Đổi mới chính sách tiền lương, thu nhập giáo viên tăng từ 2024
(Dân trí) - Trong năm 2024, nhiều chính sách trong lĩnh vực giáo dục về tiền lương, thưởng, chế độ cho nhà giáo sẽ được thực thi.
Cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Điểm nổi bật được quan tâm trong chính sách năm 2024 là việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm.
Trong đó, đội ngũ giáo viên đang là lực lượng chủ yếu trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.
Lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).
Như vậy, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.
Tiếp tục xây dựng Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý cho giáo viên
Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cùng các đơn vị liên quan, các chuyên gia đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, đóng góp nhiều nội dung quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo.
Hàng triệu giáo viên trên cả nước trông đợi, việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, hướng tới sự phát triển của đội ngũ giáo viên trước mắt và lâu dài.
Giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm khi xét Chiến sĩ thi đua
Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 1/1/2024, tại Điều 23, Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" quy định cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" là những người đạt các tiêu chuẩn "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến".
Các cá nhân này cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.
Theo hướng dẫn này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đây là tin vui với hàng triệu nhà giáo trên cả nước.
Lương hưu của giáo viên 2024
Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu của giáo viên được tính theo công thức: Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Với lao động nam, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Đối với lao động nữ, đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng, mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỷ lệ hưởng.
Ví dụ, giáo viên nam A đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 25 năm. Khi giáo viên này nghỉ hưu, tỷ lệ lương hưu sẽ được nhận như sau:
20 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng 45%.
5 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại được hưởng 5 x 2% = 10%.
Tổng tỷ lệ lương hưu của giáo viên A = 45% + 10% = 55%.
Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên A là 9 triệu đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Trong đó, bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, trên cơ sở lương của người lao động, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32% (trong đó người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội).
Như vậy, giả sử với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 9 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu của ông A là = 55% x 9 triệu đồng = 4,95 triệu đồng/tháng.
Dạy học tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1
Ngày 11/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 23/1/2024 quy định: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều này nhằm chuẩn bị cho các em tâm thế vào lớp 1; hình thành các kỹ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói; hình thành và phát triển năng lực đọc; hình thành và phát triển năng lực viết.