Đồng Tháp sẽ đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động nông thôn
(Dân trí) - Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp nhằm phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn nên tỉnh sẽ đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động nông thôn.
Ngày 24/3, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu đào tạo nghề cho khoảng 9.107 lao động nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.821 lao động/năm); góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 79%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 57% và tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.
Để thực hiện kế hoạch nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng định mức chi phí đào tạo nghề nông nghiệp mới;
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy nghề nông nghiệp theo nhu cầu đăng ký hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng nhu cầu kinh phí là khoảng hơn 9 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương thực hiện (từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới hàng năm).
Song song với công tác đào tạo nghề, ngành chức năng, lãnh đạo mỗi huyện, thành phố kết hợp với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc các chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán), mô hình khuyến nông với các lớp dạy nghề tạo điều kiện cho học viên ứng dụng kiến thức vừa học vào thực tế để đánh giá hiệu quả học nghề.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các khoản vay đối với lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề và vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm
Được biết, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh có 5.746/5.873 lao động tham gia học nghề được cấp chứng chỉ (đạt 97,84%); tỷ lệ lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tham gia học nghề là 5.688 lao động (đạt tỷ lệ 96,85%), đạt và vượt so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, các ngành tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 437 giáo viên giảng dạy nghề nông nghiệp và cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương được cập nhật, bổ sung kịp thời kiến thức về kinh tế nông nghiệp và kỹ năng dạy nghề theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.