhàn Văn – một du học sinh Việt đã trải qua những vụ jet lag ở hai nửa bán cầu.
Ở Mỹ ngủ giờ… Việt Nam
“Chuyện mà hồi xưa đến giờ mình không tin, cho là mọi người “làm màu”!!! – Vì trước đây, mình có bao giờ bay khỏi châu Á đâu. Trước khi đi Mỹ, mình còn chưa bay đi đâu quá 4 tiếng”.
Ba bữa đầu qua Califonia, mình phơi phới: Mở màn là đi siêu thị Bevmo và khuân về cơ man nào là đồ ăn. Đặc biệt, mình mua thêm… bốn gói khô bò bự ăn cho đã thèm. Rồi sau đó về nhà nấu ăn, “tám” chuyện trên trời dưới đất, đến khuya đi ngủ như bình thường. Mình nói: “Làm gì có jetlag chứ, mình thấy mình thường, mọi người chỉ làm quá thôi!”.
Thế nhưng, sang ngày thứ tư kể từ khi đặt chân đến nước Mỹ thì câu chuyện đã khác hẳn. Hôm đó, tầm 3-4 giờ chiều, mình buồn ngủ đễn nỗi mắt mở không lên. Được gợi ý đi “làm một giấc buổi chiều”, thế là mình bỏ bếp đi ngủ. Đến khi thức dậy là 6:30 tối, trong bếp mùi đồ ăn đã tỏa ra ngào ngạt. Thế là dù hơi xấu hổ vì không tham gia nấu nướng gì, ngủ một mạch đến giờ ăn nhưng mình cũng đã có một bữa cơm tối rất ngon lành. Chỉ hiềm nỗi, từ đó về sau, liên tục mấy ngày liền, cứ đến 4h chiều ở Mỹ là mình… chui vô chăn ngủ, lúc đó là 1h sáng Việt Nam.
Sang Nhật quen giờ Mỹ
Khi có dịp thăm Tokyo một tuần, mình mừng thầm vì thời gian khá dài, khả năng cơ thể tự điều chỉnh múi giờ cũng sẽ không quá khó khăn. Nhưng chuyện cũng không hề đơn giản. Cứ hễ tới 7-8g tối, khi mọi người vượt bao trạm tàu và cuốc bộ trong gió lạnh, đến giờ ăn thì mắt mình cứ ríu hết lại, mở không nổi vì quen ở Mỹ giờ này đang là ban đêm. Thật may là nhờ đồ ăn ngon, lại đặt sẵn trước mặt nên mới cưỡng loại cơn buồn ngủ và không… gục mặt vào đĩa thức ăn lần nào.
Về Việt Nam ngủ giờ ở Mỹ
Cứ ngỡ đi lại nhiều, mình sẽ quen dần với “jetlag”, vậy mà không phải. Đợt về nước dịp Tết rồi, thêm một lần nữa mình “nếm trải” cái gọi là hội chúng thay đổi múi giờ. Sau bữa ăn ấm cúng cùng gia đình, do có nhấp một chút đồ uống có men, mình đi ngủ sớm. Ai dè, mãi không ngủ được. Phải đến tận 1h sáng bên Mỹ, giờ đi ngủ của mình, mình mới ngủ được. Thế là hóa ra Tết Việt lại… ngủ ngày.
Nhàn Văn – Hải Anh