Đòn roi vẫn tồn tại ở trường học Hàn Quốc

(Dân trí) - Học sinh trung học Hàn Quốc học 16 tiếng mỗi ngày; Cực kỳ tôn trọng giáo viên; Dạy học cũng giống như kinh doanh; Hình phạt đòn roi vẫn tồn tại; Học sinh chịu trách nhiệm giữ trường lớp sạch sẽ…Đó là những hoạt động đang diễn ra ở các trường học Hàn Quốc.


Học sinh trung học Hàn Quốc học 16 tiếng mỗi ngày

Học sinh trung học Hàn Quốc học 16 tiếng mỗi ngày

Áp lực học tập ở Hàn Quốc là vô cùng nặng nề. Hầu hết tất cả các em học sinh đều hướng đến mục tiêu vào được một trường Đại học danh tiếng nên sự cạnh tranh là vô cùng khắc nghiệt. Trung bình, một học sinh trung học ở Hàn phải học từ 8h sáng đến 9h30 hoặc 10 giờ tối, tổng cộng là khoảng 16 tiếng mỗi ngày, cả học chính lẫn học thêm.

Các trung tâm dạy thêm ở Hàn có tên gọi hagwon được tổ chức chặt chẽ và nghiêm ngặt không khác gì một trường học thực thụ. Đối với nhiều học sinh thì những hagwon này là nơi duy nhất để các em có thể giao tiếp xã hội, gặp gỡ bạn bè. Chính vì học đến tận 9-10h tối nên nhiều học sinh phải ăn tối luôn tại trung tâm dạy thêm và về đến nhà khi đã gần nửa đêm

Đi học từ thứ 2 đến thứ 7

Học sinh Hàn Quốc thậm chí còn không có ngày cuối tuần để nghỉ ngơi. Đến năm 2010, sau rất nhiều ý kiến phản đối, lịch học mới được thay đổi và học sinh được nghỉ hai ngày thứ 7 mỗi tháng.

Cực kỳ tôn trọng giáo viên

Ở Hàn Quốc, có câu nói rằng “Thầy cô là thần thánh”. Do đặc thù văn hoá, so với các quốc gia khác thì vị thế của giáo viên ở Hàn rất cao và nghề nghiệp này cực kỳ được coi trọng, nhất là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

Dạy học cũng giống như kinh doanh

Hàn Quốc là một quốc gia coi trọng vẻ bề ngoài. Ngay cả giáo viên cũng được kỳ vọng phải ăn mặc đẹp và phong cách khi dạy học như sơ mi cùng vest, tuyệt đối không được xuề xoà. Trong phòng học luôn có đầy đủ các công cụ high-tech như máy chiếu, máy tính, màn hình TV LCD và các giáo viên thường xuyên sử dụng những công cụ này để hỗ trợ truyền tải bài học một cách chuyên nghiệp.

Giáo viên làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm

Ở Hàn Quốc, tất cả giáo viên, kể cả ban giám hiệu đều phải chuyển trường sau mỗi 5 năm. Việc chọn trường được thực hiện ngẫu nhiên như quay xổ số. Điều này khiến cho các trường học thường xuyên được “thay máu” và các giáo viên cũng có cơ hội bình đẳng được làm việc cả ở những ngôi trường tốt và những ngôi trường cá biệt. Ngoài ra, còn có một hệ thống đánh giá dành cho giáo viên, tính điểm dựa trên các kỳ thi, các đợt tập huấn, thành tích của học sinh và của trường…vv.. để dựa vào đó phân công công tác.

Hình phạt đòn roi vẫn tồn tại

Nếu như ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, giáo viên đánh học sinh hoặc chỉ cần có dấu hiệu xâm phạm thân thể thôi đã có thể bị khởi kiện thì ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia Châu Á khác, hình phạt đòn roi vẫn tồn tại. Các bậc phụ huynh đa phần cảm thấy bình thường với cách thức dạy dỗ này, miễn là nó không đi quá xa. Nhiều giáo viên có sẵn trong phòng học một cây gậy thường được gọi là “đũa phép” để đánh học sinh mỗi khi các em phạm lỗi.

Xu hướng “tên tiếng Anh”

Người Hàn sẽ rất tự hào nếu có tên tiếng Anh, dù cho cái tên ấy nhiều khi hơi “quê mùa” trong mắt người phương Tây, chẳng hạn như Lola, Alice, Angelina… Thực ra, nhiều người Hàn quan niệm rằng có một cái tên tiếng Anh thì tương lai sẽ rộng mở hơn, sẽ thuận lợi hơn khi đi du học, làm việc với công ty nước ngoài..vv.., vậy nên các giáo viên ngoại ngữ ở trường và ở trung tâm dạy thêm thường được yêu cầu đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

Học sinh chịu trách nhiệm giữ trường lớp sạch sẽ

Mặc dù trường học vẫn có nhân viên vệ sinh nhưng những công việc như lau dọn lớp học, hành lang, cầu thang, quét và đổ rác dưới sân trường đều do các em học sinh phân công nhau đảm nhiệm và phải được thực hiện xong trước giờ vào học buổi sáng.

Bỏ giày khi vào lớp

Người Hàn Quốc không bao giờ đi cả giày vào trong nhà, họ cũng hiếm khi nào đi chân không mà thường đi một đôi dép lê thoải mái. Thói quen này được áp dụng cả ở trường học, nơi học sinh thường cất giày vào ngăn đủ để đồ và thay sang một đôi dép đi trong nhà khi bước vào phòng học.

Thuỳ Linh Hà ( theo Grrrltraveler )