Đôi chân kỳ diệu của cậu học sinh tật nguyền

Sinh ra đã không có hai cánh tay, những tưởng em sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng chỉ với đôi chân em vẫn làm được mọi việc như những người bình thường khác. Em là Hồ Hữu Hạnh ở ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Dưới cái nắng gay gắt buổi trưa cuối tháng 11/2009, chúng tôi tìm đến nhà em Hạnh. Trong căn nhà cấp bốn nghèo nàn chỉ kê hai chiếc giường và bộ bàn ghế đơn sơ. Hình ảnh ấn tượng nhất đập vào mắt chúng tôi là cậu bé chừng 10 tuổi không có hai cánh tay nhưng khuôn mặt thông minh, đang quét nhà. Vì không tay nên cậu phải kẹp cán chổi vào cổ, những động tác đưa chổi trông thật nhẹ nhàng, uyển chuyển. Chỉ trong nháy mắt nền nhà xi măng được quét sạch bóng, không còn một hạt bụi. “Em là Hạnh phải không?” - chúng tôi hỏi. “Dạ! Anh chị ngồi chơi uống nước - Hạnh vừa nói vừa dùng chân kẹp lấy quai ấm rót nước mời khách.

Đôi chân kỳ diệu của cậu học sinh tật nguyền - 1
Hạnh viết chữ bằng chân rất đẹp ...

Chị Bùi Thị Hợp, mẹ Hạnh kể: chồng chị là anh Hồ Hữu Thân, trong thời gian làm rẫy trên đồi Đông Bắc do uống nước suối nên bị nhiễm chất độc da cam. Ngày chị sinh đứa con trai thứ hai là Hạnh, bà đỡ đã ngất lịm khi chứng kiến em không có tay. Sợ chị buồn cả nhà đều giấu không cho biết. Bà nội ẵm cháu suốt ngày, chỉ khi cho bú mới đưa đến nhưng lại quấn chăn kín mít nên chị không phát hiện ra. Phải đến 20 ngày sau, trong lần đầu tiên tắm cho con, chị mới té xỉu. Thương con, đêm nào chị cũng khóc.

Đôi chân kỳ diệu của cậu học sinh tật nguyền - 2
... chải đầu

Điều chị Hợp không ngờ là Hạnh lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí còn ít bệnh tật hơn anh và hai em của mình. Chị đã khóc vì hạnh phúc khi thấy con mình tự lật rồi ngồi dậy dễ dàng. Đặc biệt khi biết ăn cơm, Hạnh kẹp thìa vào chân tự xúc cơm rất gọn gàng, không đổ ra ngoài hạt nào. Hàng ngày, việc chăm sóc bản thân như đi vệ sinh, mặc quần áo, đánh răng rửa mặt, chải đầu Hạnh cũng tự làm lấy. Chỉ với đôi chân Hạnh còn giúp bố mẹ quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, nhặt rau, nấu ăn, ra đồng nhổ cỏ. Hạnh còn có một khả năng đặc biệt là dùng cổ và vai tự đạp xe đi học cách nhà ba cây số.

Đôi chân kỳ diệu của cậu học sinh tật nguyền - 3
... và quét nhà

Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cắp sách tới trường, Hạnh đòi bố mẹ cho đi học. Nghĩ về hoàn cảnh con mình, đi học làm sao viết được chữ, không khéo lại trở thành trò cười cho mọi người nên anh Thân và chị Hợp đều ngăn cản. Không nản chí, đợi khi bố mẹ đi làm, Hạnh trốn theo bạn tới trường mầm non xã đứng ngoài cửa sổ nhìn vào rồi lấy que kẹp vào chân vẽ lên mặt đất. Cô giáo thấy tội nghiệp cho Hạnh vào lớp ngồi cùng các bạn. Không ngờ chỉ thời gian ngắn, Hạnh viết được bằng chân, nét chữ khá đẹp. “Các bạn viết bằng tay được cô giáo cầm tay tập viết, còn em viết bằng chân không được may mắn ấy. Em phải tập viết một mình nhưng cô giáo khen viết chữ đẹp, rõ ràng” - Hạnh kể. Ngoài chăm chỉ học tập, Hạnh còn hát rất hay, được đại diện cho cả lớp đi thi văn nghệ.

Vào cấp một, Hạnh học rất giỏi, nhất là môn toán. “Hạnh không chỉ viết chữ đẹp bằng chân mà còn học đều các môn. Riêng môn Toán em học trội hơn so với các bạn trong lớp. Hạnh là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó học giỏi để các bạn học tập - cô Quyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Kim Đồng nhận xét. Còn chị Hợp cho biết: “Hạnh siêng học lắm, đêm nào cũng miệt mài đến một, hai giờ sáng mới đi ngủ. Ban ngày, buổi nào được nghỉ ở trường thì tham gia học nhóm. Về nhà Hạnh thường tranh thủ thời gian bày các em học bài”.

Tuy tật nguyền nhưng với nỗ lực vượt lên số phận suốt những niên học vừa qua năm nào Hạnh cũng đạt học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Khi được hỏi ước mơ sau này của em, Hạnh không ngần ngại bày tỏ: “Ngoài môn Toán em thích nhất là vi tính. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành kỹ sư máy tính. Công việc này không nhất thiết phải dùng đến tay, những người như em làm được”.

Con đường phía trước của cậu học sinh tật nguyền còn lắm chông gai, thử thách, nhưng hy vọng với ý chí, nghị lực, Hạnh sẽ thực hiện được ước mơ của mình và mãi mãi là tấm gương sáng cho các bạn cùng cảnh ngộ noi theo.

Theo Nguyễn Vũ
Công An TPHCM