Du học Singapore ký sự

Một nền giáo dục hàng đầu thế giới với ngôn ngữ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về học tập và làm việc tại Singapore. Điều đó đã giúp quốc gia này thịnh vượng và luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong mọi chỉ số liên quan tới con người.


Học sinh nhận học bổng A*Star đến từ Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc cùng các cô giáo ra đón tại sân bay Changi, Singapore.

Học sinh nhận học bổng A*Star đến từ Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc cùng các cô giáo ra đón tại sân bay Changi, Singapore.

Bài 1: Ở nơi nguồn lực duy nhất là con người

Sân bay Changi hôm ấy, đâu chỉ có những cô cậu học trò từ Việt Nam vinh dự nhận học bổng A*Star, mà là nơi tụ hội của nhiều học sinh tài năng khác đến từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia…

Đất nước trọng dụng nhân tài

Trên chuyến bay của Vietnam Airlines cuối tháng 10 vừa qua, từ Hà Nội sang Singapore, có 10 học sinh lớp 9 Việt Nam, 5 nam và 5 nữ giành học bổng toàn phần A*Star lên đường sang quốc đảo sư tử du học. Tới sân bay Changi, chắc do các em mới 14 tuổi và hầu hết đều không có bố mẹ đi cùng nên thủ tục nhập cảnh rất lâu. Ra đến khu vực nhận hành lý, chỉ còn lại đúng 10 chiếc va li cuối cùng trên băng chuyền là của các em. Ấy vậy mà, phía ngoài kia các thầy cô từ những trường phổ thông nổi tiếng của Singapore vẫn nhẫn nại, chu đáo và rất ân cần, niềm nở đón chào các học sinh tài năng đến từ Việt Nam.

Gặp và trò chuyện với các du học sinh này, đa số mới 14 tuổi, tôi chợt nhớ tới bài phát biểu ấn tượng của bà Đại sứ Singapore cách đó 2 tuần tại buổi gặp gỡ với các học sinh và phụ huynh Việt Nam nhận học bổng ASEAN và A*Star. “Ở Singapore chúng tôi rất coi trọng giáo dục. Là một quốc đảo nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, con người là nguồn lực duy nhất, vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực trong việc phát triển con người… Đất nước Singapore luôn coi trọng người tài. Điều này có nghĩa là mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay xuất thân đều có cơ hội bình đẳng để tiến bộ hơn nữa”, Đại sứ Catherine Wong nói.

Chính nhờ quốc sách về giáo dục và trọng người tài như thế, không ngạc nhiên khi quốc đảo này với dân số chỉ hơn 5 triệu người, diện tích chỉ nhỉnh hơn đảo Phú Quốc của ta chút xíu (718 km2 so với 589 km2), ấy vậy mà GDP khoảng 300 tỷ USD, lọt vào top 3 quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người. Một nền giáo dục hàng đầu thế giới với ngôn ngữ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về học tập và làm việc tại Singapore, đã giúp quốc gia này thịnh vượng và luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong mọi chỉ số liên quan tới con người.

Chả thế mà vợ chồng cô bạn người Singapore trong lúc lái xe đưa chúng tôi dạo một vòng quốc đảo cho hay, dân Singapore không quan tâm nhiều tới chính trị bởi họ có đủ mọi thứ, từ an ninh cho tới phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, việc làm… Ngẫm ra thấy có lý, bởi một khi mọi công dân được sống trong một quốc gia an lành, trong sạch và thịnh vượng như vậy, lại được thụ hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt hàng đầu thế giới, đó chính là đức tin về chính trị.

Chiếc xe buýt của trường nữ sinh Singapore Chinese Girl School (SCGS) đón các nữ sinh nhận học bổng A*Star đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia…lao vun vút trên những con đường rợp bóng cây, sạch sẽ và ngăn nắp đến ngạc nhiên. Tới ký túc xá Oldham Hall trên đường Barker Road, nơi các em sẽ ăn ở và sinh hoạt trong suốt những năm học tại SCGS. Đây là một khu vực yên tĩnh, tràn ngập cây xanh và tập trung nhiều trường học chất lượng cao ở Singapore. Xe vừa trờ tới cổng ký túc xá, hàng chục chị học sinh những năm trên đủ mọi quốc tịch đợi sẵn ùa ra đón, mỗi người một tay tíu tít khuân đồ lên phòng cho các em.


Trường nữ sinh SCGS. Ảnh : Việt Hùng.

Trường nữ sinh SCGS. Ảnh : Việt Hùng.

Tâm sự người trong cuộc

Hoạt động tình nguyện giúp đỡ các em học sinh mới đã trở thành truyền thống ở đây. Trước khi sang các chị lớp trên đã chủ động liên lạc dặn dò và sẵn sàng trả lời đủ mọi thắc mắc băn khoăn cho các em. Ngay hôm sau, đúng vào thứ 7 được nghỉ học, các chị học sinh Việt Nam dẫn 5 nữ sinh mới sang làm quen với hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm và mua sắm những đồ dùng cần thiết.

Suốt hai ngày nghỉ cuối tuần, chị mới 15,16 còn các em mới 14, cứ thế “cô chị dìu cô em”, hết đi bộ lại lên xe buýt rồi xuống tàu điện ngầm dọc ngang khắp nơi để tự sắm sửa mọi thứ, từ đôi giày dành cho học sinh (quy định phải màu trắng) tới sim điện thoại, thẻ đi tàu xe, đồ dùng học tập, sách vở…

Nhìn những khuôn mặt học trò ngây thơ còn “búng ra sữa” sải những bước chân đầu tiên trên con đường du học nơi đất khách quê người, nơi chúng bắt đầu hành trình phải tự lập và lo liệu mọi thứ cho mình, từ chiếc bàn chải, tuýp kem đánh răng cho tới giày dép, quần áo, hệt như một người trưởng thành ra ở riêng, khóe mắt tôi cay xè… Dẫu vẫn biết đó là những trải nghiệm cần thiết và quý giá để trở thành công dân toàn cầu trong thế kỷ 21, điều mà nếu các con còn ở trong nước với bố mẹ chắc không thể nào có được.

Nghe nói đêm đầu tiên ở ký túc xá, nhiều bạn đã ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Một cô bé trong đoàn, chắc do nhớ mẹ quá khóc nhiều, hôm sau đi chơi mắt mũi vẫn còn sưng húp, khuôn mặt thẫn thờ ngơ ngác như gà con lạc mẹ, nhìn rất thương.

Ở Hà Nội, tuổi này đa số các con vẫn còn trong vòng tay bao bọc của gia đình, còn thụ động ngồi sau lưng bố mẹ trên xe máy rong ruổi trên những con đường nêm chặt người xe để tới trường, để đi học thêm và thậm chí cả đi chơi với bạn bè cũng bố mẹ đón đưa.


Khánh Ngọc và Minh An (phải), hai nữ sinh Việt Nam đang theo học tại SCGS diện học bổng A*Star.

Khánh Ngọc và Minh An (phải), hai nữ sinh Việt Nam đang theo học tại SCGS diện học bổng A*Star.

Minh An, cô nữ sinh Hà Nội có giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng năm nay 16 tuổi, đã học tại SCGS được 2 năm, khi kể với tôi về những ngày đầu khó khăn lúc mới sang, đôi mắt to tròn đen láy của em bỗng hoe hoe đỏ… An chia sẻ, “ở nhà mọi người cứ nghĩ đi du học là một điều gì đó rất hào nhoáng, ai cũng bảo sướng thế, nhưng thực ra không phải vậy. Có cái khổ chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Song đó là những trải nghiệm rèn cho mình thêm nghị lực”.

Minh An kể rằng, buồn và nhớ nhà nhất là mỗi khi bị ốm, phải tự mình đi ra khu Novena – nơi tập trung nhiều phòng khám và bệnh viện nhất Singapore – để khám bệnh và xin giấy nghỉ học.

Năm đầu An bị stress vì mọi thứ đều bỡ ngỡ, vì áp lực học hành khá nặng, lại không biết cách quản lý thời gian để cân bằng giữa các hoạt động ngoại khóa và học tập (hiện An là Chủ tịch một CLB dành cho du học sinh của Bộ GD-ĐT Singapore, lãnh đạo CLB Chữ thập đỏ của trường SCGS). “Bị stress khổ lắm, khi ấy mỗi ngày cháu đều viết 1 trang nhật ký, bây giờ đọc lại thấy rất buồn”, An nói.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua. dịp nghỉ Noel được về nhà chơi với mẹ, được gia đình động viên khích lệ, khi quay sang An lại thấy mọi việc đều ổn thỏa và tự tin trở lại. An đúc rút rằng: “Chính bố mẹ là người luôn bên cạnh mình mỗi lúc khó khăn, hãy mạnh dạn chia sẻ mọi điều cả tốt lẫn xấu, cả vui lẫn buồn. Bố mẹ là những người có kinh nghiệm sẽ đưa ra lời khuyên hiệu quả nhất giúp ta vượt qua”.

Khánh Ngọc, cô nữ sinh lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam mới sang SCGS được 1 năm, nom khá rắn rỏi và bản lĩnh, chia sẻ: “Một số bạn mới sang hay gặp vấn đề về tâm lý bởi vì các bạn ít chia sẻ với bố mẹ hay các anh chị lớn tuổi. Bạn bè cùng phòng đều ít tuổi nên cũng không giúp được gì, chuyện cứ tích tụ dần rồi đến một ngày sẽ bùng phát”...

Chao ôi, mới 15 -16 tuổi mà các em đã có những trải nghiệm, những suy tư và sẻ chia như người lớn, thậm chí như một nhà hiền triết! Phải chăng, những năm tháng học hành và tự lập nơi đất khách đã giúp những cô bé, cậu bé tưởng chừng còn rất non nớt trong vòng tay bao bọc của bố mẹ lúc ở nhà, nhanh chóng trưởng thành, biết tư duy độc lập, biết phân tích và nhận định đúng sai một cách sắc sảo.

Nói chuyện với một chuyên gia giáo dục Singapore, mới biết rằng đó chính là một trong những mục tiêu rất cụ thể mà nền giáo dục quốc đảo này đặt ra, được văn bản hóa rõ ràng trên trang web chính thức của Bộ GD-ĐT Singapore.

Kết quả chung nhất mà nền giáo dục đảo quốc này muốn có ở mỗi công dân của mình được mô tả trong những dòng như sau: “Đó là người có một khả năng tự nhận thức tốt, một sự tử tế, cùng các kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể đương đầu với những thách thức trong tương lai. Một người có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước. Luôn biết trân trọng vẻ đẹp của thế giới xung quanh mình, sở hữu một trái tim và cơ thể khỏe mạnh và có niềm say mê cuộc sống.

Nói tóm lại, đó là một con người tự tin: có giác quan mạnh mẽ về cái đúng và cái sai, có khả năng thích nghi, kiên cường, biết mình, có tư duy sáng suốt, độc lập và phản biện, giao tiếp hiệu quả; một người học tự định hướng: chịu trách nhiệm về việc học của mình, những người biết đặt câu hỏi, phản ánh và kiên trì theo đuổi việc học; một người đóng góp tích cực: biết làm việc nhóm hiệu quả, thực hành sáng kiến, biết tính toán rủi ro, sáng tạo và phấn đấu đạt được sự xuất sắc.

(còn nữa)

Theo Việt Hùng

Tiền phong