Đồng hành cùng con “thẳng tiến” vào Facebook - câu chuyện một người mẹ dám mơ ước

(Dân trí) - Chúng tôi được ngồi cùng cô Trần Thị Kiều Mỹ trong một buổi chiều cuối tháng 5, khi cô mới đặt chân tới Silicon Valley (California) để thăm trụ sở tập đoàn Facebook - nơi con trai cô đang bắt đầu hành trình phát triển sự nghiệp của mình.

Con cô Kiều Mỹ là Nguyễn Trường Ngọc Lân, chàng trai sinh năm 1996 với nụ cười hiền lành, ít nói nhưng ánh mắt luôn ánh lên vẻ thông minh.

Lân mới tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại Đại học Ohio Wesleyan, và ngay lập tức được Facebook xướng tên vào danh sách nhân viên chính thức của công ty. Hiện tại, Lân đang nắm giữ vị trí kỹ sư phần mềm công nghệ tại tập đoàn công nghệ danh tiếng thế giới này.

Theo lời kể của mẹ, từ năm 8 tuổi Lân đã mày mò máy tính nhưng cô Mỹ không khuyến khích, sợ con còn bé chưa phân biệt được điều gì nên, điều gì không nên, lại mê mải chơi game không tập trung học hành.

Tuy nhiên, quan sát con say mê với các bài tập tin học rồi tự mày mò trên mạng, cô Kiều Mỹ đã khuyến khích con thi vào lớp 10 chuyên Tin - THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) để phát triển đam mê công nghệ máy tính theo hướng chuyên nghiệp.


Nguyễn Trường Ngọc Lân khi còn nhỏ cùng bố mẹ.

Nguyễn Trường Ngọc Lân khi còn nhỏ cùng bố mẹ.

Tiếp đến, người mẹ tìm tòi về ý tưởng du học Mỹ và động viên con tìm hiểu thêm rồi nộp hồ sơ dù gia đình không mấy dư dả tài chính. Lúc này, Lân giành được học bổng trị giá 94.000 đô la Mỹ, cô Mỹ đã mạnh dạn mượn thêm tiền để con thực hiện giấc mơ du học của mình.

Sau 4 năm miệt mài đèn sách nơi đất khách, cuối cùng Lân đã biến ước mơ ngày bé trở thành hiện thực. Tập đoàn Facebook chính thức mời em vào làm việc toàn thời gian ở văn phòng chính thức tại Menlo Park, California, Mỹ.

Cô Kiều Mỹ - người mẹ và cũng là người bạn đồng hành trong từng bước đi của Ngọc Lân.
Cô Kiều Mỹ - người mẹ và cũng là người bạn đồng hành trong từng bước đi của Ngọc Lân.

Với sự hào hứng hơi “khiêm tốn” cho một kết quả bước đầu mà nhiều bạn trẻ mơ ước, Lân chỉ cười khiêm nhường nói: “Em muốn được chia sẻ thành công này với ba mẹ. Đặc biệt là mẹ - một người bạn đặc biệt - người đã đồng hành cùng với em trong từng bước khám phá bản thân và đam mê từ khi em còn nhỏ cho đến chặng đường du học tại Mỹ của em”. Cũng đúng hôm qua là lần đầu tiên Lân dẫn ba mẹ đi thăm trụ sở tập đoàn Facebook.

Ba mẹ Lân vô cùng tự hào và xúc động khi lần đầu tiên đặt chân đến Facebook - nơi làm việc của con trai sau khi ra trường.
Ba mẹ Lân vô cùng tự hào và xúc động khi lần đầu tiên đặt chân đến Facebook - nơi làm việc của con trai sau khi ra trường.

Khi sang Mỹ du học, Lân đã có lần tâm sự: “Mẹ ơi, hay là con chuyển trường qua Houston, có cơ hội vừa học vừa làm thêm ở tiệm phở, con kiếm được tiền trang trải chuyện ăn ở. Con biết nhà mình cũng khó khăn, nên nếu được, ba mẹ chỉ cần đóng học phí cho con thôi”. Cô Mỹ hiểu vì sao con có suy nghĩ như vậy nhưng tìm cách giải thích cho con đâu mới là mục đích dài hạn.

Ở nhà, cô Mỹ tìm đọc tin tức về thị trường việc làm Việt Nam cũng như hỏi người quen về thị trường của Hoa Kỳ, cô nhận ra: “Cả hai nơi cô thấy đều có tình trạng thất nghiệp cao nếu sinh viên ra trường mà chưa có kinh nghiệm làm việc, hoặc nếu có cơ hội cũng rất cạnh tranh cho sinh viên quốc tế, không phải người bản xứ thì gặp khó khăn về visa và không có mối quan hệ quen biết nữa”.

Hơn nữa, là một người mẹ, cô Mỹ hơn ai hết hiểu con mình còn nhiều điểm yếu. Ví dụ như khi hòa nhập vào môi trường học tập của Mỹ, Lân chưa bạo dạn, không hỏi khi gặp khó khăn, gặp nhiều rào cản ngôn ngữ, văn hóa ở trường... Cô Mỹ lo lắng nếu con không sớm khắc phục được, đây sẽ là trở ngại lớn cho quá trình tìm việc sau này.

Vì thế, cô Mỹ không ngừng tìm tòi, chia sẻ và động viên con tìm đến các chương trình hướng nghiệp, giảng dạy kỹ năng mềm và chuyên ngành của Mỹ, dù các chương trình này có học phí không nhỏ so với túi tiền của gia đình.

Cô Mỹ từng chia sẻ thẳng thắn với Lân: “Mẹ dành dụm một khoản để sau này cho con mua xe, có phương tiện đi lại. Nhưng mẹ nghĩ nếu ra trường không xin được việc, thì mua xe cũng chẳng để làm gì.

Con đi du học đã tốn một khoản lớn rồi, vậy bây giờ ba mẹ ráng xoay xở, đầu tư thêm một chút xíu nữa, cho con học được các kỹ năng cần thiết, mở mang đầu óc, được tiếp xúc với các chuyên gia trong ngành thì cũng đáng”.

Thật như câu nói “khi bạn đi tìm, bạn sẽ thấy”, một cơ hội đào tạo hướng nghiệp ngắn hạn tại Mỹ được thành lập bởi một giáo sư người Mỹ, giảng viên kỳ cựu về kỹ năng nghề nghiệp tại các trường Kinh doanh nổi tiếng như: Wharton, New York University, University of Queensland.., được giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh, khi Lân về hè năm thứ nhất đại học.

Cô Mỹ đã đưa Lân đến tìm hiểu về chương trình và gặp được Linh Dương, lúc ấy đang là chuyên viên tư vấn chiến lược tại tập đoàn kiểm toán Ernst & Young, đồng thời cũng là một trong những chuyên gia cố vấn trẻ tài năng của chương trình, khi anh Linh có chuyến thăm gia đình tại Việt Nam.

Anh Linh chia sẻ: “Linh vẫn còn nhớ cô Mỹ lúc đó, với dáng người nhỏ nhắn đèo con trên chiếc xe cup 81 hơn 1 tiếng đồng hồ vào quận 1 để tìm hiểu về chương trình đào tạo và định hướng nghề nghiệp của mình.

Hình ảnh ấy cũng y chang mẹ mình ngày xưa, cũng tận tâm và hy sinh cho mình rất nhiều để mình có được thành công hôm nay. Sâu thẳm trong Linh, hình ảnh này vô cùng lay động.

Cùng với nhận ra sự thông minh từ các các câu hỏi sâu sắc của Lân, mình đã tự hứa rằng: nếu cậu sinh viên này để mình hướng dẫn, mình và đội ngũ chuyên gia cố vấn sẽ cố gắng hết sức để em xin được việc tại Mỹ”.

Cô Mỹ đã động viên con cố gắng tham gia chương trình dù có nhiều thay đổi đột xuất trong kế hoạch hè. Sau 3 ngày được huấn luyện tại New York, khi cô Mỹ hỏi thăm tình hình của con, Lân đã thay đổi nhiều cách ăn nói với phong thái tự tin hơn: “Chương trình hay lắm mẹ ạ. Chắc chắn con sẽ xin được thực tập”.

Lúc ấy với câu nói ngắn gọn nhưng đầy tự tin của Lân, cô Mỹ đã rất vui và có thêm nhiều hy vọng. Sau khóa huấn luyện, với các kỹ năng về tư duy và thiết lập mạng lưới, xây dựng các mối quan hệ hiệu quả, Lân đã trở về trường, từng bước áp dụng các chiến thuật để kết nối với mạng lưới của mình.

Ngoài ra, Linh Dương cũng giới thiệu Lân với những người bạn của anh làm trong ngành công nghệ thông tin, có nhiều kinh nghiệm tại các tập đoàn lớn để giúp rà soát hồ sơ và kỹ năng chuẩn bị cho vòng phỏng vấn chuyên môn.

Qua một sự kết nối hiệu quả, Lân đã được tập đoàn Facebook gọi phỏng vấn cho công việc thực tập mùa hè cuối năm thứ hai. Mẹ Lân cũng như các chuyên gia cố vấn đã cùng đồng hành và chứng kiến Lân được báo tin vui hết từ vòng phỏng vấn đầu tiên cho đến vòng hai, rồi đến vòng phỏng vấn thứ ba. Cuối cùng, vị trí thực tập hiếm hoi của mùa hè năm đó tại tập đoàn Facebook đã gọi tên chàng trai Việt tài năng. Kết thúc mùa hè ý nghĩa đó, một lần nữa Lân được Facebook mời trở lại thực tập thêm một năm vào mùa hè năm thứ ba.

Trên thực tế, khi đã được nhận thực tập tại các tập đoàn lớn, khả năng cao bạn sẽ được tuyển ngay cho công việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp nếu bạn thực tập tốt. Vì thế, cánh cửa cơ hội đã mở ra thật rộng với tương lai của Lân ngay từ mùa hè năm thứ hai.

Đây cũng như là minh chứng cho những nỗ lực hết mình, vươn lên khỏi những giới hạn của bản thân Lân, đặc biệt phải kể đến quyết tâm của cô Mỹ khi động viên Lân đúng thời điểm, giúp em theo đuổi những điều cần thiết cho đích đến cuối cùng của một du học sinh Việt Nam khi qua Mỹ du học.

Nghe con báo tin vui trở thành nhân viên Facebook, cô Mỹ không tin vào tai mình: “Cô chỉ hy vọng con sẽ tìm được một công việc thôi chứ chưa bao giờ dám mơ là được nhận vào Facebook cả. Khi nghe tin con sẽ thực tập tại công ty lớn như vậy, cô bị bất ngờ cả một ngày trời, không làm được việc gì cả. Không biết mình có nghe nhầm không”.

Cô Mỹ chụp hình khi thăm quan trụ sở của Facebook tại San Francisco.
Cô Mỹ chụp hình khi thăm quan trụ sở của Facebook tại San Francisco.

Trong lễ tốt nghiệp, Lân được vinh danh tại trường với thành tích học tập xuất sắc. Nhưng điều làm vợ chồng cô Mỹ tự hào nhất là con vừa ra trường đã có tập đoàn danh tiếng nhận vào làm việc chính thức, trong khi có rất nhiều con bạn bè của cô Mỹ phải chật vật tìm việc và nhiều trường hợp không may mắn phải quay về Việt Nam hoặc đi học tiếp.

Gửi lời đến các bậc phụ huynh, Linh Dương (chuyên gia tư vấn chiến lược cấp cao tại tập đoàn kiểm toán PwC, trụ sở New York, Mỹ - nhà đồng sáng lập Học viện định hướng nghề nghiệp Hoa Kỳ - Career Pass Institute), từng có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đầu tư tài chính BlackRock, tập đoàn kiểm toán Big 4 như KPMG và E&Y) chia sẻ: “Đầu tiên, các bậc phụ huynh hãy cố gắng động viên con/ em mình tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn ngành nghề phù hợp với thế mạnh và năng lực cá nhân. Đây là bước đi khởi đầu rất quan trọng để con có thể chiến đấu bền bỉ trên con đường dài hạn.

Tiếp đến, khuyến khích con/em khắc phục các điểm yếu sớm nhất có thể. Thậm chí nếu cần có thể tìm đến các chuyên gia vì họ có phương pháp chuẩn hóa hơn. Khi đã lựa chọn đi du học, tham gia vào môi trường quốc tế, các em sinh viên nên được rèn luyện để đạt các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng quốc tế và xây dựng kinh nghiệm trước khi ra trường.

Cuối cùng, các em sinh viên phải luôn nhớ điều quan trọng nhất chính là: Xây dựng các mối quan hệ trong ngành bền vững sớm một vài năm trước khi tốt nghiệp. Đây sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra nhiều cánh cửa cơ hội việc làm sau này”.

Với đam mê nâng tầm giới trẻ Việt trên trường quốc tế, Linh Dương đã trực tiếp cố vấn và đào tạo thành công cho các em sinh viên vào các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng như: Facebook, Boeing, Goldman Sach, EY, PwC, KPMG, FMC..

“Mình là học sinh quốc tế, vậy mọi khía cạnh mình đều phải cố gắng gấp nhiều lần các bạn bản xứ để không những giành được cơ hội việc làm mà còn được công ty bảo lãnh visa. Có như vậy, ở năm thứ hai hoặc thứ ba, cũng như trường hợp của em Lân, mình tin các em khác cũng hoàn toàn có thể tự tin chiến thắng tại các vòng phỏng vấn.

Vì cơ bản các em học sinh Việt Nam qua được Mỹ cũng đã được tuyển chọn và có tố chất nhất định rồi, thậm chí Linh biết nhiều em có năng lực giỏi vượt trội. Nếu không biết cách đi đúng đường để xin được việc làm thì thật đáng tiếc.

Xin chúc các em du học sinh Việt Nam sẽ đạt được mơ ước nghề nghiệp của mình và xứng đáng với những sự đầu tư giáo dục mà bố mẹ đã bỏ ra”, Linh Dương gửi gắm các bạn trẻ.

Lệ Thu (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm