Đơn li dị của bé lớp 1 là bình thường?

Gần đây, nhiều bậc phụ huynh và những người làm công tác GD bất ngờ khi “tình yêu tuổi học trò” liên tục xuất hiện trong trường trung học và cả tiểu học… Mới đây nhất, “lá đơn li dị” của cậu bé 6 tuổi được đăng tải trên báo chí khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình.

Đơn xin ly dị được cậu bé 6 tuổi trình bày rất chỉn chu. Dòng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập tự do hạnh phúc” được cậu bé 6 tuổi viết ngay ngắn chếch phía trên góc phải tờ giấy và viết in hoa dòng chữ ĐƠN XIN LY DỊ. 

Trong đơn cậu học sinh Đ.H, viết: “Hôm nay ngày... tháng... năm... Do tôi không còn tình cảm gì với bạn G là bạn gái của tôi trong lớp, tôi chuyển sang thích bạn M. Vì thế, tôi làm đơn xin ly dị với bạn G chính thức từ ngày hôm nay. Bạn G không được phép nắm tay tôi nữa. Ký tên Đ.H”.

Đưa vấn đề này trao đổi với TS. Trần Thị Trâm - giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội), bà chia sẻ: “Người lớn không nên quá trầm trọng hóa vấn đề của trẻ con”.

"Cách đây 15 năm, tôi đã được đọc tập truyện “Khi người yêu vào nhà trẻ” của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Mẫn. Tập truyện đề cập đến những mẩu chuyện tình cảm ngây ngô của các bé ở nhà trẻ…Với lá thư li dị của cháu bé lớp 1, thú thực là tôi đã thấy chuyện này nhiều rồi. Tôi không hề hoảng hốt khi đọc lá đơn này. Bởi, xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều cháu khôn trước tuổi và nhiều cháu có đời sống tâm hồn rất phong phú. Lớp 1, các cháu chưa hiểu gì về tình yêu, các cháu chỉ hiểu đơn thuần yêu có nghĩa là thích, hiểu một cách đầy hóm hỉnh yêu có nghĩa là được nắm tay…Quan niệm ngây thơ đáng yêu ấy đầy dại khờ và hồn nhiên, người lớn không nên quá trầm trọng hóa vấn đề của trẻ con…”.

Đồng thời, với trách nhiệm của một người làm công tác giáo dục, bà Trâm cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, nên dành nhiều thời gian quan tâm hơn đến con trẻ. Hãy khéo léo giải thích cho con trẻ hiểu có cảm tình với bạn thì nên thể hiện tình cảm đó như thế nào, hãy gần gũi để hiểu đời sống tâm lí của các cháu…chứ tuyệt đối không phải là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Một cô giáo dạy Văn tại Trường THCS Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) thì quan điểm: "Yêu ghét là chuyện hết sức bình thường và tự nhiên của con người. Chuyện trẻ con thích hay ghét một bạn nào đó trong lớp, trong trường là chuyện bình thường trong cuộc sống. “Thích” ở đây hoàn toàn đơn thuần chỉ là chuyện trẻ con. Do đó, không thể trách được em học sinh này".

Cô giáo này thẳng thắn: "Phim ảnh hiện nay đã tác động khá nhiều đến nhận thức của học sinh ngày nay. Các em xem phim, thấy người lớn “chán nhau” là viết đơn chia tay, là không ở với nhau nữa nên các em cũng bắt chước, khi không còn thích nhau nữa thì viết đơn li dị, mà cụ thể ở đây, trong suy nghĩ của em học sinh này, li dị có nghĩa là không được nắm tay nhau nữa. Em ấy đã tự áp vào mình chuyện của người lớn, vì thế câu chuyện lá đơn chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của câu chuyện "li dị"".

"Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì chuyện này song cũng cần quản lí con cái hơn nữa trong việc tiếp cận với phim ảnh, đặc biệt là mạng internet. Mặt khác, cũng cần giải thích cho con trẻ đến khi nào thì người ta kết hôn và khi nào người ta viết đơn li dị. Đồng thời, cũng cần định hướng cho con trẻ việc quan trọng nhất của con bây giờ là học tập chăm chỉ và ngoan ngoãn", cô giáo này khuyến cáo.

Theo Ngọc My
VietNamNet