Đổi nguyện vọng: Thí sinh cân nhắc kỹ để tránh “điểm cao vẫn rớt đau”
(Dân trí) - Theo chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH, trong thời gian được điều chỉnh nguyện vọng thí sinh vẫn còn cơ hội để tìm hiểu kỹ một lần nữa năng lực sở trường của bản thân, về ngành nghề, môi trường học tập, học phí, vị trí địa lý các trường… để xem tìm sự phù hợp nhất rồi mới quyết định chọn điều chỉnh.
Ngày 21/7, thí sinh Hồ Trần Khánh Vân, cựu học sinh trường THPT Thủ Đức tìm đến ngày hội “Tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019” tại TPHCM để tìm các thầy nhờ tư vấn để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH. Khánh Vân cho biết cảm thấy băn khoăn vì điểm thì của mình thấp hơn kỳ vọng.
“Em đăng ký vào ngành Kinh doanh quốc tế và ngành Kinh tế nhưng điểm thi lại thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái. Em đang phải tính toán lại để có thể trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế như mong muốn của mình”, Vân chia sẻ.
Nữ thí sinh cũng cho biết cũng đã tính phương án dự phòng bằng cách bổ sung nguyện vọng thêm vào trường ĐH Sài Gòn và trường ĐH Văn Lang.
Không riêng gì thí sinh Vân, thay đổi nguyện vọng làm sao để trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn với mức điểm đạt được sau kỳ thi THPT quốc gia chính là mối quan tâm chung của nhiều thí sinh và phụ huynh.
Bắt đầu từ ngày 22/7 đến 17h ngày 29/7(phương thức trực tuyến) và đến 17h ngày 31/7 (phương thức bằng phiếu), mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển một lần trong thời gian quy định. Các chuyên gia từ những trường ĐH đã dành nhiều lời khuyên hữu ích cho thí sinh trước khi “chốt” phương án cuối cùng của mình. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thí sinh chớ vội thay đổi nguyện vọng mà phải cân nhắc các điều kiện sao cho hợp lý nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ: “Trường vừa đưa ra 2 mức điểm sàn gồm 17 và 19 điểm, so với năm 2018, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển có tăng lên. Vừa qua căn cứ vào phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2019, chúng tôi dự kiến điểm xét tuyển sẽ nhích lên so với năm 2018 khả năng từ 1-2 điểm, tuỳ theo ngành xét tuyển”.
Ths Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM đang tư vấn cho một phụ huynh
Đối với việc điều chỉnh nguyện vọng, ông Đương lưu ý thí sinh: “Các em đã xác định nguyện vọng của mình từ khá lâu rồi, căn cứ vào nhu cầu của mình, tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè. Nếu điểm đạt được kỳ vọng như ban đầu thì các em hãy đừng điều chỉnh. Các em chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng của mình nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp: điểm của mình chênh lệch so với kỳ vọng ban đầu. Nếu điểm thực sự hiện giờ cao hơn dự kiến và ngành trước đây mình thích mà không dám đăng ký thì giờ đây các em có thể điều chỉnh theo hướng mạnh dạng đăng ký. Ngược lại, điểm thực sự thấp hơn với dự kiến thì các em hãy rà soát lại nguyện vọng để làm sao phù hợp với ngành, trường mà mình muốn vào”.
Còn Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông trường ĐH Kinh tế Tài chính thì nhấn mạnh: “Thí sinh phải hết sức lưu ý vì điểm sàn khác với điểm trúng tuyển. Hiện nay một số trường tốp trên, tốp cao hiện có điểm sàn chỉ ở mức 15-16 nhưng điểm trúng tuyển có thể sẽ cao hơn từ 1-4 điểm, nên thí sinh phải hết sức cân nhắc”.
Đồng thời, ông Nguyên cũng lưu ý thí sinh chỉ điều chỉnh nguyện vọng khi cần thiết. “Đó là khi mức điểm của mình cao hơn dự kiến ban đầu hoặc điểm có chênh lệch so với mức điểm dự kiến trúng tuyển thì mới điều chỉnh. Đừng vì mức điểm cao qua hay vì ngành dễ trúng tuyển mà các em lại điều chỉnh, vì điều này sẽ gây khó khăn khi vào học. Nếu vào học một ngành, một trường không phù hợp với mình thì sau này sẽ gặp khó khăn trong quá trình học”.
Các chuyên gia ĐH khuyên thí sinh cẩn trọng trước khi "chốt" phương án thay đổi nguyện vọng
Tiếp nữa, khi điều chỉnh nguyện vọng thì thí sinh phải cân nhắc mức điểm chuẩn của các năm trước để có điều chỉnh thứ tự nguyện vọng hợp lý. Bên cạnh, những ngành bản thân có tố chất và năng lực phù hợp thì hãy đặt ưu tiên lên đầu tiên vì theo nguyên tắc xét tuyển thứ tự ưu tiên có tính chất quan trọng trong quyết định trúng tuyển. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng sau không còn giá trị nữa do đó thí sinh phải chú ý điều này”.
Theo ông Nguyên, trong thời gian được điều chỉnh nguyện vọng thí sinh vẫn còn cơ hội để tìm hiểu kỹ một lần nữa năng lực sở trường của bản thân, về tố chất ngành nghề, môi trường học tập, học phí, học bổng, vị trí địa lý các trường…để xem có phù hợp với mình hay không rồi mới quyết định chọn điều chỉnh. Bên cạnh đó, năm nay có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhưng cơ hội được học tập như nhau, nên thí sinh cần tận dụng nhiều phương thức xét tuyển để tạo thêm cơ hội cho mình. Các trường khi công bố kết quả trúng tuyển cũng đưa ra thời gian nhập học, thí sinh cũng phải lưu ý để nhập học đúng quy định. Những phương thức sau điểm sẽ cao hơn nên thí sinh cần chú ý để không xảy ra trường hợp "điểm cao vẫn rớt đau”.
Lê Phương