ĐH Kaist, Hàn Quốc:

Đổi mới để vươn ra toàn cầu

(Dân trí) - Dưới sự điều hành của hiệu trưởng mới với những cải tổ táo bạo, Kaist - trường ĐH Khoa học và Công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, đang từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của mình…

Giáo sư phát triển ý tưởng của sinh viên

Trong phòng thí nghiệm của giáo sư Cho Dong Ho ở ĐH Kaist, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực phát triển công nghệ cho phép mọi người gập màn hình điện tử chỉ nhỏ bằng cuốn sách và bỏ vào túi áo như một chiếc khăn mùi xoa.

Hiện còn quá sớm để biết khi nào những sản phẩm nghiên cứu tương tự sẽ ra mắt thị trường, nhưng thử nghiệm này đã đạt được bước đột phá quan trọng, đó là quy tụ được các giáo sư từ 8 khoa cùng hợp tác phát triển ý tưởng do một sinh viên (SV) đề xuất.

Đây là trường hợp chưa có tiền lệ ở Hàn Quốc nơi chỉ có giáo sư cao cấp được quyền đề ra dự án nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu.

Song, đây chỉ là một trong những thay đổi đang diễn ra ở Kaist - trường đại học có tham vọng thay đổi văn hoá khoa học Hàn Quốc và hơn thế nữa.

“Lúc đầu khi nhận được ý tưởng của SV về màn hình điện tử tương lai, chúng tôi đã nghĩ điều này thật điên rồ và chỉ là điều viễn tưởng. Nhưng dưới thời hiệu trưởng mới, chúng tôi được khuyến khích tiến hành thử nghiệm những điều tưởng như là bất khả thi”, GS Cho Dong Ho, giám đốc Viện Tích hợp Công nghệ Thông tin thuộc ĐH Kaist, cho biết.

Thay đổi truyền thống của Kaist

Thành lập năm 1971 từ nguồn viện trợ nước ngoài, Kaist có vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Cựu tổng thống Park Chung Hee đã tuyển chọn những thanh niên tài năng nhất đưa vào Kaist để đào tạo thành các nhà khoa học và kỹ sư. Và việc được tuyển chọn vào Kaist thời đó thực sự là niềm tự hào của cả ngôi làng nơi SV đó sinh sống.

Hiện nay, ông Suh Nam Pyo (71 tuổi, kỹ sư cơ học, đã từng đảm nhiệm chức vụ quản lý tại Viện Công nghệ Massachusetts) người đảm nhận vị trí hiệu trưởng ĐH Kaist đang đi tiên phong trong việc thực hiện những thay đổi lớn lao cho Kaist.

Đến nay, mọi hành động của Suh Nam Pyo - từ việc yêu cầu các giáo sư giảng dạy bằng tiếng Anh cho đến việc tiếp nhận SV dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ có điểm thi - đều nhằm biến Kaist có khả năng cạnh tranh cao hơn trên trường quốc tế.

Từ khi nhậm chức, Suh Nam Pyo đã trở thành nhà cải tổ ĐH được nói đến nhiều nhất ở Hàn Quốc với việc thay đổi những truyền thống quan trọng nhất của Kaist. Đầu tiên, ông đã quyết định tất cả các lớp học đều phải được giảng dạy bằng tiếng Anh, bắt đầu từ những lớp của SV năm thứ nhất.

Ông tuyên bố, “Tôi muốn SV Kaist có thể tự tin làm việc khắp nơi trên thế giới. Tôi không muốn họ giống những người Hàn khác đi dự các hội thảo quốc tế và chỉ ăn trưa với nhau vì sợ phải giao tiếp bằng tiếng Anh”.

Việc yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh cũng tạo tiền đề cho những thay đổi tiếp theo của Suh: mở thêm các chương trình đào tạo ĐH cho học viên nước ngoài tài năng. Năm ngoái, 51 SV quốc tế được cấp học bổng trong tổng số 700 suất học bổng toàn phần của Kaist. Trong khi đó, hiệu trưởng Suh Nam Pyo cắt chính sách miễn học phí cho tất cả SV; SV nào có điểm trung bình dưới hạng B phải trả tới 16.000USD/năm.

Mơ ước của ông Suh là biến Kaist thành trường ĐH toàn cầu, một trong những trường ĐH tốt nhất thế giới.

Một trong những động thái có thể coi là “táo bạo” nhất của hiệu trưởng Suh là từ chối tuyển dụng 15 trong số 35 giáo sư nộp đơn xin giảng dạy tại trường vào tháng 9 năm ngoái. Trước đó, trong lịch sử 36 năm của Kaist, ít có giáo sư nào bị bác đơn xin giảng dạy.

Đồng thời, ĐH Kaist tiến hành thử nghiệm cơ chế tuyển sinh không cần thi. Để được nhập học, SV sẽ tham gia buổi phỏng vấn, thảo luận và thuyết trình do nhà trường tổ chức, trong khi các giáo sư kiểm tra khả năng sáng tạo và năng lực lãnh đạo.

Không cải cách, vẫn phải hy sinh!

Vào năm 2006, khi chính phủ Hàn Quốc quyết định mời ông Suh về Hàn Quốc để “vực dậy” Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (được nhà nước cấp ngân sách, đổi tên theo tên viết tắt là Kaist vào ngày 1/1/2007), những trường hàng đầu của Hàn đang đối mặt với khủng hoảng. Hệ thống cũ với quy định miễn học phí để thu hút SV có khả năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ - nguồn động lực cho phát triển công nghiệp của Hàn Quốc - không còn hoạt động hiệu quả như trước kia.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan quản lý Kaist - đã quyết định “thuê” người nước ngoài để tạo ra những đột biến. Và Robert Laughlin, người đạt giải Nobel Vật lý, đã được chọn và trở thành người nước ngoài đầu tiên điều hành một trường ĐH của Hàn Quốc vào năm 2004. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, Robert Laughlin đã phải trở lại ĐH Stanford, sau khi những nỗ lực thay đổi của ông bị phản đối nặng nề.

Chính kinh nghiệm và gốc gác Hàn Quốc đã giúp Suh Nam Pyo không bị “tẩy chay” khi đề ra những cải cách.

“Cải cách tất yếu sẽ có hy sinh, nhưng thậm chí nếu chúng ta không tiến hành cải cách, vẫn sẽ có hy sinh. Sự khác biệt là nếu chúng ta không cải cách và không khuyến khích cạnh tranh, chính những người giỏi nhất sẽ bị hy sinh”, Suh cho biết.

Đến nay, mọi cải cách của ông Suh vẫn nhận được sự ủng hộ.

Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc, Kim Shi Il, đã gọi những cải cách của hiệu trưởng Suh Nam Pyo là “hiệu quả để giúp các trường ĐH của Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thế giới”. Nhật báo JoongAng Daily cũng ca ngợi Suh và nêu rõ: “Chúng ta phải học tập Kaist”.

Ewan Stewart, nhà vật lý giảng dạy người Anh tại Kaist từ năm 1999, cho biết: “Tôi cảm thấy nhiều việc mà hiệu trưởng Suh đang nói và làm đáng lẽ ra phải được đưa ra từ lâu rồi”.

Chung Joo Yeon, SV năm thứ nhất, cũng đồng tình với việc cần phải giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng cô phàn nàn rằng một số giáo sư không có kinh nghiệm trong việc giảng dạy bằng ngôn ngữ này.

Nhưng GS Cho Dong Ho cho biết: “Không còn sự lựa chọn khác. Nếu chúng tôi muốn duy trì tiêu chuẩn của nhà trường, chúng tôi phải thu hút nhân tài từ các nước trên thế giới và điều đó có nghĩa là các lớp học của chúng tôi phải được giảng dạy bằng tiếng Anh”.

Trong khi đó, Tổng thống Lee Myung Bak cam kết rằng với tư cách là Tổng thống, ông sẽ trao cho các trường ĐH quyền tự chủ nhiều hơn thông qua việc không can thiệp vào cách thức tuyển sinh của nhà trường.

Nguyễn Anh
Theo IHT