Đón Tết qua Facebook, thèm cảm giác bên gia đình
(Dân trí) - Với những bạn du học sinh du học ở nước ngoài, việc phải đi học hay đi thi vào đúng ngày Tết Nguyên đán tại Việt Nam, không thể về sum vầy bên gia đình đã thành thói quen. Tuy nhiên, ở mỗi đất nước trên thế giới các du học sinh Việt lại có cách đón Tết cổ truyền riêng.
Nguyễn Vũ Linh Chi (Thụy Sỹ)
Bạn Linh Chi (sinh năm 1999, Hà Nội) hiện đang là du học sinh trường Vatel International Business School Hotel & Tourism Management tại Thụy Sỹ.
Tết năm 2018 là năm đầu tiên Chi đón Tết không có gia đình bên cạnh. Cô bạn vẫn còn nhớ như in cảm giác vừa ôn thi, vừa để điện thoại bên cạnh nghe mẹ kể về Tết ở nhà. Năm đó, thời điểm Tết Nguyên đán trùng với lịch thi cuối kỳ của Chi.
Cô bạn kể: “Năm trước lúc Giao thừa ở Việt Nam là lúc mình đang thi, vừa cắm mặt vào ôn thi, vừa bật điện thoại gọi về cho mẹ và đón Tết qua điện thoại. Cả nhà ăn tất niên mẹ cũng gọi thông báo cho mình, rồi cả nhà xem Táo quân.
Giao thừa mẹ cúng gà như thế nào, con gà to hay nhỏ, bao nhiêu cân, mua ở đâu mẹ cũng kể cho mình chi tiết trong điện thoại.
Thường những năm ở Việt Nam mẹ kể vậy mình cũng không quan tâm, chỉ cắm mặt vào xem Táo quân rồi vâng dạ để đấy.
Cái Tết đầu tiên của mình bên Thụy Sỹ, mình vừa khóc vừa học khiến bạn cùng phòng tưởng bài khó quá mình bị stress, cứ rối rít hỏi có sao không, khó quá thì đừng học nữa.
Bên này các bạn tây biết Tết âm của châu Á nhưng các bạn lại không biết Tết quan trọng với mỗi người như thế nào!”.
Dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý Tết không ở bên gia đình được nhưng khoảnh khắc chuyển giao ấy vẫn khiến Chi khó ngăn được cảm xúc.
“Mình nghĩ đó là một phần văn hoá, truyền thống của đất nước, đã ngấm vào tâm hồn rồi dù có cố quên hay né tránh thì cảm xúc Tết vẫn luôn ở trong mình”, Chi nói.
Được biết Tết năm nay lịch thi sớm hơn dự tính, ngày thi cuối rơi vào ngày 28 Âm lịch nên ngày 29 Tết, Linh Chi lên máy bay về đón Tết bên gia đình.
Phạm Quế Anh (Hà Lan)
Không về Việt Nam ăn Tết nhưng Quế Anh (sinh năm 1996, Quảng Ninh) có người nhà tại Hà Lan nơi cô bạn du học nên cảm xúc ngày Tết xa gia đình cũng vơi bớt. Cô bạn cho biết đã đón 3 lần Tết cổ truyền ở Hà Lan.
Kể về lần đầu tiên đón Tết xa nhà, Quế Anh chia sẻ: “Năm đầu tiên cũng hơi khó khăn một chút vì lúc đó mình sang bạn bè chưa nhiều, cảm giác bị cô đơn nhưng may mắn có người nhà nên cũng đỡ phần nào.
Ghen tị nhất là khi đọc Facebook, thấy mọi người ở nhà đi chơi, tụ tập bên gia đình, thèm bánh chưng với lì xì. Nhớ nhà nhưng phải giữ bản thân bận rộn thì cũng bớt nhớ hơn”.
Trong khi bạn bè đón tết tại Việt Nam thì tại Hà Lan, Quế Anh vẫn tất bật cho việc học. 9x cho biết cộng đồng người Việt ở đây khá đông nên dịp Tết mọi người sẽ tranh thủ vào cuối tuần để ăn uống với nhau.
“Cộng đồng người Việt ở bên này cũng khá đông, thường sẽ tổ chức rất lớn khoảng 500 người, họ thuê hội trường, tụ tập nấu rồi mang đồ ăn tới, có cả văn nghệ nữa. Còn những người không tham gia hội thường có một bữa tối nho nhỏ bên gia đình”, Quế Anh kể.
Tết năm nay, cô bạn cũng không thể về vì bận đi học trao đổi khoảng 6 tháng tại Phần Lan.
Mai An (Nga)
Bạn Mai An, hiện đang học tập ở Đại học Tổng hợp Voronezh (Nga), từ ngày đi du học An cũng đã có 3 cái Tết không ở bên gia đình. An ngậm ngùi chia sẻ Tết năm nay sẽ là năm thứ 4 cô bạn không về Việt Nam.
Không có cơ hội đón Tết bên gia đình nhưng may mắn tại đất nước An theo học có tổ chức Hội sinh viên Việt Nam tại Nga.
“Năm đầu tiên mình đón Tết với Hội sinh viên ở bên này vì hằng năm hội sinh viên Việt Nam tại thành phố nơi mình học sẽ tổ chức chương trình chào năm mới vào trước Tết khoảng 3-4 ngày.
Còn về phía kí túc xá nơi mình ở cũng tổ chức, năm nào cũng vậy mỗi kí túc xá là mỗi chi đoàn riêng trực thuộc thành đoàn thành phố, sẽ tổ chức Tết riêng theo đúng không khí Việt Nam. Cũng gói bánh chưng, làm món truyền thống và cùng nhau đón Tết.
Bên này không cấm bắn pháo hoa như ở Việt Nam nên bọn mình mua được cả pháo hoa để chơi Tết.
Các du học sinh tại Nga sau khi đón Tết chung xong, chuẩn bị trang trí, nấu ăn xong, trước lúc đón Giao thừa mọi người đều về phòng gọi điện về chúc mừng năm mới với gia đình trước vì sợ nghẽn mạng, Giao thừa không gọi được. Bọn mình cũng cũng đón Tết vào đúng giờ Việt Nam, Giao thừa ở nhà là 20h00 ở Nga”, An kể.
“Tết không về được nhà thực sự rất buồn, mình cũng muốn về lắm nhưng lịch thi của trường lại trùng với lịch Tết ở nhà. Có năm mình đi thi vào đúng mùng 1 Tết, 31 mọi người đón Giao thừa còn mình lo lắng mùng 1 sẽ thi như thế nào. Khoa mình theo học cũng hơi vất vả chút nên cũng khó xin thi sớm để về”, An tâm sự.
Nguyễn Đức Sỹ (Nhật Bản)
Đức Sỹ (du học sinh tại Nhật Bản) đã có 3 cái Tết không về Việt Nam. Hằng năm vào những ngày này 9x vẫn bận rộn cho việc học và làm thêm của mình.
“Tết đến mấy đứa tụi mình bên này thường rủ nhau tổ chức ăn uống, nấu ăn và mua bánh chưng vì ở Nhật cũng bán khá nhiều.
Mình còn nhớ năm đầu tiên, Giao thừa mình vẫn phải đi làm vì bên Nhật họ ăn tết Dương còn Tết Âm họ không ăn nên nếu hôm đó có lịch vẫn phải đi làm như bình thường”, Sỹ kể.
Những năm trước, không có cơ hội về nhà, 9x chỉ tranh thủ gọi điện hỏi thăm bố mẹ và cùng bạn bè đón Tết nơi đất khách.
Còn năm nay, Đức Sỹ đã hoàn thành việc học tập tại Nhật nên về Việt Nam để đón Tết cùng gia đình.
Kim Bảo Ngân