Đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao
(Dân trí) - Xây dựng đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032" nhằm tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, trên nền tảng các trường chuyên hiện có.
Thông tin trên đây được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 21/1.
10 năm, tỷ lệ học sinh giỏi trường chuyên tăng gần gấp đôi
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương.
Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.
Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, từ năm 2010, có 21 trường, đến năm 2020 tăng lên 60 trường chuẩn và có chất lượng giáo dục cao.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.
Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt, bằng chứng là năm 2020, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực.
Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế đều đoạt giải; trong đó có 09 huy chương Vàng, 08 huy chương Bạc, 05 huy chương Đồng và 02 bằng khen.
Nhiều trường chuyên chỉ chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi
Mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí nhưng hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn tới, hệ thống trường chuyên tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hoàn thiện bổ sung tăng cường các thiết bị dạy học hiện đại, trang bị các nguồn học liệu mở đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình chuyên sâu.
Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của trường chuyên phù hợp với xu thế thời đại mới, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo ngoài việc phát triển giáo dục mũi nhọn cần tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh…
Xây dựng Khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường chuyên nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh.
Hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thu hút xã hội hóa, tăng cường liên thông giữa giáo dục chuyên sâu và Đại học, tăng cường hợp tác quốc tế.
Cân nhắc xây dựng 2 trường chuyên ở thành phố lớn
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032" nhằm tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hệ thống trường chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Bộ, ngành, địa phương hằng năm và trong từng giai đoạn.
Các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án mới, hướng dẫn tổ chức thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế; huy động, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Đề án.
Các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của hệ thống trường chuyên nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước.
Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng hai trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển một trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao.