“Đốt” thời gian cho buôn chuyện và ngủ

(Dân trí) - Luôn mồm kêu ca “không có thời gian” nhưng thực tế phần đông sinh viên thiếu thời gian vì “dính” phải những “căn bệnh rất sinh viên”. Điển hình nhất là bệnh buôn chuyện và ngủ.

“Đốt” thời gian cho buôn chuyện và ngủ - 1
Ngủ, bệnh nan y của sinh viên?! (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
 
“Nghiện” buôn chuyện

Chưa đến 4 giờ chiều, trong khuôn viên các trường ĐH luôn có những nhóm tụm năm tụm bảy. Đó là sinh viên ở những lớp học được nghỉ tiết, “tranh thủ” thời gian để buôn chuyện với nhau. Từng nhóm một cùng ngồi tỉ tê, từ chuyện “như con kiến” đến việc “đại sự” đều được họ “bóc mẽ”.

Việc khen không thấy, phần lớn toàn chuyện xấu mới được lôi ra. Chuyện cái Liên bị sàm sỡ trên xe buýt, chỉ biết đứng khóc, chuyện thằng Hào bị bà chủ hàng cơm “dằn” cho một trận vì tội đưa tiền giả hay cầm nhầm tiền gì đó, rồi chuyện “người đẹp” T bị đánh ghen…
 
Nguyệt, “dân buôn” thật thà: “Được nghỉ cái giờ ương ương ấy chẳng có thú nào hơn ngồi buôn chuyện, chứ bạn bè đâu phải lúc nào cũng có dịp gặp nhau đông đủ. Có hôm, chúng em còn ngồi đến tận 7 giờ tối, lớp tại chức đến học mới “nhổ rễ” được”. Nguyệt cũng cho hay, cánh con trai cũng không vừa, những lúc nghỉ tiết cũng “hội họp” ngoài quán nước trước cổng trường chứ chẳng mấy ai lên thư viện vào lúc này.

Hình như buôn chuyện trở thành một trong những thú vui hàng đầu của sinh viên. Thâm chí có những bạn “nghiện” buôn chuyện, hầu hết thời gian dành cho tụ tập “tỉ tê tâm sự”. “Buôn” ở lớp, “buôn” ở xóm trọ, gặp gỡ ở nhà bạn bè vẫn chưa đủ nhiều người còn “giải quyết nhu cầu” của mình bằng cách thâu đêm suốt sáng chát chít qua mạng.

Thủy, cô sinh viên năm ba ĐH Hà Nội cho hay, một ngày mà cô không ngồi tỉ tê vào chuyện với ai đó là ngứa ngáy chân tay. Cuối tuần, cô với mấy người bạn còn gặp nhau tại phòng trọ ai đó nằm trò chuyện từ sáng đến tối, nhiều hôm còn ngủ lại luôn. “Có lẽ sinh viên xa nhà nên nhu cầu chuyện trò lớn. Hầu hết chỉ là chuyện tào lao nhưng đã vào cuộc là không dậy nổi, có người đến giờ phải đi học còn nghỉ để “buôn cho đã”. Ai cũng biết việc này rất phí thời gian nhưng… bỏ thì không dễ”.

Giải trí bằng... ngủ

Lượn lờ trong các ký túc xá, các khu trọ sẽ thấy nếu sinh viên không học bài, không buôn chuyện thì chỉ có… ngủ. Ngủ trở thành sinh hoạt chiếm nhiều thời gian nhất trong ngày của không ít sinh viên. Có người ngủ vì không biết làm gì nhưng cũng có người vì ngủ nên chẳng có thời gian làm việc gì.
 
“Đốt” thời gian cho buôn chuyện và ngủ - 2
Hãy tận dụng thời gian vào những việc có ích. (Sinh viên tham gia chương trình tình nguyện Hành trình xanh. Ảnh: Hoài Nam)

Ng, sinh viên ĐH KHXH&NV, sống trong ký túc xá Mễ Trì nói: “Ngoài thời gian đến trường nhiều bạn trong phòng đều… ngủ. Bạn nào có máy tính thì mày mò, còn lại xôm xôm vài ba câu chuyện rồi trèo lên giường trùm chăn. Mà càng ngủ nhiều lại càng hay buồn ngủ”. Ng cho biết, vào dịp trời lạnh có nhiều bạn còn bỏ luôn thi vì “buồn ngủ quá!”.

“Món” giải trí gần như duy nhất của những sinh viên ở khu trọ gồm 8 phòng ở đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) là ngủ. Ngoài giờ đến lớp thì phòng nào phòng nấy đều đóng kín cửa, hầu hết sinh viên đều co quắp trong chăn. Cũng có người mượn được những cuốn sách về nhưng rồi cũng để đấy vì còn bận ngủ. Ăn được ngủ được là khỏe nhưng với sinh viên ngủ quá đà nên sinh ra ì ạch.

Chỉ vào phòng trọ cuối cùng, Tuấn, ĐH Kinh tế tiết lộ: “Chị T học Luật năm cuối, đi thực tập ở công ty nào đó nhưng suốt này ngủ, vài ba hôm mới ra khỏi phòng một lần. Ngủ nhiều quá nên sức ì nặng, động đến việc gì cũng lười. Ngay như chúng em đây, ngủ nhiều đến lớp mặt mũi thêm lờ đờ”.

Ngủ ở nhà trọ chưa đủ, nhiều sinh viên còn “xách bệnh” đến giảng đường. Gục đầu xuống bàn và ngủ là hình ảnh khá quen thuộc ở nhiều giảng đường. Có những người vì học nhiều, có người vì mê game nên thiếu ngủ nhưng cũng không ít người vì ngủ nhiều nên càng thèm ngủ. Việc học của họ vì thế mà bị ảnh hưởng.

Bên cạnh bệnh buôn chuyện và ngủ ngáy thì những căn bệnh nghiền cờ bạc, game cũng là một trong những cách cánh sinh viên lười dùng để tiêu thụ thời gian.

Trong một lần lên lớp, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV Hà Nội nói với học trò: “Sinh viên lẽ ra là những người “đói” thời gian nhất nhưng thực tế họ lại là những người dư thừa và tiêu phí thời gian nhiều nhất”. Đúng là có rất nhiều việc bổ ích sinh viên có thể làm nhưng một bộ phận không nhỏ sinh viên đang quá hoang phí thời gian - hoang phí chính sức trẻ của mình…

 Hoài Nam