Bài văn “lạ” - từ góc nhìn nhà tâm lý

(Dân trí) - Dư luận đang xôn xao về bài làm văn của một nữ sinh lớp 12 đặc tả tình cảm thầy trò quá mức, hay bài văn học sinh lớp 11 viết trong tâm trạng tuyệt vọng về cuộc sống… Trước hiện tượng này, không ít người đã phải giật mình.

Vừa qua, nhiều người dân ở Hải Phòng đã truyền tay nhau bản photo bài văn lạ được cho là của một nữ sinh lớp 12 tại cuộc thi thử đại học tại Trường THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng. Bài dài hơn 2.800 chữ, tràn kín 10 trang giấy thi. Bài văn lạ này bị điểm 0 (không), bởi người viết kể lại câu chuyện của một cô bạn thân tuổi học trò yêu thầy giáo dạy mình. Bài văn đặc tả tình cảm thầy trò quá mức cho phép, thậm chí trái với đạo đức thầy, trò... gây hiếu kỳ cho nhiều người. Bài văn có những câu: “Mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi được một người đàn ông ôm, trong lòng tôi trào lên một cảm xúc rạo rực”. Nữ sinh này viết về kết cục của cái đêm yêu thầy kể trên là: “Hai tháng sau, cái bụng tôi ấm ách, tôi có thai...”.

Bài văn “lạ” - từ góc nhìn nhà tâm lý - 1
Trao đổi với Dân trí, Thạc sĩ Tâm lý học Trần Văn Thức (ảnh), giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tôi cũng đã đọc nội dung bài văn một em học sinh viết kể về câu chuyện của bạn mình. Cảm giác đầu tiên tôi thấy hoàn cảnh của em học sinh được nêu trong bài văn là rất đáng thương. Nếu đây là một câu chuyện có thật, tôi tin tất cả chúng ta đều không muốn nó xảy ra và tôi thực sự chia sẻ với những mất mát của em học sinh này.

Bài văn thu hút sự chú ý của dư luận bởi nó đặt ra nhiều vấn đề. Đó là những gì đang diễn ra trong đầu của một em học sinh hiện nay, là cách đứa trẻ nhìn nhận về mọi thứ xung quanh, về ứng xử của người lớn, về những khó khăn tâm lý khi đứa trẻ phải đối mặt trước những sự kiện như cha, mẹ “đi bước nữa” hay trước chính những rung động đầu đời của mình.

Người trực tiếp chấm bài thi này cho rằng “Thí sinh làm bài trong lúc tâm lý không bình thường, có thể bị ảnh hưởng các truyện trên Internet”, theo ông như vậy có đúng không?

Đó là một quan điểm. Tuy nhiên tôi chia sẻ về ý kiến cho rằng ở đây có thể có sự ảnh hưởng từ các thông tin trên mạng. Việt Nam có tốc độ phát triển về Internet được xếp hạng trong khu vực, những giá trị mà nó mang lại là hiển nhiên. Tuy nhiên chúng ta cũng đang từng ngày phải đối mặt với thách thức từ mặt trái của mạng Internet. Đặc biệt trong giáo dục thanh thiếu niên.

Học sinh viết bài văn này được nhà trường nhận xét là học khá giỏi, ngoan và đặc biệt rất mê viết truyện. Có phải đây là sự đam mê viết văn hay những ảnh hưởng nào khác ?

Đọc bài văn có lẽ chúng ta đều chung một cảm nhận em học sinh là người có khả năng viết. Tôi không bình luận về cá nhân em học sinh viết bài văn. Nhưng tôi quan tâm tới nội dung của nó. Chúng ta giật mình không trước cách suy nghĩ và hành động của một vài trường hợp thanh thiếu niên hiện nay?

Gần đây chúng ta phải chứng kiến những biểu hiện về bạo lực trong học sinh, những hành vi giới tính chưa phù hợp, hay tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp v.v.. Những thực trạng đó là không mới nhưng ở giai đoạn hiện tại nó cần cả xã hội phải hành động mạnh mẽ. Chúng ta đều thấy yếu tố tác động trong quá trình một đứa trẻ sinh ra lớn lên thành người. Ở đây tôi chỉ xin đề cập hai khía cạnh cụ thể đó là phương pháp của cha mẹ và sự quản lý tốt các phương ảnh hưởng nhạy cảm đối với sự phát triển của trẻ (mạng Internet, văn hóa phẩm, các loại hình dịch vụ, giải trí).

Trên đây chỉ là một hiện tượng rất nhỏ, trong nhiều kỳ thi của mấy năm trở lại đây, hiện tượng học sinh hay còn gọi là tuổi teen chia sẻ cảm xúc riêng mình trong khi làm văn đã làm cho giáo viên và phụ huynh giật mình. Ví dụ, bài văn lạ là của một học sinh lớp 11, được viết trên lớp trong 1 tiết “…tôi chẳng được làm những gì mà mình thích. Tất cả phải theo ý bố mẹ... Bố vẫn thường dạy tôi về cách sống, cách làm người... Nhưng thử hỏi đã bao giờ tôi được làm chính tôi... Tôi tự tạo vỏ bọc cho mình để che giấu con người thật của tôi. Bố tôi cũng thế, ông đã tạo ra cho mình một cái vỏ bọc thật hoàn hảo để che giấu con người mình, lừa gạt tất cả, và cả tôi...”. Ông có bình luận gì về những hiện tượng như vậy?

Có hình thức phù hợp và các em đã viết ra để chúng ta biết được thế giới nội tâm mình là một tích cực. Cái chúng ta biết được qua các bài văn của một số em học sinh, như tôi đã nói, nó làm ta cần suy nghĩ thêm. Tôi nghĩ đã là cha mẹ ai cũng lo cho con cái, nhưng cách thể hiện sự yêu thương là khác nhau, nên phần nào hiệu quả khác nhau. Đôi khi chúng ta dành nhiều tâm sức để cung cấp các phương tiện vật chất nhưng lại thiếu hụt các yếu tố khác như thời gian dành cho sự quan tâm, chia sẻ, lắng nghe hay một tấm gương cụ thể nhất.
 
Bài văn “lạ” - từ góc nhìn nhà tâm lý - 2
Nếu không quan tâm, nhiều học sinh sẽ rơi vào thế giới ảo.

Có một nghịch lý là xã hội càng hiện đại, các phương tiện phục vụ giao lưu càng tinh vi, thì ở đâu đó con người lại khó “nói chuyện” với nhau theo đúng nghĩa. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, khi mối quan hệ giữa trẻ với người lớn không ổn thỏa, việc trẻ tìm đến thế giới ảo như bài văn đã nêu là điều dễ hiểu. Tôi đã nghiên cứu một đề tài về đặc điểm tâm lý học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội thể hiện qua các phương tiện nhật ký trực tuyến. Nghiên cứu cho thấy trẻ sử dụng các trang blog, các diễn đàn, mạng xã hội như là một phương tiện hữu hiệu để giải tỏa bức xúc, cân bằng tâm lý, thể hiện bản sắc cá nhân, giao lưu qua đó trẻ thấy được tôn trọng, thừa nhận, cổ vũ động viên và chia sẻ.

Như vậy nếu chúng ta tổ chức không tốt đời sống thực cho trẻ, không thỏa mãn đúng trẻ các nhu cầu đặc thù của con người như giao tiếp, sự tôn trọng, yêu thương quan tâm chăm sóc… thì bản thân các em tự khắc tìm đến các môi trường khác như là một cách để thích ứng, mà sự sa đà vào thế giới ảo là một ví dụ.
 
Bài văn “lạ” - từ góc nhìn nhà tâm lý - 3

Không chú ý tới diễn biến phức tạp của tâm lý lứa tuổi này, họ có thể đánh mất con trong gang tấc... (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Theo ông, chúng ta cần làm gì trước tình trạng này?

Đây là một câu hỏi lớn. Ở đây tôi xin phép nêu một số khía cạnh cụ thể:

Nhà giáo dục học vĩ đại KĐ. Usinxki đã nói: “Muốn giáo dục con người thì phải hiểu con người về mọi mặt”. Điều này tôi nghĩ không chỉ đặt ra với các nhà giáo, mà các bậc cha mẹ ngày nay cũng phải có được điều này. Chúng ta đã có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin, vì vậy việc tìm hiểu về các đặc điểm tâm lý, sinh học và xã hội của con mình trong một độ tuổi nhất định là không quá khó.

Thanh thiếu niên là lứa tuổi được coi là giai đoạn “bản lề”, khép lại thế giới tuổi thơ, bước sang thế giới người lớn, nên giai đoạn này chứa đựng nhiều khó khăn phức tạp nhất. Cần có sự mềm dẻo, tế nhị và kiên nhẫn trong ứng xử. Tổ chức tốt mối quan hệ giữa thanh thiếu niên với người lớn trên cơ sở sự tôn trọng, lắng nghe, đồng cảm… Tôi đồng cảm với một cô giáo trong bài viết gần đây về bài văn “lạ” gây xôn xao dư luận khi cho rằng: “Nếu các bậc làm cha làm mẹ không chú ý tới diễn biến phức tạp của tâm lý lứa tuổi này, họ có thể đánh mất con trong gang tấc”.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)