Đổi mới thi Trung học phổ thông: Quan trọng là con người

Khắc phục những hạn chế, tiêu cực của kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT vừa chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 với nhiều thay đổi.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi; giảm tính cục bộ, địa phương, tăng cường trách nhiệm và vai trò của các trường đại học trong suốt quá trình coi thi và chấm thi. Dẫu thế, theo các chuyên gia, để kỳ thi thực sự minh bạch, khách quan thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.


Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tăng cường giám sát ở tất cả các khâu coi thi, chấm thi.

Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tăng cường giám sát ở tất cả các khâu coi thi, chấm thi.

Tăng cường giám sát các khâu của kỳ thi

Những thay đổi quan trọng tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 là Bộ GDĐT sẽ tăng cường giám sát ở tất cả các khâu coi thi, chấm thi… Theo đó ở khâu coi thi, Bộ điều động cán bộ giảng viên các trường ĐH, Học viện thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các hội đồng coi thi tỉnh thành để phối hợp và sẽ đảm bảo nguyên tắc không bố trí người của các trường tại địa phương coi thi tại địa phương mình. Việc sắp xếp thí sinh tự do ở các hội đồng coi thi cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng phát sinh gian lận với những thí sinh tự do ở một phòng thi hay một hội đồng coi thi.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT cũng quy định chặt chẽ hơn trong việc điều động thanh tra giám sát các khâu của kỳ thi. Trong đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn phân công cán bộ có năng lực, trách nhiệm tham gia kỳ thi. Cán bộ làm công tác thanh tra phải được tập huấn kỹ về kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận công nghệ cao trong quá trình diễn ra thi.

Đặc biệt, chấm thi sẽ thay đổi, không giao cho các địa phương tự chấm bài của địa phương mình như trước mà Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), sau khi phân tích, nghiên cứu các ý kiến góp ý, cùng với thực tế của kỳ thi năm 2018 vừa qua, Bộ đã quyết định riêng bài thi tự luận (môn Ngữ văn) vẫn sẽ giao cho địa phương phụ trách chấm thi, nhưng sẽ tăng cường giám sát từ khâu bảo quản bài thi đến chấm thi, nhập dữ liệu điểm thi. Các trường ĐH sẽ chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm.

Để việc chấm thi trắc nghiệm khách quan, Cục Quản lý chất lượng cũng cho hay, sẽ mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi. Cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm. Đây cũng chính là một hình thức “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, trong khi ở mùa thi năm 2018 đã không thực hiện.

Tăng tỉ lệ điểm thi trong xét tốt nghiệp THPT

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GDĐT sẽ tăng tỉ trọng cho điểm thi THPT quốc gia trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, kết quả của kỳ thi này sẽ chiếm 70% điểm xét công nhận tốt nghiệp, thay vì 50% như năm trước. Cụ thể, điểm xét công nhận tốt nghiệp gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Bộ cũng tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH,CĐ. Cụ thể các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, trường có thể sử dụng các phương thức khác.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên- Trường THPT Phương Nam (Hà Nội) cho hay, việc tăng tỉ lệ 70%-30% giữa điểm bài thi và điểm học bạ cũng là biện pháp kỹ thuật thúc đẩy quá trình học tập của các em, chuẩn bị ôn tập từ sớm, tránh tình trạng bị điểm liệt khi làm bài thi thật.

Dẫu thế, vẫn còn không ít những băn khoăn từ phía học sinh, rằng việc giới hạn kiến thức “chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12”, thực chất là chưa rõ ràng. Thời gian ôn thi của các em hiện không còn nhiều bởi học kỳ năm học 2018- 2019 đã gần kết thúc. Do đó, Bộ nên công bố tỉ lệ ôn tập trọng tâm, đơn cử như chương trình chiếm bao nhiêu % ở lớp 10, lớp 11 để để giáo viên và học sinh có định hướng ôn thi tốt hơn.


Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Vinh)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Vinh)

Trước những băn khoăn của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi minh họa (tham khảo) sớm hơn so với các năm trước để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh tổ chức ôn tập. Theo đó, kỳ thi năm 2019 sẽ vẫn có 5 bài thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học). Trừ bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại đều thi trắc nghiệm.

Quan trọng vẫn là con người

TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho hay việc điều chỉnh chính sách và kỹ thuật tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn về kỳ thi sắp tới. Ông Vinh hi vọng những thay đổi này sẽ hạn chế tiêu cực khi để địa phương can thiệp quá sâu vào khâu chấm bài, ghép điểm. Việc tăng trọng số của điểm thi tốt nghiệp là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, Bộ GDĐT nên có văn bản chỉ đạo các sở GDĐT giám sát việc đánh giá quá trình 3 năm học THPT, đề phòng nâng điểm để bù trong số xét tốt nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, về những đổi thay tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, các trường ĐH vẫn đang đợi Bộ tập huấn về các giải pháp mới, với hi vọng sẽ góp phần ngăn chặn gian lận trong công tác chấm thi. Còn hiệu quả của giải pháp này đến đâu thì cũng phải chờ cho kỳ thi năm sau mới biết rõ được.

Trên thực tế, những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa công bố được dư luận đánh giá là nỗ lực để ngăn chặn tiêu cực và hướng tới việc học thực chất hơn. Tuy nhiên, liệu đây đã là giải pháp căn cơ hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn cần thêm thời gian để tiếp tục xem xét. Đơn cử, cũng cần hết sức lưu ý về việc lựa chọn trường ĐH có đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và uy tín, tránh tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Vì thực tế những gian lận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vừa qua cho thấy có liên đới cả nhân sự của trường ĐH, chẳng hạn như như thanh tra chấm thi. Do đó, kỳ thi năm 2019 cần lựa chọn những người có đạo đức nghề nghiệp, ý thức, nhận thức cao để làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của một cán bộ coi thi, hoặc tham gia vào bất kỳ khâu nào của kỳ thi.


Theo Đại Đoàn Kết